Phải thừa nhận rằng quá trình biến đổi nghề sơn truyền thống đã đưa đến lợi ích nhiều mặt cho các làng nghề Bối Khê, Vũ Lăng trong bối cảnh xã hội mới. Song, có một vấn đề đặt ra là khi các giá trị truyền thống có xu hướng thị trường hóa, nhiều giá trị mới được du nhập và tiếp nhận quá nhanh thì việc nảy sinh một số
hệ quả văn hóa là tất yếu. Những hệ quả này có thể ví như làn gió mới thổi tới các làng nghề, ở đó mang theo những khía cạnh tích cực giúp củng cố sức mạnh của hệ giá trị truyền thống trước sự biến đổi đang diễn ra nhanh chóng nhưng cũng ẩn chứa cả những vấn đề hệ lụy được xem như là khó khăn thách thức của nghề sơn truyền thống trên con đường sự phát triển hiện nay.
2.3.1. Hiện tượng tái cấu trúc hệ giá trị của nghề sơn truyền thống
Suy cho cùng, bản chất của quá trình biến đổi nghề sơn truyền thống ở các làng nghề như Bối Khê và Vũ Lăng chính là sự điều chỉnh lại hệ giá trị truyền thống đã có từ bao đời để ngành nghề cổ truyền có thể duy trì tồn tại trong bối cảnh mới. Theo đó, hệ giá trị này (bao gồm cả truyền thống và hiện đại) có ba bộ phận khá rõ nét. Đó là, một số giá trị truyền thống vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, một số giá trị truyền thống được bổ sung, cải tiến và một số giá trị hoàn toàn mới được tiếp nhận để thay thế cho cái cũ được quan niệm không còn phù hợp.
Qua khảo sát tại hai làng nghề được chọn làm đối tượng nghiên cứu, có thể nhận thấy một số yếu tố bất biến trong quá trình biến đổi đa diện của nghề sơn truyền thống ở đây. Hiện tượng này có vẻ phổ biến hơn ở nghề sơn truyền thống chuyên về hàng đồ thờ như Vũ Lăng. Lý do có lẽ bởi mặt hàng này gắn với đời sống tâm linh vốn khá tĩnh tại và không dễ gì thay đổi cùng với quy định nghề nghiệp đòi hỏi tính chuẩn mực cao, có phần khắt khe hơn so với các nghề sơn làm đồ thủ công mỹ nghệ thiên về sự năng động do phải phụ thuộc nhiều vào thị hiếu khách hàng. Trong khi nghề sơn ở Bối Khê đã rất thịnh hành việc dùng nhiều chất liệu mới hiện đại trong việc làm cốt/vóc như chúng tôi đã đề cập tới, nghề sơn Vũ Lăng vẫn duy trì chất liệu gỗ truyền thống từ bao đời nay trong chế tác đồ thờ. Hay như các loại hình sản phẩm vốn đã nằm trong một hệ thống chuẩn của nghề sơn chế tác đồ thờ cũng gần như không có gì thay đổi so với trước. Quan niệm về tầm quan trọng của chữ tâm trong chế tác đồ thờ để mỗi sản phẩm (nhất là tượng thờ) có được cái hồn và đảm bảo được tính thiêng vẫn được coi trọng. Dân nhà nghề thường gọi các pho tượng là Ngài để thể hiện niềm tin vào sự hiện diện của một đấng linh thiêng nào đó. Yểm tâm cũng là thuật ngữ quen thuộc của những người chế tác
tượng thờ - đó là thao tác tạo ra một cái lỗ (thường ở giữa lưng tượng), khi tượng đưa lên chùa các nhà sư sẽ làm lễ “hô thần nhập tượng” với quan niệm để các Ngài nhập vào pho tượng ấy.
Một số giá trị truyền thống được các thế hệ nghệ nhân bổ sung cải tiến có thể thấy rõ ở quy trình chế tác sản phẩm. Không còn phụ thuộc hoàn toàn vào lao động thủ công với đôi bàn tay như trước, thay vào đó, sự hỗ trợ, can thiệp của máy móc ở một vài công đoạn dần được chấp nhận với tâm lý cởi mở như một tất yếu để có được sản lượng hàng hóa mong muốn. Các đề tài trang trí trên cơ sở những mô típ truyền thống quen thuộc nay được nghệ nhân khéo léo cải biên, biến hóa phong phú, linh hoạt hơn cho phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng. Hay như ở mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của các loại hình sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng thời nay với quan niệm thẩm mỹ mới: lạ là đẹp. Chẳng hạn như thay vì các loại bình, lọ có hình dáng quen thuộc là cổ thắt eo, thân phình rộng giờ người ta thích những chủng loại như lọ thủng lỗ, lọ cổ cong, lọ chân voi hay lọ đùi dế… Quan niệm và mục đích chế tác các mặt hàng thủ công cũng có sự bổ sung cho phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại. Sản xuất không chỉ để thỏa mãn đời sống tinh thần - nhu cầu thưởng thức cái đẹp của con người mà còn phải hướng tới yếu tố thực dụng (giá trị sử dụng) với các mặt hàng gần gũi sinh hoạt hàng ngày của con người như hộp đựng tăm, hộp giấy ăn, hộp đựng danh thiếp, hộp đựng đồng hồ, hộp đựng rượu, hộp mỹ phẩm…
Trước sự tiến bộ của khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, sự du nhập của nhiều yếu tố mới là không tránh khỏi. Cái mới thâm nhập vào trong tất cả các khía cạnh của hoạt động sản xuất ở các làng nghề Bối Khê, Vũ Lăng như chúng tôi đã trình bày ở trên. Đó là, một số vật liệu mới thay thế gần như hoàn toàn cho các chất liệu truyền thống; Mô hình sản xuất cá thể độc lập, cố định thay cho hình thức phường thợ lưu động và mô hình hợp tác xã; Hình thức truyền dạy nghề mang tính chất phổ biến rộng rãi thay cho kiểu truyền nghề “nhất con nhì cháu”; Việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ xã hội của những ông chủ có nhà lầu xe hơi, có tiếng nói (đôi khi cả quyền lực), giao dịch
thương mại qua e-mail… thay vì quan hệ bó hẹp sau lũy tre làng với anh em họ hàng, bà con chòm xóm của những ông thợ cả phải chạy đi tìm kiếm việc làm xưa kia; Đó là lối sống kiểu đô thị do sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ và hình thức giải trí chưa từng có trước đây như nhà hàng, cà phê, karaoke, điện thoại di động, máy vi tính và internet... ngay tại các làng nghề.
Có thể nói, “bộ ba của hệ giá trị mới” này đã và đang tạo nên sắc thái văn hóa mới vừa truyền thống vừa hiện đại của nghề sơn truyền thống ở Bối Khê, Vũ Lăng hiện nay.
2.3.2. Một số vấn đề cần nhìn nhận lại từ quá trình biến đổi của nghề sơn truyền thống
Rõ ràng là khi nghề sơn truyền thống đã có sự biến đổi ở hầu hết các khía cạnh, đặc biệt là khi hệ giá trị truyền thống của nó không còn nguyên vẹn như trước thì quan điểm về nghề sơn truyền thống, làng nghề sơn truyền thống và nghệ nhân
sơn truyền thống cũng cần phải được nhìn nhận khác trước. Vấn đề đặt ra ở đây là:
chúng ta vẫn bàn đến ba tiêu chí quan trọng nhất để định danh nghề sơn truyền
thống là: sử dụng chất liệu truyền thống - sơn ta, chế tác sản phẩm bằng kỹ thuật truyền thống và được kế tục truyền thống - tức là có số năm lịch sử nhất định, đặc
biệt là nghề sơn thuộc nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ thì phải đảm bảo thêm yếu tố “thẩm mỹ”. Song, khi nghề sơn hiện nay không còn tuân theo các tiêu chí này nữa thì các danh xưng nghề sơn truyền thống, làng nghề sơn truyền thống và
nghệ nhân sơn truyền thống có còn hợp lý ở thời điểm này nữa hay không? Xin ý
kiến của một số nghệ nhân ở các làng nghề sơn truyền thống mà chúng tôi tiến hành khảo sát, câu trả lời nhận được là: Về tình, nếu không quá khắt khe thì cố gắng chấp nhận được vì thực tế hiện nay nhiều nghệ nhân ở các làng nghề sơn vẫn có thể nắm được và thực hành được bằng chất liệu sơn ta. Về lý, thì không chấp nhận được vì đã gọi là truyền thống thì phải dùng sơn ta và phải làm thủ công ở các công đoạn chính yếu. Hơn nữa, thương trường vốn rất sòng phẳng, khách hàng có thể sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm sơn truyền thống thực thụ và cũng rất dễ tính chấp nhận những mặt hàng sơn mỹ nghệ hiện đại có giá bình dân. Điều quan trọng là có
sự định danh rõ ràng, minh bạch cho mỗi sản phẩm sơn truyền thống hay sơn hiện
đại khi lưu hành trên thị trường. Về mặt thể chế, nên chăng cần thiết tham khảo
thêm kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc - là những nước cùng có nghề sơn như chúng ta và họ đã ban hành nhiều điều luật cụ thể về nghề thủ công truyền thống cũng như đã đạt được rất nhiều thành tựu trong công cuộc bảo tồn và phát triển bộ phận di sản văn hóa này nhằm phân định hợp lý các khái niệm liên quan đến nghề sơn truyền thống - đó là cơ sở để giải quyết những vấn đề của ngành nghề cổ truyền này trong thời điểm hiện nay.
2.3.3. Xung đột kinh tế - văn hóa, xã hội
Ở hệ quả này, trước hết chúng tôi muốn đề cập đến một hiện tượng rất phổ biến ở hai làng nghề sơn truyền thống Bối Khê và Vũ Lăng. Nhìn trên bề nổi thì thu nhập của người làm nghề hiện cao hơn rõ rệt với khối lượng công việc tương đối ổn định, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện đáng kể so với các giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, sâu sa thì lại mất đi không ít các giá trị văn hóa, mà theo các nghệ nhân tâm huyết thì cái mất lớn nhất là chính là chất liệu sơn ta - một trong những yếu tố quan trọng nhất làm sự khác biệt của nghề sơn truyền thống và các sản phẩm sơn truyền thống Việt Nam. Chúng ta biết rằng, nghề sơn không phải là nghề thủ công truyền thống riêng có của Việt Nam, thế giới sơn mài Đông Á còn có 3 trung tâm lớn nữa, đó là:
Nhật Bản - đất nước được cho là có nghề sơn mài (urushi) với lịch sử gần 10.000 năm đã và đang được cả thế giới thán phục bởi những sản phẩm sơn mài tinh tế được tạo tác từ các kỹ thuật tinh xảo mang thương hiệu “Japanese lacquer” như nashi-ji (kỹ thuật sơn vàng nổi hay còn gọi là "nền da lê vàng"), makie (kỹ thuật rắc bột vàng hay bạc), hira makie (sơn vàng mặt phẳng), togidashi makie (sơn vàng mài bóng), taka makie (sơn mài đắp nổi), raden (kỹ thuật khảm vỏ hàu, sò, ốc) … Urushi Nhật Bản thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật, trở thành món hàng xa xỉ có giá trị lớn về kinh tế lẫn tinh thần đối với người sử dụng trong và ngoài nước Nhật. Hiện tượng ở châu Âu xuất hiện một thuật ngữ gọi là Japanning để chỉ kỹ thuật sơn trên đồ nội thất và các vật dụng
khác của họ phải chăng phần nào cho thấy được vị thế và sức ảnh hưởng của nghệ thuật Urushi Nhật Bản đối với thế giới như thế nào (Thông tin tham khảo từ website thuộc bản quyền của Nghệ nhân sơn mài Nhật Bản Mariko Nishide - http://www.urushi-kobo.com).
Trung Quốc - đất nước được coi là một trong những cái nôi của nghề sơn với lịch sử khoảng 7000 năm cũng đã tạo dựng cho mình vị trí riêng biệt trong thế giới sơn mài Đông Á với các trung tâm sơn mài là Bắc Kinh, Dương Châu nổi tiếng bởi các sản phẩm sơn mài chạm khắc tinh tế và Phúc Châu độc đáo với thể loại sơn mài được gọi là bodiless lacquerware - là một trong ba báu vật của nghề thủ công và nghệ thuật Trung Hoa (cùng với kỹ thuật tráng men sứ cloisonne Bắc Kinh và gốm sứ Cảnh Đức Trấn) (Thông tin tham khảo từ website thuộc bản quyền của Trung tâm nghiên cứu văn hóa đồ gỗ cổ Trung Hoa (Chinese Antique Furniture Culture Research Center) - www.antique-chinese-furnitures.com).
Hàn Quốc xác lập vị trí của mình với sơn mài Đông Á bằng công nghệ Najeon
Chilgi - công nghệ sơn khảm xà cừ được coi là đỉnh cao của nghệ thuật sơn mài
Hàn Quốc. Bất chấp những ảnh hưởng bất lợi đưa lại từ quá trình hiện đại hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng, người Hàn Quốc vẫn lấy làm kiêu hãnh về ngành nghề sơn truyền thống của họ bởi những tác phẩm Najeon Chilgi tuyệt mỹ mà hơn 1000 năm qua ở Đông Á vẫn được coi là báu vật ai cũng khao khát được sở hữu (Thông tin tham khảo từ website thuộc bản quyền của Tập đoàn Antique Alive (Antique Alive Inc) - www.antiquealive.com).
Vậy, nghề sơn truyền thống Việt Nam đang đứng ở đâu trong thế giới Đông Á? Nghề sơn Việt Nam đã từng được thế giới chú ý và ấn tượng bởi những mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và đặc biệt là nghệ thuật hội họa sơn mài mang vẻ đẹp lộng lẫy của những sắc màu biến hóa kỳ lạ cũng như sự bền bỉ với thời gian của chất liệu sơn ta. Có được lợi thế này là nhờ việc chúng ta may mắn sở hữu chất
liệu sơn ta được đánh giá tốt nhất trên thế giới cùng với quy trình chế tác thủ công
công phu, phức tạp. Song đến nay, cả hai yếu tố chuẩn mực này đều đã và đang bị phá vỡ với những sự thay đổi, thay thế chóng mặt thì thật khó có thể định ra cái gì
giờ là đặc trưng, đặc sắc nhất của nghề sơn Việt Nam. Không phải không có lý khi nhiều người lo lắng rằng vì lợi nhuận mà nghề sơn truyền thống Việt Nam đang phổ biến lối làm mới như hiện nay, rồi đến các thế hệ sau cũng sẽ tiếp tục làm như vậy thì các giá trị truyền thống bị lu mờ và mai một là tất yếu.
Lợi ích kinh tế không tương xứng với tài năng và công sức của các nghệ nhân cũng là một trong những khía cạnh thể hiện xung đột kinh tế - văn hóa nảy sinh trong quá trình biến đổi nghề sơn truyền thống. Hiện tượng người làm nghề phải thông qua trung gian môi giới (thường là các công ty, doanh nghiệp tư nhân) để nhận đơn hàng. Tình trạng này phổ biến hơn cả ở các làng nghề sơn chế tác đồ thủ công mỹ nghệ như Bối Khê. Qua khảo sát tại làng Bối Khê, chúng tôi được biết đến thời điểm này, đại đa số các cơ sở sản xuất chưa chủ động được về thị trường tiêu thụ sản phẩm, phần lớn làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Sản phẩm sơn mỹ nghệ Việt Nam sở dĩ đến được với những thị trường trường lớn ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ... là do các công ty xuất khẩu thu mua lại từ các làng nghề. Nghệ nhân làng nghề hầu như không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với khách hàng - đặc biệt là khách nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu của từng thị trường dẫn đến khó tìm được đối tác để xây dựng mối quan hệ lâu dài, ổn định. Mặt khác, vì các sản phẩm làng nghề phải qua tư thương như vậy nên thường bị ép giá. Làng nghề chỉ đóng vai trò là người sản xuất theo các hợp đồng, đơn đặt hàng của đầu mối trung gian nên mặc dù sản phẩm là do nghệ nhân làng Bối Khê chế tác nhưng nhãn mác trên sản phẩm lại gắn với tên tuổi của những công ty, doanh nghiệp ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Chuyên Mỹ cho biết: nhiều khách nước ngoài về Bối Khê mới nhận ra nhiều sản phẩm sơn mỹ nghệ mà họ mua với giá cao từ các công ty ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh lại chính là do dân làng nghề làm ra [PL4, STT3, tr.156]. Một nghệ nhân ở làng nghề Bối Khê cũng bức xúc chia sẻ thêm:
Tôi đã từng có cơ hội vẽ rất nhiều bức tranh sơn mài khổ lớn tại một địa điểm quan trọng của đất nước, song sau nhiều tháng trời lao động nghệ thuật cần mẫn thì chỉ nhận được khoản tiền duy nhất vẻn vẹn 2,4 triệu
đồng trong khi phía công ty giới thiệu công việc cho tôi kiếm được rất nhiều đô la từ hợp đồng này [PL4, STT6, tr.156].
Như vậy, kết quả lao động là các sản phẩm nghệ thuật do nghệ nhân sáng