Cương lĩnh cải cách chính trị tiến bộ của Rousseau đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình cách mạng Pháp. Những người có công vận dụng tư tưởng của Rousseau là nhóm Giacôbanh và nhà tư tưởng đứng đầu nhóm này là Robespierre (1758-1794). Ông là lãnh tụ của phái Giacôbanh, ông đã biến những tư tưởng dân chủ tiểu tư sản Rousseau thành hệ tưởng chính thống của nền chuyên chính vô sản Giacôbanh.
4.1 Vài nét về Robespierre
Maximiliêng đơ Rôbexpie (Maximilien de Robespierre) - nhà cách mạng tư sản cánh tả trong Cách mạng tư sản Pháp (1789-1794), người lãnh đạo chủ chốt của phái Giacôbanh, phái đã đưa cuộc cách mạng tư sản Pháp lên đỉnh cao nhất.
Rôbexpie là luật sư ở Arat (miền Bắc nước Pháp), nổi tiếng về tinh thần cách mạng ngoan cường và đức tính chính trực, liêm khiết (người ta gọi ông là "Người không thể mua chuộc"). Năm 1789, Rôbexpie được bầu vào Hội nghị ba đẳng cấp. Sau Hội nghị ba đẳng cấp chuyển thành Quốc hội. Trong Quốc hội, Rôbexpie đứng đầu cánh tả hay còn gọi là phái Núi, đấu tranh kiên quyết chống lại phái hữu để bảo vệ quyền lợi của bình dân và đòi đưa vua Lui XVI ra xét xử. Ngày 9 Técmiđo (tháng Nóng) năm II Cộng hòa (27/7/1794) bọn phản động và thái hóa trong quốc hội đã tấn công và bắt giam Rôbexpie. Sáng ngày 10 Tecmiđo (28-7-1794), Rôbexpie cùng các bạn chiến đấu của mình đã bị đưa lên máy chém không qua xét xử.
4.2 Tư tưởng chính trị của Robespierre
Rôbexpie chủ trương sử dụng hoà bình, tự do, bình đẳng và sự ngự trị của công lý vĩnh cửu. Tự do, bình đẳng phải đến với mọi công dân không loại trừ ai, không phụ thuộc vào tài sản của họ. Theo ông bình đẳng về tài sản là cái không thể có mà chỉ có thể là bình đẳng về chính trị.
Robespiere đưa ra một chương trình dân chủ rộng lớn. Nguyên tắc cơ bản của nó thừa nhận chủ quyền vô hạn của nhân dân. Nhân dân là người cầm quyền tối cao, còn chính phủ thì phục tùng pháp luật. Chính phủ và các quan chức là người đại diện đơn thuần, những người thực hiện ý chí của nhân dân. Robespierre xác định những đảm bảo ngăn ngừa việc lạm quyền của các quan chức: các quan chức được bầu với thời hạn không quá 2 năm, họ có thể bị bãi chức vào bất kể lúc nào, không ai được giữ cùng một lúc hai chức vụ xã hội…
Tính dân chủ trong cương lĩnh của những người Giacôbanh được thể hiện ở chỗ nó quy định việc giữ mọi chức vụ đều thông qua con đường bầu cử không tuỳ thuộc vào điều kiện tài sản. Ông cho rằng trong chế độ bầu cử như vậy của cải sẽ biến thành đặc quyền chính trị. Theo ông, chế độ tổng tuyển cử là công cụ nhờ đó chống lại quyền lực của đồng tiền. Cũng như Rousseau, ông khẳng định pháp luật cần phải thể hiện ý chí chung do đó nếu nhân dân không tham gia vào việc lập ra nó, nhân dân bị tước quyền chính trị thì chủ quyền của nhân dân trở thành giả tạo, hiến pháp hạn chế quyền bầu cử theo điều kiện tài sản chỉ là hiến pháp của tầng lớp quí tộc giàu có. Cương lĩnh của Robespierre bảo vệ quyền tổng tuyển cử. Ông kịch liệt phê phán việc phân chia các công dân thành tích cực và thụ động do những người thuộc phái lập hiến đưa ra. Việc tước quyền tích cực của công dân là tội phạm nặng nhất, là sự sỉ nhục dân tộc
Tiếp tục tư tưởng của Rousseau, ông chống lại bất công sở hữu cực đoan, đòi hỏi hạn chế quyền tư hữu bằng cách thiết lập thuế luỹ tiến, sự trợ giúp của nhà nước đối với người nghèo. Xã hội có trách nhiệm tạo việc làm cho các thành viên, người giàu phải quan tâm đến người nghèo nhưng ông không chống lại tư hữu.
Robespierre bênh vực cho nền cộng hoà, đó là nhà nước mà nhân dân làm chủ, là người chủ tối thượng, được tổ chức và hoạt động theo pháp luật do chính nhân dân thông qua. Nhân dân tự bản thân có thể làm tất cả những gì mà họ có thể làm được thông qua những đại biểu xứng đáng. Do
vậy, quyền lập hiến là quyền tối cao chỉ thuộc về nhân dân, không một đại diện nào có quyền ngăn cản. Ông phân biệt luật và sắc lệnh và cho rằng sắc lệnh là những luật chỉ có thể được thông qua với điều kiện đã trưng cầu dân ý.
4.3 Giá trị pháp lý Đối với thế giới
Những tư tưởng của Robespierre có giá trị to lớn trong cách mạng Pháp, là tư tưởng chính trong nền chuyên chính Giacôbanh và là cơ sở cho Hiến pháp 1793. Đó là hiến pháp thể hiện sự tiến bộ hơn so với hiến pháp đầu tiên năm 1791. Hiến pháp 1793 quy định thành lập Hội đồng hành pháp gồm 24 người do quốc hội lập pháp cử ra và hàng năm một nửa số thành viên của uỷ ban này phải thay đổi.
Những tư tưởng của Robespierre đã gây ra ảnh hưởng tới các xứ khác của châu Âu, đã trở nên một thứ triết học phổ biến, tuyên bố về các quyền lợi của con người bất kể chủng tộc, quốc gia và thời gian. Tại Ba Lan, những người muốn tổ chức lại đất nước, đã hoan nghênh kiểu mẫu này còn tại nước Anh, số nghị viên kiểm soát quốc hội cũng muốn bắt chước các đường lối thay đổi của nước Pháp gồm các nhân vật cấp tiến như Thomas Paine, Dr. Richard Price và những người không có đại diện tại Hạ Viện (the House of Commons).
Đối với Việt Nam
Những tư tưởng của Robespierre trong cách mạng Pháp đã để nhiều bài bài học quí giá cho Cách mạng Việt Nam sau này. Quần chúng nhân dân là lực lượng chủ chốt, phải giải phóng được toàn bộ tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Chính phủ và các quan chức là người đại diện đơn thuần, những người thực hiện ý chí của nhân dân.
Đặc biệt, những tư tưởng của Robespierre cũng đã góp phần ảnh hưởng đến tư tưởng của Hồ Chí Minh về “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”,điều đó được thể hiện rất rõ trong bản tuyên ngôn độc lập ngày 02/09/1945.
CHƯƠNG III:
CÁC HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ PHÁP LÝ Ở ĐỨC THỜI KÌ CÁCH MẠNG TƯ SẢN (CUỐI THẾ KỶ XVIII – ĐẦU THẾ KỶ XIX)
1. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA IMANUEL KANT
1.1 Vài nét về Imanuel Kant
I.Kant (1724 - 1804) trong một gia đình quí tộc Phổ. Ông học tại trường đại học tổng hợp Keninxbec và bắt đầu giảng dạy siêu hình học và các môn khoa học tự nhiên ở đây. Từ năm 1770, ông chủ yếu quan tâm đến nghiên cứu triết học và được coi là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của lịch sử triết học phương Tây trước Marx.
Kant là người đầu tiên hệ thống hoá chủ nghĩa tự do - nền tảng tư tưởng của giai cấp tư sản. Ông đặt ra mục đích phân tích lập trường tự do như là lập trường duy nhất hợp pháp, tạo cho nó nền tảng triết học và thẩm mỹ để từ đó biện minh cho nó.
1.2 Tư tưởng chính trị của Kant
Với tinh thần khai sáng và một phần chủ nghĩa cá nhân của trường phái pháp quyền tự nhiên, Kant đưa ra nguyên tắc: mỗi cá nhân có phẩm hạnh hoàn thiện, có giá trị tuyệt đối; nhân cách không phải là công cụ thực hiện các kế hoạch nào đó, thậm chí cả những kế hoạch cao thượng nhất vì phúc lợi xã hội. Con người là chủ thể có ý thức về phẩm giá, khác với thiên nhiên xung quanh, con người trong hành vi của mình phải tuân thủ những đạo luật đạo đức, đạo luật này không chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh và là tất yếu.
Thực chất của tự do là cái bên trong của nhân cách con người. Con người bẩm sinh có khả năng ứng xử theo mục đích và theo những cách thức phù hợp với mục đích đó. Song không phải ai cũng sử dụng được tự do cá nhân một cách đúng mức và do đó nó trở thành chuyên quyền. Vì vậy cần có tổng thể các điều kiện để hạn chế chuyên quyền của người này đối với người khác bằng các đạo luật chung về tự do để loại trừ sự xung đột pháp lý trong xã hội, Kant gọi cái tổng thể này là pháp luật. Cách hiểu về pháp luật của Kant cho thấy pháp luật có nhiệm vụ điều chỉnh hình thức bên ngoài các hành vi con người của mình, có tính tuân thủ chung. Đồng thời chỉ có quyền lực xã hội mới tạo cho pháp luật hiệu lực bắt buộc, quyền lực đó là nhà nước.
+ Pháp luật tự nhiên là những nguyên tắc tiên nghiệm tất nhiên. + Pháp luật thực tế là ý chí của người lập pháp.
+ Pháp luật công lý là những đòi hỏi khát vọng không được pháp luật qui định và không được đảm bảo bằng cưỡng chế.
Trong đó, pháp luật tự nhiên được chia thành luật tư và luật công. Luật tư điều chỉnh các mối quan hệ giữa cá nhân với tư cách là các chủ sở hữu, luật công điều chỉnh quan hệ giữa mọi người liên minh thành cộng đồng các công dân (nhà nước), với tư cách là các thành viên của tổng thể chính trị.
Kant đối lập sự vô quyền và chuyên quyền phong kiến với trật tự pháp luật tư sản dựa trên các đạo luật chung cho tất cả. Ông phản bác các đặc quyền pháp lý xuất phát từ sở hữu và đòi hỏi bình đẳng trong các mối quan hệ tư pháp.
Theo Kant chế định trung tâm của luật công là quyền của nhân dân đòi hỏi việc tham gia vào việc thiết lập trật tự pháp luật bằng cách thông qua hiến pháp thể hiện ý chí của họ, đó là tư tưởng dân chủ tiến bộ về chủ quyền nhân dân. Ông cũng đưa ra nguyên tắc chủ quyền nhân dân nhưng không đề cập đến nền dân chủ rộng rãi thực sự và không bị cắt xén. Ông chia các công dân thành các công dân tích cực và thụ động (bị mất quyền bầu cử), người thụ động buộc phải kiếm kế sinh nhai, chỉ biết chấp hành mệnh lệnh, họ là người lao động và bị bóc lột.
Dựa trên tư tưởng của Montesquieu về việc phân chia quyền lực, Kant không lý giải tư tưởng cân bằng quyền lực. Theo ông, mọi nhà nước có ba quyền lực: lập pháp (chỉ thuộc ý nguyện về chủ quyền tập thể của nhân dân), hành pháp (thuộc người cầm quyền theo luật và tuân thủ quyền lập pháp), tư pháp (do quyền lực hành pháp bổ nhiệm). Tổng thể và sự nhất trí ba quyền lực này có thể ngăn ngừa chuyên chế và đảm bảo phồn vinh cho quốc gia.
Về hình thức nhà nước, Kant chia ra ba dạng: chuyên chế, quý tộc và dân chủ. Ông cho rằng trung tâm của vấn đề tổ chức nhà nước là phương thức nhân dân cầm quyền. Từ quan điểm này, ông phân biệt hình thức dân chủ và độc tài. Hình thức dân chủ dựa trên sự phân tách quyền lực hành pháp khỏi quyền lực lập pháp, còn hình thức độc tài thì hoà nhập cả hai vào nhau.
Xuất phát từ quan niệm khẳng định nghịch lý của phát triển xã hội, một mặt ông đánh giá cao vai trò của các xung đột xã hội, coi đó không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển lịch sử mà còn là điều cao cả đáng được trân trọng nếu chúng được tiến hành một cách đúng đắn. Mặt khác ông kêu gọi tất cả các dân tộc hãy thiết lập mối quan hệ hoà bình, hữu nghị, kêu gọi tất cả các quốc gia đoàn kết xây dựng một liên bang tất cả các dân tộc trên hành tinh.
Tư tưởng chính trị của Kant mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ông đề cao giá trị của con người. Con người có tư duy, bản chất con người là thánh thiện khác biệt với thiên nhiên xung quanh. Vì vậy, hãy sống và tu dưỡng đạo đức con người thật trong sáng. Kant rất coi trọng lợi ích tập thể, tự do, bình đẳng và độc lập giữa người với người trong xã hội. Điều này minh chứng bởi tư duy phân quyền của nhà nước, ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải được tách bạch nhau tránh sự độc tài chuyên chế của giai cấp cầm quyền. Có như thế thì xã hội mới thật sự dân chủ.
Song bên cạnh ấy trong quan điểm của Kant vẫn có sự hạn chế mà chúng ta nên khắc phục đó là: ông khẳng định mọi quyền lực là xuất phát từ Chúa. Nhà cầm quyền có các quyền chứ không phải có trách nhiệm đối với các thần dân. Ông bác bỏ quyền nhân dân trừng trị người cầm quyền, ngay cả khi người đó vi phạm trách nhiệm trước đất nước. Hạn chế này cũng đã được Đảng và Nhà nước ta nhận thấy và khắc phục. Hiến pháp 1992 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Và điều lệ Đảng ghi nhận, Đảng viên là người đầy tớ trung thành của nhân dân, phải chăm lo cho đời sống của nhân dân…
2. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA G.G.FICHTE2.1 Vài nét về Fichte 2.1 Vài nét về Fichte
G.G.Fichte (1762-1814) là nhà triết học Đức, người kế tục sự nghiệp của Kant. Fichte sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, sùng đạo ở miền đông nước Phổ. Sau khi theo học ngành triết ở trường đại học Iena và Laipxich, năm 1791 ông đến Keninxbec gặp Kant và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Kant.
Các quan điểm lý luận chung của Fichte về nhà nước và pháp luật phát triển theo học thuyết pháp quyền tự nhiên.
2.2 Tư tưởng chính trị - pháp luật của G.G.Fichte
Lý thuyết pháp quyền của Fichte là xem xét những phương cách riêng mà trong đó tự do của mỗi cá nhân phải được hạn chế để nhiều cá nhân có thể sống với nhau với một lượng tự do qua lại lớn nhất, và nó rút ra các khái niệm tiên nghiệm của nó về các quy luật của sự tương tác xã hội hoàn toàn chỉ từ khái niệm về một cái Tôi cá biệt, như những điều kiện cho khả thể của cái sau.
Theo Fichte, pháp luật là khái niệm tiên nghiệm, nó được rút ra từ những “ hình thức tư duy thuần tuý ”, pháp luật không phải dựa trên ý chí cá nhân mà nó được xác lập trên cơ sở thừa nhận chung của các cá nhân về tự do cá nhân. Để đảm bảo tự do cá nhân và dung hoà nó với tự do của tất cả, cần có pháp luật chung cho mọi người. Theo ông, pháp luật có chức năng độc lập với đạo đức, nó chỉ điều chỉnh lĩnh vực hành động của con người. Khái niệm của Fichte về pháp luật không phải từ các quy luật đạo đức học, mà đúng hơn là từ các quy luật tổng quát của tư duy và từ sự tư lợi vị kỷ đã được khai minh.
Về nhà nước, ông cho rằng các quan hệ pháp luật và từ đó là tự do cá nhân không tránh khỏi bị vi phạm. Để bảo vệ các quan hệ pháp luật và tự do phải dùng cưỡng chế, do vậy mà xuất hiện
nhà nước. Sức mạnh cưỡng chế của nhà nước không thể là ý chí cá nhân mà là ý chí tập thể thống nhất, được tạo lập bởi sự nhất trí của tất cả bằng một thoả thuận tương ứng. Nhờ đó ý chí chung được nảy sinh và chính quyền nhà nước được thiết lập. Ý chí chung của nhân dân là cốt lõi của quyền lập pháp và xác định phạm vi ảnh hưởng của nhà nước. Ở điểm này ông muốn ngăn chặn sự chuyên quyền của quyền lực chuyên chế cảnh sát đối với công dân, khẳng định các quyền chính trị và tự do cá nhân. Chức năng của nhà nước trong hệ thống của Fichte chủ yếu là dùng sự khuất phục để đảm bảo rằng những đảng phái đã ký kết khế ước sẽ, trên thực tế, làm điều mà họ đã hứa hẹn sẽ làm và đảm bảo rằng mọi công dân sẽ có một cơ hội để hiện thực hóa tự do (bị giới hạn) của riêng mình. Một trong những đặc điểm nổi bật hơn của quan niệm của Fichte về pháp quyền là mọi công dân đều có quyền sử dụng đầy đủ lao động của mình để sản xuất, và vì thế nhà nước có một bổn phận quản lý nền kinh tế cho phù hợp.
Fichte tỏ ra thiện cảm với nền cộng hoà và đưa ra nhận xét cho rằng điểm khác biệt của một nhà