Tiêu chuẩn kiểm sát viên như đã trình bày tại chương một, gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với kiểm sát viên các cấp.
Pháp luật hiện hành quy định tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên như sau: “ Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có trình độ cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của pháp lệnh này, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao” (Điều 2 - Pháp lệnh kiểm sát viên 2002). Là những tiêu chuẩn về đạo đức, đạo đức chính trị, về chuyên môn nghiệp vụ, thời gian công tác và sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Quy định về trình độ cử nhân luật đối với người được bổ nhiệm làm kiểm sát viên là điểm rất mới, rất tiến bộ của Pháp lệnh kiểm sát viên 1993 và tiếp tục được khẳng định tại Pháp lệnh kiểm sát viên 2002, nó đã góp phần thống nhất
mặt bằng trình độ của kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân, khắc phục được tình trạng bổ sung cán bộ không theo quy định, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng kiểm sát trong một thời gian tương đối dài. Trước đây, yêu cầu về bằng cấp đối với người được tuyển chọn bổ nhiệm chỉ dừng lại ở trình độ cao đẳng, mà cụ thể là tốt nghiệp Cao đẳng kiểm sát, chưa đảm bảo được trình độ chuyên môn và kiến thức pháp luật cần thiết. Để khắc phục tình trạng trên, pháp luật hiện hành quy định một trong những tiêu chuẩn của kiểm sát viên là phải có trình độ cử nhân luật, bảo đảm cho các kiểm sát viên có kiến thức pháp lý sâu rộng, được đào tạo bài bản, giúp kiểm sát viên có sự nhìn nhận, đánh giá vấn đề khách quan, chính xác, đầy đủ hơn.
Quy định về thời gian công tác thực tiễn đối với kiểm sát viên là vấn đề hết sức quan trọng. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ sẽ được thực tiễn kiểm nghiệm và có thêm những kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức, hoàn thiện khả năng của bản thân, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tế.
Pháp lệnh kiểm sát viên đã quy định rất cụ thể về thời gian công tác pháp luật đối với người được tuyển chọn bổ nhiệm làm kiểm sát viên. Nếu như pháp lệnh 1993 yêu cầu người được tuyển chọn bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phải có thời gian công tác pháp luật 6 năm trở lên, người được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải có 8 năm công tác pháp luật trở lên thì theo quy định của Pháp lệnh 2002, cùng với điều kiện về năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với kiểm sát viên cấp dưới, người được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên cấp tỉnh phải là kiểm sát viên cấp huyện ít nhất 5 năm trở lên; đối với kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải là kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ít nhất 5 năm trở lên. Như vậy, đối với người được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên cấp tỉnh và và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao không phải là thời gian công tác pháp luật nữa, mà phải là thời gian thực hiện nhiệm vụ của kiểm sát viên cấp dưới. Trừ trường hợp ngoại lệ do nhu cầu cán bộ ngành được
quy định tại khoản 2 - Điều 19, khoản 2 - Điều 20 và Điều 21 Pháp lệnh kiểm sát viên 2002, người có đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại điều 2 Pháp lệnh kiểm sát viên, đã có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên cấp tỉnh; người có ít nhất 15 năm công tác pháp luật trở lên cùng các điều kiện tương tự, có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đối với trường hợp chưa đủ thời gian làm kiểm sát viên cấp dưới hoặc thời gian làm công tác pháp luật, nhưng trong trường hợp cần thiết vẫn có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên theo quy định của pháp luật. Đối với người được tuyển chọn, bổ nhiệm làm kiểm sát viên cấp huyện, điều kiện về thời gian công tác pháp luật vẫn là 4 năm. Đây là khoảng thời gian tương đối phù hợp cho quá trình phấn đấu rèn luyện và tích luỹ kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác.
Với sự quan tâm của Đảng và nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về tiêu chuẩn kiểm sát viên, công tác cán bộ của ngành kiểm sát được chú trọng về cả chất và lượng. Đội ngũ cán bộ kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân được rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm đã từng bước trưởng thành, đang đảm nhiệm những trọng trách trong những khâu công tác trọng tâm của ngành, kế tục và phát huy những thành quả của gần năm mươi năm xây dựng ngành kiểm sát nhân dân do thế hệ cha anh để lại.
Về trình tự thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức kiểm sát viên. Việc tuyển chọn bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức kiểm sát viên các cấp phải qua một Hội đồng tuyển chọn cụ thể, thành phần của Hội đồng tuyển chọn gồm: Chủ tịch hội đồng là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đối với kiểm sát viên cấp tỉnh, huyện thì Chủ tịch hội đồng là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh), đại diện Bộ quốc phòng, Bộ nội vụ, ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, BCH Hội luật gia Việt Nam. Hội đồng làm việc theo chế độ tập
thể và biểu quyết theo đa số, lựa chọn người đủ tài đức vào vị trí người bảo vệ công lý. Đây là điểm mới của luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 so với luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân trước đó. Những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kiểm sát viên là tiền đề để thực hiện những quy định về trình tự thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Một vấn đề nữa là về nhiệm kỳ công tác của kiểm sát viên. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh về kiểm sát viên hiện hành quy định: “ Nhiệm kỳ hoạt động của kiểm sát viên là năm năm”. Điều này đã góp phần nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp cho mỗi kiểm sát viên, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ nhà nước giao phó. Đội ngũ kiểm sát viên được sắp xếp, hoàn thiện hơn sau mỗi nhiệm kỳ, đảm bảo năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần rèn luyện, phấn đấu, học hỏi, trau dồi kiến thức đối với mỗi kiểm sát viên khi đảm nhận chức vụ.
Thực hiện những quy định này, ngành kiểm sát nhân dân đã có những bước tiến vượt bậc trong tuyển chọn và bổ nhiệm kiểm sát viên có trình độ, năng lực. Nếu đến năm 1998 toàn ngành tư pháp có 76% cán bộ tốt nghiệp Đại học luật và Cao đẳng kiểm sát, trong đó trình độ Đại học Luật là 25.5%, Cao đẳng là 47.5% và 3% là trình độ đại học khác, riêng đội ngũ kiểm sát viên các cấp có trình độ Đại học luật, Cao đẳng là 84%. Thì tới tháng 01 năm 2007, toàn ngành có 87,3% có trình độ cử nhân luật, và cao đẳng kiểm sát (trong đó có 21 tiến sỹ, 109 thạc sỹ, trình độ cao đẳng chỉ còn 15%), 9,2% người có trình độ cử nhân cao cấp chính trị, 53,3% người đã được đào tạo về tin học, sử dụng máy tính phục vụ công tác chuyên môn. Trong đó đội ngũ kiểm sát viên các cấp chiếm 60,3% cán bộ toàn ngành (trên mười hai nghìn kiểm sát viên), và đạt trên 90% có trình độ cử nhân Luật. Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng trả lời phóng viên Báo điện tử Vietnam.net, ngành kiểm sát đang thực hiện chủ trương, hàng năm chọn khoảng hai mươi đến hai lăm sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi cho đi đào tạo về pháp luật, ngoại ngữ và có sự sàng lọc kỹ càng, tiến hành đào tạo sâu hơn những người đáp ứng tiêu chuẩn. Với chủ
trương này, trong thời gian không lâu ngành kiểm sát sẽ có đội ngũ cán bộ kiểm sát viên tinh nhuệ. Hiện nay, cùng với chủ trương xây dựng đội ngũ kiểm sát viên tiêu biểu, ngành kiểm sát đã xây dựng tiêu chuẩn cụ thể của người kiểm sát giỏi trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chọn kiểm sát viên tham gia Hội nghị kiểm sát viên tiêu biểu toàn quốc. Ngày 02 tháng 04 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị kiểm sát viên tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất với sự góp mặt của 156 kiểm sát viên, đại diện cho 98 đơn vị trong toàn ngành. Đây thực sự là bước khởi động đầu tiên, quyết định tới chất lượng hoạt động của kiểm sát viên nói riêng và toàn ngành kiểm sát nói chung.
Về phẩm chất đạo đức, đạo đức chính trị, hầu hết các kiểm sát viên đều giữ cho mình phẩm chất đạo đức trong sạch, kiên định lập trường người cộng sản, xứng đáng là người đại diện cho công lý, người bảo vệ pháp luật, 100% cán bộ kiểm sát có sức khỏe tốt, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, vấn đề miễn nhiệm vì lý do sức khỏe hầu như không đặt ra.
Đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ chính trị và luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002, ngành kiểm sát đã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm sát viên. Ngành kiểm sát đã kết hợp với các cơ sở đào tạo Cử nhân luật (như trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, khoa Luật trường Đại học Quốc gia Hà Nội) mở nhiều khoá học hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho hàng nghìn cán bộ, mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý, chỉ đạo, điều hành cho hàng trăm cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp tỉnh và cấp huyện; phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức lớp đào tạo Kiểm sát viên cho hàng trăm sinh viên luật khi ra trường. Đồng thời, tiếp tục cử cán bộ đi học lớp cao cấp chính trị, lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, các lớp ngoại ngữ, tin học... tiếp tục hoàn thiện đội ngũ kiểm sát viên cả về chất và lượng.
Mặc dù số lượng và chất lượng kiểm sát viên được nâng lên một bước cơ bản so với những năm trước đây, nhưng so với yêu cầu của thực tế thì thực trạng
đội ngũ kiểm sát viên hiện nay vẫn còn có những hạn chế nhất định về số lượng và chất lượng.
Về số lượng kiểm sát viên, theo dự kiến của ngành kiểm sát, hàng năm cần bổ nhiệm khoảng 800 kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp, nhưng trên thực tế số lượng kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp được bổ nhiệm không đủ, không đáp ứng nhu cầu cán bộ của ngành. Việc phân bổ kiểm sát viên ở Viện kiểm sát các cấp (tối cao, cấp tỉnh, cấp huyện) chưa có sự đồng đều, đặc biệt là ở cấp huyện, tình trạng thiếu kiểm sát viên vẫn đang xảy ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do có sự khó khăn về điều kiện địa lý, nhất là tại các huyện vùng sâu vùng xa, việc đi lại khó khăn đã hạn chế rất lớn về thời gian đảm nhận nhiệm vụ, tạo tâm lý e ngại đối với mỗi cán bộ được phân bổ, thứ nữa là chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với kiểm sát viên được điều chuyển, phân bổ chưa thực sự thỏa đáng với lao động của họ, chưa giúp họ yên tâm công tác, yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Về chất lượng kiểm sát viên, đây cũng là vấn đề có nhiều điều phải bàn. Bên cạnh những kiểm sát viên có trình độ chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sạch, thì vẫn có những kiểm sát viên yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, có những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Nguyên nhân của các vi phạm trên, một mặt do bản thân kiểm sát viên thiếu ý thức rèn luyện đạo đức, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp và năng lực chuyên môn. Mặt khác, do sự thiếu quan tâm sâu sát của cấp Đảng và lãnh đạo ngành, đoàn thể nơi kiểm sát viên công tác, việc kiểm tra, giám sát còn bị buông lỏng, vấn đề phân công công tác cho kiểm sát viên chưa hợp lý và quản lý chưa thường xuyên. Đặc biệt, chất lượng kiểm sát viên chưa đồng đều, nhiều người là kiểm sát viên lâu năm nhưng vẫn chưa qua đào tạo bài bản, số mới tuy đã được đào tạo bài bản về luật nhưng lại chưa được đào tạo chuyên sâu nghề kiểm sát và thiếu kinh nghiệm... dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng như mong muốn.
Chất lượng hoạt động kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố nhà nước trong thời gian qua có nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn
còn có nhiều vụ việc mà dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh còn chưa khách quan, làm ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân vào đội ngũ kiểm sát viên. Vụ án xét xử tiêu cực tại PMU18 là một ví dụ về năng lực kiểm sát viên tại tòa. Rất nhiều luật sư yêu cầu kiểm sát viên chứng minh những nội dung cáo buộc trong cáo trạng, nhiều ý kiến cho rằng viện kiểm sát đã không đưa ra những chứng cứ thuyết phục mà chỉ căn cứ vào những lời khai chưa được kiểm chứng, trong nội dung truy tố. Tuy nhiên, hai vị kiểm sát viên đã sử dụng “quyền im lặng” để đối đáp lại các luật sư, và trước sau như một các kiểm sát viên chỉ nói một câu “giữ nguyên quan điểm trong cáo trạng”. Điều này đã gây nhiều bức xúc cho các luật sư cũng như những người tham gia phiên tòa, thậm chí nhiều luật sư đứng dậy bỏ về. Vụ án xét xử những tiêu cực của trọng tài bóng đá Việt Nam cũng là một dẫn chứng khi mà kiểm sát viên xác định sai loại tội dẫn tới việc áp dụng không đúng cơ sở pháp lý ... và còn rất nhiều những minh chứng khác nói lên tình trạng báo động của những người đang đại diện cho công lý, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Qua phân tích và tổng hợp số liệu trong báo cáo tổng kết công tác của ngành kiểm sát cho thấy chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên khi được phân công tại phiên toà hình sự và tham gia giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế và hành chính có những hạn chế nhất định. Đó là tình trạng kiểm sát viên yếu kém về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đại diện Viện kiểm sát ngồi ghế công tố ủy viên tại các phiên tòa, và việc hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, gây án oan sai, làm oan người vô tội như một hậu quả tất yếu. Thực tế hiện nay, tại các phiên tòa vẫn còn những kiểm sát viên ngồi ghế công tố với những bản luận tội sơ sài, mô tả lại diễn biến vụ án đơn thuần, không có sự phân tích, đánh giá hay chứng minh để bảo vệ quan điểm truy tố, vẫn còn những kiểm sát viên đuối lý hoặc “ngồi im” trước những phát biểu của luật sư, tại không ít phiên tòa kiểm sát viên hầu như không tiến hành đối đáp, thậm chí chỉ ôm khư khư bản cáo trạng và luôn miệng “giữ nguyên