Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1985

Một phần của tài liệu Đề tài:"Tiền lương tối thiểu - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn" potx (Trang 25 - 69)

Năm 1960, Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã được triệu tập. Đại hội đã định nền kinh tế nước ta phát triển hoàn toàn theo hướng kế hoạch hoá, mọi vấn đề về lao động đều theo kế hoạch trực tiếp của Nhà nước và được triển khai thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính. Đặc biệt trong lĩnh vực trả công, mức tiền lương cụ thể cho trong loại công việc, thời gian trả, hình thức trả lương, nâng bậc lương và các vấn đề khác liên quan đều do Nhà nước định sẵn thông qua hệ thống các bậc lương và hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Các văn bản pháp luật lao động trong suốt thời gian đó không còn đề cập và quy định về tiền lương tối thiểu mà Nhà nước đã giới hạn trực tiếp bằng việc quy định cụ thể các mức lương trong các ngành. Trong mỗi ngành đều có mức lương thấp nhất, đó chính là mức lương khởi điểm của ngành được trả cho người lao động ứng với công việc đòi hỏi trình độ lao động thấp nhất, cường độ lao động nhẹ nhàng nhất, người ta gọi đó là lương bậc một. Và lương bậc một được xác định trong thời gian đó là 27 đồng 3 hào.

Như vậy, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, tiền lương tối thiểu không được quan tâm và đề cập đến. Trên thực tế, người ta quan niệm và coi lương bậc một của ngành là mức lương tối thiểu.

2.1.3. Giai đọan từ năm 1985 đến năm 1992

Với chủ trương chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng XHCN, tự do kinh doanh đã trở thành nguyên tắc hiến định trong đường lối quản lý kinh tế của đất nước. Yêu cầu phải tạo ra một khuôn khổ pháp luật để giới hạn hành vi của các cá nhân, tổ chức khi tham gia quan hệ pháp luật ở mọi lĩnh vực trong đó có vấn đề trả lương cho người lao động. Tiền lương tối thiểu sau một thời gian dài không cần thiết tồn tại nay lại xuất hiện trong pháp luật lao động Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa của nó được quy định trong Nghị định số 35/NĐ-HĐBT ngày 18/09/1985 về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương tối thiểu là 220 đồng/tháng.

Nghị định số 235-HĐBT ngày 18/09/1985 ra đời, cuộc sống của người lao động đã được cải thiện đáng kể. Tính đến tháng 9/1985, tiền lương của người lao động tăng 64%. Nhưng với nền kinh tế khó khăn, tổng thu nhập quốc dân tính trên đầu người thấp, tình trạng lạm phát đã làm cho giá trị của đồng lương sút giảm nhanh chóng và lương không đánh giá đúng giá trị thực tế sức lao động của người lao động. Mặt khác, tới năm 1986, cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng đòi hỏi tiền lương tối thiểu phải có sự thay đổi để phù hợp với thực tế.

Ngày 28/12/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 202-HĐBT về tiền lương công nhân, viên chức sản xuất kinh doanh khu vực quốc doanh và công tư hợp doanh và Quyết định số 203-HĐBT về tiền lương công nhân, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Theo đó, tiền lương tối thiểu là 22.500 đồng/tháng.

Năm 1987, Quốc hội thông qua Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó nước ta xuất hiện thêm một thành phần kinh tế đó là kinh tế có vốn đầu tư

nước ngoài. So với các lao động làm việc trong các doanh nghiệp trong nước thì lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phải chịu áp lực cao hơn, đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cường độ lao động cao hơn. Để đánh giá đúng giá trị sức lao động mà người lao động bỏ ra và bảo đảm sự công bằng, đòi hỏi phải có quy định riêng về tiền lương tối thiểu cho các lao động làm việc trong khu vực này. Ngày 29/8/1990 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định số 356/LĐTBXH/QĐ về mức lương tối thiểu của người lao động trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 50 USD/ tháng.

Mức lương tối thiểu theo Quyết định 356 có nhiều hạn chế, đó là việc áp dụng một cách chung chung cho tất cả các xí nghiệp trên toàn quốc. Trong khi đó, ở các vùng khác nhau thì có những đặc trưng không giống nhau như về thị trường lao động, giá cả sinh hoạt, ưu thế địa hình, khí hậu, tài nguyên khoáng sản… cho nên đòi hỏi phải có sự phân vùng để tiền lương tối thiểu phù hợp với từng địa bàn nhất định. Ngày 5/5/1992 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 242/LĐTBXH-QĐ về mức lương tối thiểu của các lao động trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, mức lương tối thiểu trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là từ 30 đến 35 USD/tháng tuỳ thuộc vào từng địa phương và đặc trưng của từng ngành nghề.

Nói tóm lại, trong giai đoạn này đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc quy định về tiền lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu đã kịp thời có những thay đổi hợp lý về đảm bảo đời sống của người lao động. Ngoài ra, đã có sự phân định về tiền lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước và các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đảm bảo sự công bằng trong việc trả công cho người lao động.

2.1.4. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay

Sau bạo động ở Đông Âu và Liên Xô cũ, nền kinh tế nước ta chịu nhiều ảnh hưởng nên hết sức khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao (năm 1990 là 70%,

năm 1991 là 67.5% và năm 1992 là 16.7%). Chính sách tiền lương mất dần ý nghĩa trong sản xuất và đời sống xã hội. Tiền lương không đảm bảo đời sống của người lao động và được tiền tệ hoá ở mức thấp. Việc đổi mới chính sách liên quan đến tiền lương không được tiến hành đồng bộ càng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn trong bản thân chính sách tiền lương, tạo ra những mâu thuẫn mới mang tính tiêu cực trong phân phối thu nhập, đã vi phạm nghiêm trọng công bằng xã hội. Trước tình hình đó, Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 Quốc hội khoá IX đã đề ra nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương với mục tiêu chính sách tiền lương mới phải làm cho tiền lương trở thành thước đo giá trị sức lao động, áp dụng ở mọi thành phần kinh tế có quan hệ lao động theo thị trường. Đặc biệt là tiền lương tối thiểu phải thực sự là “lưới an toàn” cho người lao động, đảm bảo cho họ duy trì được mức sống tối thiểu cần thiết và tái sản xuất sức lao động. Đáp ứng được yêu cầu tiền tệ hoá tiền lương, dần thay thế và tiến tới xoá bỏ chế độ phân phối hiện vật có tính chất tiền lương. Thực hiện điều đó, ngày 23/5/1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 26/CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp và Nghị định số 25/CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính-sự nghiệp và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng thống nhất cho các đối tượng trên là 120.000 đồng/tháng.

Ngày 23/06/1994, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Bộ luật lao động, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Lần đầu tiên tiền lương tối thiểu đã được ghi nhận một cách đầy đủ, toàn diện nhất trong văn bản pháp lý có hiệu lực cao là Bộ luật. Để cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành các quy định về tiền lương tối thiểu, ngày 31/12/1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 197/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ lao động về tiền lương. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra Thông tư số 11/LĐTBXH-TT ngày 03/05/1995 để hướng dẫn Nghị định số 197/ CP.

Sau một thời gian thực hiện chính sách tiền lương mới năm 1993, mức lương tối thiểu so với nhu cầu của người lao động và mục tiêu đặt ra là quá thấp, không đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người lao động. Từ năm 1993 trở đi, nền kinh tế liên tục tăng trưởng (trung bình khoảng 8 đến 9%/năm) trong khi tiền lương vẫn không thay đổi nên giá trị tiền lương thực tế bị giảm sút. Do đó, ngày 21/1/1997 Chính phủ ra Nghị định số 06/CP về việc giải quyết tiền lương và trợ cấp năm 1997 đối với công chức, viên chức hành chính - sự nghiệp, người nghỉ hưu, nghỉ mất sức, lực lượng vũ trang cán bộ xã, phường và một số đối tượng hưởng chính sách xã hội nâng mức lương tối thiểu lên 144.000 đồng / tháng.

Mặc dù tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 06/CP. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu mức tiền lương tối thiểu vốn dĩ đã ấn định thấp, trong khi đó chỉ số giá sinh hoạt tăng đã làm mất tác dụng tích cực của chế độ tiền lương, phát sinh mâu thuẫn khó lý giải là trong khi nền kinh tế liên tục tăng trưởng thì tiền lương tối thiểu vẫn được duy trì từ năm 1997 đến 1999 mà không thay đổi, dẫn tới tiền lương thực tế bị giảm sút, mất dần ý nghĩa trong đời sống của người lao động. Do đó ngày 15/12/1999, Chính phủ ra Nghị định số 175/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc nguồn ngân sách Nhà nước. Nghị định quy định mức lương tối thiểu là 180.000 đồng/tháng.

Để bảo vệ cho người lao động mà quỹ lương để trả cho họ không phải lấy từ ngân sách Nhà nước, ngày 27/3/2000 Chính phủ ra Nghị định số 10/2000/NĐ-CP về việc quy định tiền lương tối thiểu trong các doanh nghiệp. Nghị định này quy định mức tiền lương tối thiểu là 180.000 đồng/tháng.

ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, được sự uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 708/1999/QĐ-BLĐTBXH quy định mức lương tối thiểu áp dụng cho lao động

trong khu vực này là từ 417.000 đồng đến 626.000 đồng/tháng tuỳ thuộc vào từng địa phương và đặc trưng của từng ngành nghề.

Như vậy, tiền lương đã được tăng 25% so với trước đây, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, dưới sự tác động của các quy luật cung - cầu, giá cả, cạnh tranh đòi hỏi tiền lương tối thiểu phải tiếp tục được nâng lên mới thực hiện được các nhiệm vụ của nó. Do đó, ngày 15/12/2000 Chính phủ ra Nghị định số 77/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí. Nghị định quy định mức lương tối thiểu là 210.000 đồng/tháng.

Sau 8 năm thực hiện, Bộ luật lao động đã góp phần tạo nên trật tự cho các quan hệ xã hội trong lĩnh vực lao động đã có nhiều thay đổi nên các quy định về tiền lương không còn phù hợp. Trước tình hình đó, ngày 2/4/2002 Bộ luật lao động đã được sửa đổi, bổ sung. Để cụ thể hoá các quy định mới, ngày 31/12/2002 Chính phủ ra Nghị định số 114/2002/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương thay thế Nghị định số 197/CP năm 1994.

Tháng 12/2002, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XI đã ra các Nghị quyết số 09/2002/QH11 về dự toán “ngân sách nhà nước năm 2003” và Nghị quyết số 14/2002/QH11 về “nhiệm vụ năm 2003”. Theo đó, tiền lương phải được thay đổi một cách toàn diện với tất cả các đối tượng lao động. Trên cơ sở đó, ngày 15/01/2004, Chính phủ ra Nghị định số 03/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương. Nghị định này quy định mức lương tối thiểu là 290.00 đồng/tháng.

Mặc dù lương tối thiểu đã được tăng 38% so với trước đây. Tuy nhiên, lần tăng lương này là giải pháp trước mắt về tiền lương. Trước tình hình giá cả leo thang liên tục đòi hỏi phải có một chính sách tiền lương mới toàn diện, hợp lý hơn, đảm bảo được giá trị của đồng lương trong thực tế. Do đó, nước ta đã thành lập Ban nghiên cứu chính sách tiền lương mới. Ngày 19/03/2003, Trưởng

ban chỉ đạo nghiên cứu chính sách tiền lương mới phải toàn diện, lâu dài, liên tục, mở ra một giai đoạn mới của việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu ở Việt Nam, kéo dài liên tục, từng bước trong vòng 2 năm từ năm 2004 đến năm 2005.

Ngày 14/12/2004, Chính phủ ra Nghị định số 203/2004/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tăng lên 310.000 đồng/tháng. Tiếp đó, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 15/09/2005 Chính phủ ra Nghị định số 118/2005/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 350.000 đồng/tháng.

Để cụ thể hoá chính sách tiền lương mới, ngày 04/10/2005, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Thông tư số 25/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương trong doanh nghiệp theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP. Thông tư đã quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh tiền lương, phụ cấp lương và hướng dẫn cách tính lương cho các đối tượng ở trên, đảm bảo cho Nghị định số 118/2005/NĐ-CP được thực hiện trên thực tế.

Như vậy, lần cải cách chính sách tiền lương này kéo dài suốt 2 năm và được cải cách theo nhiều bước, vừa đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ, vừa không tạo ra gánh nặng cho quỹ lương của Nhà nước và người sử dụng lao động, đảm bảo tính hợp lý và hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ lao động.

Để đảm bảo đời sống của người lao động và phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế đất nước, năm 2006 Nhà nước ta đã có nhiều thay đổi về chính sách tiền lương.

Khởi đầu là những quy định về mức lương tối thiểu trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 06/01/2006. Chính phủ ra Nghị định số 03/2006/NĐ- CP quy định mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tiếp đó ngày 07/09/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2006/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, nâng mức lưong tối thiểu chung lên 450.000 đồng/tháng.

Cuối năm 2006, Việt Nam ra nhập WTO. Cùng với sự kiện này, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi mức lương tối thiểu làm sao cho không những phù hợp với tình hình chung của đất nước mà còn phải phù hợp với tình hình thế giới và nhu cầu hội nhập. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nói tóm lại, sau gần 60 năm, tiền lương tối thiểu ở nước ta đã dần dần phát triển và đi tới hoàn thiện để tạo ta “lưới an toàn” bảo vệ người lao động.

Một phần của tài liệu Đề tài:"Tiền lương tối thiểu - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn" potx (Trang 25 - 69)