Xuất phát từ đối tượng nghiên cứu và vấn đề nghiên cứu của luận án Sự biến đổi của nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê (huyện Phú Xuyên) và Vũ Lăng (huyện Thanh Oai), thành phố Hà Nội hiện nay về cơ bản có một số điểm mới so với các công trình đi trước như chúng tôi đã trình bày cụ thể trong phần Mở đầu, cùng với những kết quả nghiên cứu đã đạt được qua việc giải quyết các nhiệm cụ thể ở từng chương nội dung, một số đóng góp mới của luận án có thể được ghi nhận. Trước hết, tính mới được thể hiện ở việc luận án lựa chọn và vận dụng các cơ sở lý luận liên quan đến sự biến đổi văn hóa nói chung và biến đổi làng nghề nói riêng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng tôi đã trình bày một số khái niệm có tính chất công cụ, một số luận điểm khoa học sử dụng làm điểm tựa lý thuyết và phương pháp tiếp cận chủ đạo - phương pháp tiếp cận Văn hóa học mang tính liên ngành phù hợp với mã ngành, đối tượng và mục đích nghiên cứu của đề tài luận án. Có thể thấy, ở các công trình nghiên cứu đi trước là các luận án có cùng chủ đề nghiên cứu về sự biến đổi của nghề sơn truyền thống thì cơ sở lý luận chưa được các tác giả quan tâm lắm. Theo đó, họ thường không đề cập đến hoặc trình bày không rõ ràng vấn đề này. Hơn nữa, bởi mã ngành của các luận án này là văn hóa dân gian, do vậy các tác giả chủ yếu thiên về các cách tiếp cận khá điển hình của chuyên ngành này là tiếp cận không gian văn hóa, tiếp cận thành tố văn hóa… thay vì theo hướng tiếp cận liên ngành như ở đề tài luận án của chúng tôi.
Việc khái quát về nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ vốn đã khá quen thuộc ở các công trình nghiên cứu chuyên sâu về nghề sơn truyền thống, theo đó, trong chương đầu tiên của đề tài luận án cũng bắt đầu bằng công việc này. Chúng tôi thấy đây là điều cần thiết, nhằm hệ thống những thông tin cơ bản nhất về nghề sơn truyền thống ở khu vực châu thổ Bắc Bộ, qua đó tạo dựng bối cảnh cho sự hiện diện của hai làng nghề cụ thể Bối Khê và Vũ Lăng. Tuy nhiên, nội dung này của đề tài luận án đã bổ sung thêm những thông tin mới, góp phần tạo nên điểm khác biệt so với các công trình đi trước. Cụ thể, đó là một vài thông tin về thời điểm xuất hiện của nghề sơn trên thế giới với hai trung tâm Nhật Bản và Trung Quốc. Những thông tin này hầu như chưa được đề cập tới trong các công trình nghiên cứu đi trước, mặc dù không nhiều song chúng cũng phần nào minh chứng cho lịch sử lâu đời của nghề sơn. Bên cạnh đó, trong nội dung trình bày về sản phẩm sơn trong đời sống của cư dân châu thổ Bắc Bộ, chúng tôi đã cố gắng tổng hợp tương đối toàn diện những giá trị đóng góp của sản phẩm sơn trong đời sống sinh hoạt, tôn giáo tín ngưỡng, đời sống thẩm mỹ và trong các ngành công nghiệp hiện đại ngày nay. Đó cũng là việc chưa được các nhà nghiên cứu đi trước thực hiện bởi mỗi người thường chỉ nói tới một vài giá trị riêng lẻ của nghề sơn và sản phẩm của nó mà thôi. Ngoài ra, khi giới thiệu về một số làng nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ, chúng tôi cũng đã góp phần bổ sung thêm thông tin về một số làng làm nghề sơn ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Hà Nội. Qua đó, cùng với các thông tin về nhiều làng nghề khác đã được cung cấp trong các công trình đi trước, xác định sự phân bố của nghề sơn truyền thống ở các làng nghề thuộc châu thổ Bắc Bộ trong quá khứ cũng như hiện tại. Theo chúng tôi, đây có thể coi là một điểm mới nữa của luận án.
Nội dung tìm hiểu về nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng, Hà Nội cũng đã thể hiện một số vấn đề mới của luận án. Những thông tin khái quát về nghề sơn truyền thống ở hai làng dưới các khía cạnh: lịch sử nghề, quy trình chế tác, các loại hình sản phẩm tiêu biểu và đặc trưng, giá trị của nghề sơn truyền thống đã được trình bày trong bối cảnh nghề sơn truyền thống ở châu
thổ Bắc Bộ và trong tương quan so sánh với một số làng có nghề sơn truyền thống khác trong khu vực. Nội dung này hầu như chưa được thấy rõ ràng, cụ thể trong bất cứ công trình khoa học nào nghiên cứu về nghề sơn Việt Nam trước đó. Bởi lẽ, cho đến thời điểm này, trong khi rất nhiều các làng nghề sơn truyền thống khác ở châu thổ Bắc Bộ đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, thì, nghề sơn truyền thống ở hai làng nghề Bối Khê và Vũ Lăng lại chưa từng trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên biệt của các công trình có chủ đề nghiên cứu về nghề sơn. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ nội dung trình bày về nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng sẽ là một điểm mới của luận án so với các công trình nghiên cứu đi trước với ý nghĩa bổ sung thêm hai trung tâm sản xuất đồ sơn vào bản đồ các làng nghề sơn truyền thống, qua đó góp phần thể hiện sắc thái đa dạng của nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phần trình bày về sự biến đổi của nghề sơn truyền thống ở hai làng nghề là một trong những nội dung thể hiện rõ nét nhất tính mới của luận án so với các công trình nghiên cứu đi trước. Kết quả của sự vận dụng các cơ sở lý luận và phương pháp tiếp cận đã được lựa chọn là nội dung biến đổi của nghề sơn truyền thống tại hai làng Bối Khê và Vũ Lăng ở các khía cạnh tiêu biểu nhất cùng với những nguyên nhân cơ bản của quá trình biến đổi này được trình bày trong chương 2. Qua đó, luận án chứng minh rằng nghề sơn truyền thống với tư cách là một hiện tượng văn hóa không nằm ngoài quy luật vận động, biến đổi tất yếu dưới tác động của các nhân tố khách quan cũng như trong nội tại làng nghề . Chính sự biến đổi ấy đã giúp cho nghề sơn truyền thống ở hai làng có thể duy trì tồn tại cho đến thời điểm này. Ở các công trình đi trước, các tác giả thường chủ yếu tập trung vào việc miêu thuật nghề sơn truyền thống của một làng nghề, do đó các yếu tố biến đổi của nghề sơn truyền thống trong bối cảnh mới thường được trình bày rất sơ lược. Điều này là dễ hiểu bởi vì mục đích nghiên cứu chủ đạo của các công trình này là làm nổi bật được các giá trị truyền thống của nghề sơn đã được định hình và tồn tại từ bao đời nay ở các làng nghề, thậm chí đôi khi
họ cũng tỏ thái độ không ủng hộ lắm với những “cái mới” hay “cái cải tiến” của nghề sơn truyền thống. Với những luận giải nêu trên, chúng tôi xem nội dung sự biến đổi của nghề sơn truyền thống ở hai làng là một trong những đóng góp mới của luận án.
Phần trình bày các hệ quả đưa lại từ sự biến đổi của nghề sơn truyền thống ở hai làng đã mang thông điệp về sự cần chấp nhận tính hai mặt của bất cứ một hiện tượng văn hóa nào - mà nghề sơn truyền thống là một ví dụ. Điều quan trọng là định hướng cho làng nghề về những giá trị và chuẩn mực cần thiết để họ tự thích nghi, điều chỉnh và ứng xử một cách tự giác theo hướng: yếu tố ngoại sinh được dân tộc hóa và yếu tố nội sinh được hiện đại hóa nhằm đóng góp thêm giá trị mới cho nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ. Đây cũng là nội dung chưa được thấy trong các công trình nghiên cứu đi trước về nghề sơn truyền thống và chúng tôi xem đó là một trong những đóng góp mới của luận án.
Sau cùng, tính mới của luận án được thể hiện ở ba nội dung đã được chúng tôi trình bày trong chương 3 với ý nghĩa thiết thực có thể áp dụng vào thực tiễn tại hai làng nghề. Trước hết, chúng tôi bàn về xu hướng vận động của nghề sơn truyền thống ở hai làng trong thời gian tới trên cơ sở nhìn nhận những tiềm năng cũng như khó khăn, thách thức về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội của làng nghề. Đây là những vấn đề chưa được quan tâm tới trong các luận án đi trước nghiên cứu về nghề sơn ở góc độ biến đổi. Bên cạnh đó là nội dung trình bày một số quan điểm phát triển nghề sơn truyền thống của hai làng nghề Bối Khê và Vũ Lăng trong bối cảnh hiện nay dựa trên các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền Tp. Hà Nội về vấn đề xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong những năm gần đây. Sau cùng, nội dung những vấn đề cần giải quyết trên con đường phát triển của nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng hiện nay được đề cập tới cũng có thể coi là một trong những đóng góp mang tính thực tiễn của luận án. Những đề xuất này đều dựa trên thực trạng hoạt động sản xuất ở hai làng trong giai đoạn gần đây. Chúng tôi không coi đây là hệ thống giải pháp như mô hình quen thuộc ở nhiều
luận án đi trước, theo chúng tôi, đó là những việc cần làm để giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện tại của nghề sơn truyền thống ở hai làng. Qua đó, những đề xuất này nếu được sự ủng hộ của các nhà quản lý có thể trở thành những đóng góp thiết thực hướng tới sự phát triển nghề và làng nghề hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong tương lai.
Tiểu kết
Nghề và làng nghề thủ công truyền thống với sự góp mặt của nghề sơn ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước. Dưới sự tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan trong bối cảnh mới, chưa bao giờ nghề sơn tại hai làng nghề lại có sự biến đổi mạnh mẽ đến vậy. Sự bung ra của nghề sơn một mặt đem lại những lợi ích nhất định cho nhân dân làng nghề song mặt khác lại là môi trường nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực về mặt văn hóa - xã hội và chúng trở thành những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với việc duy trì và phát triển của nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê, Vũ Lăng, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh quyết liệt với các làng nghề sơn truyền thống khác, với các sản phẩm công nghiệp nội địa và ngoại nhập. Song, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và UBND Tp. Hà Nội, cùng sự năng động của đội ngũ những người thợ làm nghề, nghề sơn ở hai làng đã và đang có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển. Chúng tôi cho rằng, động thái từ phía làng nghề ít nhiều cũng đã mang lại hiệu quả trước mắt, song xét về lâu dài để nghề sơn truyền thống có thể phát triển đảm bảo sự hài hòa các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội đòi hỏi phải có sự thực thi đồng bộ nhiều chính sách xuất phát từ thực tế của nghề sơn truyền thống ở hai làng với sự phối hợp của người làm nghề, chính quyền các cấp và các ngành có liên quan.
Luận án Sự biến đổi của nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê (huyện
Phú Xuyên) và Vũ Lăng (huyện Thanh Oai), thành phố Hà Nội hiện nay từ cách tiếp cận Văn hóa học mang tính liên ngành, một số vấn đề cơ bản được giải quyết trong luận án đã thể hiện tính mới trong tương quan so sánh với các công
trình nghiên cứu đi trước. Trước hết, đó là việc tái hiện diện mạo của hai trung tâm sản xuất đồ sơn lớn ở châu thổ Bắc Bộ là Bối Khê và Vũ Lăng. Thứ hai, chứng minh và phân tích sự biến đổi mang tính quy luật của nghề sơn truyền thống ở hai làng nghề trong bối cảnh chung của nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam. Sau cùng, bàn về vấn đề phát triển của nghề sơn hiện nay và trong tương lai dựa trên sự phối hợp của ba bên: nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng làng nghề.
KẾT LUẬN
1. Nghề sơn xuất hiện sớm và phát triển rực rỡ nhất ở châu thổ Bắc Bộ gắn với sự ra đời và tồn tại của nhiều phường thợ và làng nghề. Trong đó, hai làng nghề Bối Khê, huyện Phú Xuyên và Vũ Lăng, huyện Thanh Oai, Tp. Hà Nội nổi lên như hai trung tâm sản xuất đồ sơn đã được định danh bởi những sản phẩm mang giá trị nhiều mặt được tạo tác bằng những kỹ thuật cơ bản của nghề sơn truyền thống Việt Nam là sơn mài, sơn quang và sơn thếp, góp phần để nghề sơn truyền thống xứng đáng với tên gọi “nghề làm đẹp cho đời”.
2. Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, dưới tác động của thể chế chính sách của Đảng và Nhà nước cùng những chuyển biến to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội, nghề sơn truyền thống của hai làng Bối Khê và Vũ Lăng đã có sự biến đổi khá đa dạng và toàn diện ở hầu khắp các khía cạnh nghề với qui mô và cấp độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng thời kỳ và từng làng nghề. Đó là sự biến đổi về nguyên vật liệu, qui trình chế tác, sản phẩm, thị trường tiêu thụ - khách hàng, hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực, vấn đề truyền dạy nghề, đời sống sinh hoạt của thợ nghề. Dựa trên các cơ sở lý thuyết về biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi nghề thủ công truyền thống nói riêng và cách tiếp cận liên ngành văn hóa học, toàn bộ nội dung về sự biến đổi các khía cạnh của nghề sơn truyền thống ở hai làng với những biểu hiện cụ thể đã được chúng tôi khảo cứu và trình bày trong tổng thể luận án. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng thừa nhận rằng có một số thành tố của nghề sơn truyền thống ít bị biến đổi hay biến đổi rất chậm như vai trò của yếu tố thẩm mỹ - cái Đẹp trong chế tác sản phẩm và tâm thức nghề nghiệp của người thợ sơn như đã trình bày.
3. Quá trình biến đổi của nghề sơn truyền thống có thể xem như là quy luật tất yếu của cuộc sống để nghề có thể tiếp tục duy trì ở hai làng đến hôm nay thay vì bị lụi tàn như trường hợp một số làng nghề sơn đã không thể thích nghi với bối cảnh kinh tế, xã hội mới được đề cập tới trong luận án. Những kết quả đem lại từ quá trình biến đổi này là rất đáng ghi nhận và có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Điển hình nhất có thể nhận thấy đó là
việc các sản phẩm sơn đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng ở trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương: giải quyết việc làm cho người lao động ở trong và ngoài làng nghề, chất lượng cuộc sống của cộng đồng làng nghề được cải thiện, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống cũng như sáng tạo, bổ sung thêm nhiều giá trị mới… cho nghề sơn. Qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
4. Sự biến đổi nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng đã đưa đến một số hệ quả là các vấn đề văn hóa, xã hội như hiện tượng tái cấu trúc hệ giá