B. NỘI DUNG
2.1. Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với nền giáo dục Việt Nam trong lịch sử
2.1.1. Vài nét sơ lược về quá trình du nhập và phát triển Nho học ở Việt Nam
Trước khi Nho giáo du nhập vào nước ta thì nhân dân Văn Lang, Âu Lạc (nước Việt Nam thời cổ đại), đã có một nền văn hóa với những đặc điểm cơ bản riêng của mình, điều này không còn nghi ngờ gì nữa.
Qua số liệu rất lớn mà khoa khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và tích lũy đến nay, chứng minh khá đầy đủ rằng dân cư Văn Lang, Âu Lạc đã đạt trình độ văn hóa rực rỡ biểu hiện bằng các món dụng cụ, trang sức, trống đồng, thập đồng, mũi tên đồng, thành quách… Đó là những gì mà người Việt Nam hiện đại ngày nay rất tự hào. Nó chính là cội nguồn làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam hiện nay.
Năm 111 tr.CN nhà Hán xâm lược Nam Việt, nước ta từ một nước tự do độc lập trở thành nước phụ thuộc và nô lệ của các châu quận đế quốc nhà Hán. Chúng tiến hành cuộc Hán hóa bắt nhân dân ta học tập, ăn mặc, tổ chức đời sống, làm ruộng canh tác như người Hán, về tư tưởng thì họ tích cực truyền bá Nho giáo vào Việt Nam, nhưng với tinh thần yêu nước, bản lĩnh kiên cường nhân dân ta đã kiên định chống Hán hóa.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nho giáo vào nước ta từ thế kỷ I SCN. Nho giáo du nhập vào Việt Nam, thời kỳ này không phải là Nho giáo nguyên thủy mà là Hán Nho.
Năm 39 thời Tây Hán, đầu công nguyên, hai viên thái thú Tích Quang và Nhâm Diên, “dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa” tại quận Giao Chỉ và quận Cửu Chân. Đến thời Đông Hán, số trường học nhiều hơn trước, không chỉ có con em Hán thống trị tại Việt Nam, con em Hán chạy loạn sang Giao Châu mà có cả những con em bản địa giàu có theo học. Trên cơ sở đó, từ năm 187 đến năm 226, Thái thú Giao Châu là Sĩ Nhiếp giỏi Thi, Thư, Xuân Thu, đã đưa việc giáo hóa dân chúng lên một bước mới, ông đã được dân ta tôn là Nam Giao học tổ.
Long…“Thời Hán Minh Đế (68 -75) đã có nhà Hán học người Việt nổi tiếng là Trương Trọng từng làm Thái thú tại quận Kinh Thành, Trung Quốc; Ở thế kỷ II có Lý Tiến là một nhà Nho học từng làm Thái thú quận Linh Lăng, Trung Quốc và năm 184 - 189 làm thứ sử Giao Châu; Ở thế kỷ III có Lý Cầm và Bốc Long từng làm quan ở Trung Nguyên” [30; 20].
Nhìn chung, với thời gian trên dưới một nghìn năm Bắc thuộc, nhiều trường học, trung tâm Hán học được mở ra, nhưng vẫn không hề chiếm ưu thế trong nhân dân và trong các tầng lớp trên. Suốt thời kỳ lịch sử này, giới Nho sĩ bản địa vẫn còn ít ỏi và chưa trở thành một lực lượng xã hội đáng kể. Trong cuộc khởi nghĩa của Lý Bí xuất hiện một nhà Nho là Tĩnh Thiều, người bản xứ Giao Châu không thuộc “danh gia vọng tộc” đi theo, “còn nhìn chung một loạt các cuộc khởi nghĩa khác, người ta thấy rằng các nhà lãnh đạo nhân dân đều là hào trưởng không thấy ai là sĩ phu hết” [8; 65].
Sở dĩ, có tình trạng như vậy, là vì việc học tập Nho giáo phải biết chữ Hán, trong khi đó chữ Hán là loại chữ rất khó học, muốn thu nhận Nho giáo thì phải đèn sách lâu dài, do đó đã không thu hút được đa số người dân tham gia học tập. Nho giáo thời kỳ này rất xa lạ và không chiếm được cảm tình của người dân. Nhất là, Nho giáo vào Việt Nam không có chỗ đứng trong lòng dân tộc, vì nó là công cụ phục vụ đắc lực cho bọn cướp nước, đi theo sau vó ngựa của bọn xâm lược phương Bắc, nằm trong chính sách đồng hóa của các thế lực người Hán nhằm bắt nhân dân Việt Nam theo mọi phong tục tập quán của chúng. Hơn thế, thời kỳ này, trước khi Nho giáo vào Việt Nam, nước ta đã có một nền văn hóa tương đối phát triển, có phong tục tập quán, bản sắc riêng, với những giá trị lịch sử cho đến ngày nay vẫn còn ý nghĩa, vì vậy Nho giáo không dễ dàng đồng hóa nhân dân ta được. Để đi sâu xâm nhập vào cuộc sống nhân dân, Nho giáo phải có thời gian và điều kiện thích hợp. Chính vì các nguyên nhân trên, nên Nho giáo thời kỳ này tuy phát triển, nhưng vẫn không có sức sống mạnh mẽ, cũng như không chiếm được tình cảm của nhân dân ta.
Vào những năm 30 của thế kỷ X, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam đã đến bước ngoặt. Cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ diễn ra năm 931, giành lại đất Giao Châu từ tay Hậu Đường. Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, giữ vững nền độc lập dân tộc vừa mới
khôi phục. Tiếp theo là nhà Đinh, nhà Tiền Lê đều có ý thức xây dựng triều đại vững mạnh để củng cố nền độc lập đã có. Họ cần đến những tri thức quản lý đất nước, quản lý xã hội, quản lý con người. Thời kỳ đầu độc lập, Nho giáo vẫn còn chưa phát triển, dấu ấn của Phật giáo nổi trội hơn Nho giáo. Vị trí nhà Nho lúc này đứng sau các nhà sư, song kiến thức Nho giáo với chức năng vốn có của nó không phải vì vậy mà không phát huy được tác dụng.
Sang thời Lý, thế kỷ XI và XII, các vua Lý từng bước vận dụng kiến thức Nho giáo vào công việc trị nước. Lý Công Uẩn thấy kinh đô Hoa Lư chật hẹp, không có điều kiện phát triển sự nghiệp của một triều đại, đã dựa vào tư tưởng
“thiên mệnh” và điển tích dời đô của Nho giáo để dời đô ra thành Đại La (sau đổi là Thăng Long). Lý Thường Kiệt dựa vào tư tưởng “dưỡng dân” của Nho giáo để trừng phạt ý đồ xâm lược của nhà Tống. Về mặt nội trị, nhà Lý thấy sự cần thiết phải đề cao Nho giáo nên việc coi trọng Nho giáo trở thành chính sách của triều đình. Năm 1070 nhà Lý cho tu sửa Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long, lấy đó làm nơi thờ tự Khổng Tử và các thánh hiền khác nhau của nhà Nho và là nơi để thái tử đên học tập đạo Nho. Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta. Năm 1076 nhà Lý cho xây dựng Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài Nho học cấp cao. Lúc này Nho giáo đã có cơ hội phát huy được tác dụng tích cực của mình. Lý Thường Kiệt nói: “Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân” vốn có nguồn gốc từ Nho giáo đã đặt trách nhiệm không thể thoái thác cho bất cứ triều đình nào.
Đến đời Trần (thế kỷ XIII, XIV), Nho giáo dần dần khẳng định được vai trò chủ chốt của mình trong đạo trị nước. Một số yếu tố tích cực của Nho giáo như yêu dân, khoan thư sức dân đã được các nhà tư tưởng yêu nước vận dụng và phát huy trong công cuộc giữ nước và dựng nước. Mối quan hệ giữa Nho giáo và Phật giáo được nhận thức sâu hơn và được phân định chức năng rõ ràng hơn. Việc thi cử theo khuôn mẫu của Nho học được đưa vào nề nếp.
Đến đời Lê, triều đình chủ trương trị nước theo Nho giáo. Tư tưởng nhân và đường lối chính trị nhân nghĩa của Nho giáo đến đầu thế kỷ XV mới được các Nho sĩ Việt Nam phát huy mạnh mẽ. Nguyễn Trãi đã đặt tình cảm, niềm tin và lý trí vào nhân, nhân nghĩa, cương thường, trung hiếu,…của đạo Nho. Ông tin tưởng rằng,“kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều”. Ông
tâm niệm, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và giải thích một cách cao thượng
“trả thù báo oán là thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân”… Lòng dân và chính trị nhân nghĩa thực sự đã trở thành một sức mạnh to lớn lúc bấy giờ, đã cảm hóa được bao nhiêu người, đã khơi gợi cho nhiều người phấn đấu cho lý tưởng cao cả, đẹp đẽ của dân tộc. Dưới triều Lê
“việc khuyến khích học hành và thi cử theo Nho học từ thời Lê Sơ về sau đã tạo ra một tầng lớp Nho sĩ đông đảo, đa dạng, phức tạp ở triều đình và các địa phương trên cả nước” [3; 35]. Lê Thành Tông tự hào rằng, mọi quan lại của triều đại mình đều từ mũ nhà Nho mà ra. Nhà Nho được xem là hiền tài của đất nước. Một Nho thần lúc bấy giờ là Thân Nhân Trung (1419 - 1499) dựa vào câu nói của Phạm Trọng Yêm đời Tống (Trung Quốc), nêu lên rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nho giáo thắng thế, nhưng cũng từ đây xuất hiện bộ máy quan liêu mất dần sinh khí và đi vào xu hướng bảo thủ, gây nên hậu quả nặng nề từ nửa đầu thế kỷ XVI.
Trong thời gian từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII, chính quyền phong kiến Trung ương tập quyền nhà Lê suy yếu, chiến tramh xảy ra liên miên. Nho giáo rơi vào khủng hoảng, các nguyên lý cương thường, trung hiếu chỉ còn là những từ ngữ không có thực chất. Nhiều nhà Nho chính trực lui về ở ẩn. Các cuộc khởi nghĩa nông dân ngày một nhiều đưa tới tác dụng kép, vừa chống các tập đoàn phong kiến về mặt chính trị, vừa đả phá hệ tư tưởng của chúng là Nho giáo bảo thủ.
Bước sang thế kỷ XIX, Minh Mạng, Tự Đức là hai ông vua nhà Nguyễn đi đầu trong việc đề cao Nho giáo, lấy nó làm điều kiện củng cố triều đại, củng cố sự thống nhất. Nhà Nguyễn từ chối mọi sự cải cách, mọi sự đổi mới đất nước. Sau khi xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, thực dân Pháp từng bước một hạn chế vai trò của Nho giáo và đến năm 1919 hình thức thi cử Nho giáo bị chấm dứt. Tuy nhiên thực dân Pháp vẫn sử dụng Nho giáo ở mức độ nhất định nhằm củng cố chế độ thuộc địa.
Có mặt tại Việt Nam gần 20 thế kỷ, “Vì lẽ đó, Nho giáo đã có đủ thời gian và điều kiện để thấm sâu, bám rễ và ảnh hưởng sâu sắc đên đời sống tinh thần dân tộc ta” [3; 39]. Nho giáo từ sản phẩm ngoại lai trở thành truyền thống bản
địa. Sức mạnh cũng như hạn chế của nó không tách rời sự ra đời và phát triển của chế đô phong kiến Việt Nam.
2.1.2. Việc học tập và thi cử theo Nho giáo trong thời kỳ phong kiến ở nước ta
Nói đến giáo dục phong kiến Việt Nam là nói đến giáo dục Nho học - nền giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo - nền giáo dục chính thống xuyên suốt thời kỳ phong kiến. Tuy giáo dục Nho học chưa phải là tất cả, nhưng nó để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội, con người Việt Nam. Xem xét nền giáo dục Nho học là việc làm cần thiết không thể bỏ qua trong quá trình làm rõ sự tác động của tư tưởng giáo dục Nho giáo đến việc giáo dục con người Việt Nam trong xã hội.
Sự tác động của Nho giáo vào giáo dục Việt Nam thể hiện qua nền giáo dục Nho học. Nó được thể hiện rõ nét từ thời Lý, Trần, phát triển rực rỡ vào thời Lê, Nguyễn. Sự tác động của tư tưởng giáo dục Nho giáo vào nền giáo dục Việt Nam bộc lộ trên nhiều lĩnh vực, song nó thể hiện tập trung và điển hình ở hai khía cạnh: học tập và thi cử.
Việc coi trọng giáo dục Nho giáo thể hiện rõ nét qua các sự kiện: xây dựng Văn Miếu vào năm 1070 và thành lập Quốc Tử Giám vào năm 1076. Văn Miếu là nơi thờ tự Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử) cùng 72 người hiền là các học trò xuất sắc của Khổng Tử. Quốc tử giám là “trường đại học đầu tiên ở Việt Nam” [18; 85]. Văn Miếu, nơi thờ cúng người sáng lập “Nho giáo” rất có ý nghĩa đối với những người theo học Thánh hiền, là nơi tụ họp, dâng hương của các sĩ tử. Bởi vậy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu trưng của nền giáo dục Nho học.
Giáo dục theo Nho giáo là có nề nếp và hệ thống hơn cả. Các cấp học thì có quốc học, tỉnh học, phủ học, huyện học, hương học. Quản việc học và thầy học thì có chức danh: Tư đồ (Triều Trần, Lê), Thượng thư bộ Lễ (triều Nguyễn), đốc học (tỉnh), giáo thụ (phủ), huấn đạo (huyện), nho sĩ các làng xã. Người học thì có: sinh viên (Quốc tử giám), khóa sinh, nho sinh. Hệ thống tổ chức và học tập trên về cơ bản là giống nhau qua các triều đại và chi phối việc học tập của người dân, làm cho mọi người có thói quen, hễ nói đến học là học Nho, nói đến người học là các loại nho sinh.
Sử sách để lại cho thấy, việc học tập, thi cử theo Nho học phát triển rực rỡ vào thời Lê. Để củng cố nền thống trị bền vững, chính quyền đã đưa Nho giáo lên địa vị độc tôn làm hệ tư tưởng của triều đình phong kiến. Nhà Lê đã phổ biến Nho học, sửa sang việc học tập Nho giáo đến châu, huyện, có chính sách rõ ràng trong việc khuyến khích học tập. Như vậy, vào thời Lê được đánh giá là giai đoạn cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam, Phật giáo đã mất ảnh hưởng đối với chính quyền và triều đình, giành ưu thế tuyệt đối cho Nho giáo. Việc học tập và thi cử chủ yếu dựa vào Nho giáo. Việc say sưa học tập theo Nho giáo đã góp phần cũng cố địa vị của Nho giáo trong xã hội lúc bấy giờ. Kể từ đây việc học tập của Nho giáo bắt đầu theo hướng từ chương, khoa cử, coi trọng việc tầm chương, trích cú.
Cuối thời Lê, triều đình phong kiến đi vào con đường trụy lạc hưởng thụ, bỏ mất cái gốc của đạo trị nước là làm “ích nước an dân”, xa rời đạo thánh hiền, mâu thuẫn giữa các thế lực ngày càng mạnh mẽ. Đứng trước tình hình này, Nho giáo vẫn là công cụ chính của các tập đoàn phong kiến sử dụng để xây dựng chính quyền và củng cố trật tự xã hội. Họ ra sức tổ chức giáo dục khoa cử để tăng cường tầng lớp sĩ phu, bởi vậy đến thời Trịnh - Mạc, đặc biệt thời Nguyễn, giáo dục, học tập được coi trọng. Số trường lớp tăng nhiều ở các huyện, phủ. Ví như triều Tự Đức, theo thống kê của Quốc sử quán triều Nguyễn thì trung bình trên toàn quốc cứ hai huyện có môt trường học quốc lập. Vào khoảng 500 - 570 suất đinh thì có một trường học. Có thể thấy thời kỳ này số lượng người đi học ở trường quốc lập rất đông so với các triều đại khác.
Dưới thời phong kiến việc học tập đã được coi trọng. Đáp ứng nhu cầu, ngoài các trường quốc lập do nhà nước, chính quyền tổ chức, trong nhân dân cũng xuất hiện các loại trường dân lập trong các thôn, xóm. Thầy dạy các trường lớp dân lập có một trình độ nhất định. Cũng có người có học vấn uyên thâm, đỗ đạt cao nhưng chán cảnh quan trường, hay bị bãi chức lui về dạy học với nghĩa
“tiến vi quan, đạt vi sư”… Học trò ở đây không có sự phân biệt giàu nghèo, miễn là có ý thức học.
Không chỉ ở nhà trường quốc lập mà cả ở trường dân lập từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn sau này luôn bị chi phối bởi Nho giáo. Các sách học trong nhà trường đều bao chứa nội dụng giáo dục Nho giáo: coi trọng việc học hành, thi cử
làm quan, dạy đạo làm người, đạo trị nước. Sách học ở trường chủ yếu là dạy luân lý, ứng xử như: Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn…Sau đó học các sách kinh điển Nho giáo như
“Tứ thư” (Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung), “Ngũ kinh” (kinh Thi, kinh Thư, kinh Xuân Thu, kinh Dịch, kinh Lễ) dạy đạo trị nước, đạo người quân tử để thi cử làm quan, có khi còn thêm vào tư liệu khác như: “Trung kinh”,