Các test chẩn đoán Progesterone trong sữa bò và ứng dụng của chúng trong lĩnh vực sinh sản bò sữa

Một phần của tài liệu Tài liệu Giáo trình sinh sản gia súc - chương 5 pdf (Trang 38 - 41)

lĩnh vực sinh sản bò sữa

Hàm lượng Progesterone trong sữa và huyết thanh có mối liên hệ chặt chẽ với động thái của chu kỳ sinh sản và thể trạng của bò. Vì thế, bản thân hormone này cũng như các phương pháp phát hiện nó đã được nghiên cứu nhiều năm trong lĩnh vực sinh sản của bò. Gần đây, kỹ thuật miễn dịch phóng xạ (RIA) có nhiều ưu việt khi dùng nó trong các phòng thí nghiệm để định lượng progesterone. Phương pháp này rất chính xác nhưng cũng có nhiều trở ngại khi ứng dụng rộng rãi trên thị trường. Đó là: giá thành, người thực hiện cần được đào tạo kỹ và việc xử lý các chất thải độc hại của phản ứng. Tuy nhiên, kỹ thuật hiện nay đã giải quyết được các vướng mắc trên, ví dụ bộ test Open/Alert/Bovi- Pro 21 và việc kiểm tra nồng độ progesterone có thể thực hiện nhanh chóng và dễ dàng tại các trang trại với chi phí thấp nhất.

1- Tóm tắt chu kỳ hoạt động của progesterone

Progesterone là hormone do thể vàng của buồng trứng tiết ra. Hàm lượng của nó tăng / giảm phụ thuộc vào sự phát triển / thoái hóa của thể vàng. Tóm tắt quá trình phát triển của thể vàng: có vài nang trứng cùng phát triển trong buồng trứng; nhưng gần đến lúc

bò động dục, chỉ có 1 nang phát triển trội và chín. Việc tăng tiết Luteinizing hormone từ tuyến yên làm cho nang trứng vỡ và giải phóng ra tế bào trứng (rụng trứng). Sau khi trứng rụng, nang rỗng được máu lấp đầy. Sau 4-8 ngày, các tế bào của thể vàng có trong máu này sẽ phát triển và lấp đầy tạo nên thể vàng. Thể vàng tiết ra progesterone để từ đó đi vào trong máu và sữa. Nếu bò có chửa, thể vàng sẽ duy trì ở buồng trứng, tiếp tục tiết progesterone có tác dụng an thai. Nếu bò không chửa, thể vàng sẽ thoái hóa và ngừng sản xuất progesterone. Điều đó giúp cho bò tiếp tục có chu kỳ động dục mới, cách chu kỳ trước khoảng 21 ngày.

Điều quan trọng cần được lưu ý là lượng progesterone trong máu và sữa tăng một chậm sau khi rụng trứng. Trong phần lớn trường hợp, lượng progesterone sẽ thấp và tăng rất chậm trong vòng 4-6 ngày sau khi trứng rụng. Hàm lượng progesterone đạt cao nhất trong khoảng ngày thứ 10 đến 17 của chu kỳ động dục. Ở những bò không chửa, lượng progesterone sẽ giảm đi đáng kể từ ngày thứ 18 hoặc 19. Vào thời điểm này, estrogen bắt đầu tăng do bò bắt đầu một chu kỳ mới.

2- Các chỉđịnh và ứng dụng của progesterone trong sữa

Vài ứng dụng hàm lượng progesterone trong sữa:

2.1. Chẩn đoán không có chửa

Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc chẩn đoán có thai sớm bằng progesterone chỉ chính xác khoảng 80%. Nguyên nhân: sự khác nhau về độ dài của chu kỳ động dục giữa các bò, các nhầm lẫn trong phát hiện động dục, bệnh tử cung (bọc mủ tử cung), hoạt động khác thường của buồng trứng (u nang thể vàng hoặc nang trứng) và phôi chết sớm. Tóm lại, việc sử dụng progesterone để chẩn đoán có thai là chưa đủ mà cần phải kết hợp với việc khám thai 40 ngày (hoặc muộn hơn) sau khi phối giống. Tuy nhiên, với một loạt các mẫu lấy vào ngày 0 (ngày phối tinh) và các ngày thứ 21 và 24, việc chẩn đoán sớm sự không có chửa có thể đạt đến độ chính xác 95-100%. Do vậy, progesterone vốn được coi là công cụ để chẩn đoán có thai sớm nên được sử dụng cho mục đích chẩn đoán không có thai và từ đó có thể xác định được tình trạng có thai hay không của gia súc. Việc sớm xác định không có chửa này sẽ tránh được sự bỏ lỡ cơ hội phối giống tiếp theo.

2.2. Xác nhận động dục

Trong nhiều trường hợp, bò có thể biểu hiện các dấu hiệu động dục không rõ ràng dẫn đến việc quyết định phối giống sai. Trên thực tế, có khoảng 5% bò có biểu hiện động dục khi đang mang thai. Progesterone trong sữa có thể dùng để xác định các biểu hiện của bò mà ta quan sát được có phù hợp hay không với một con bò đang hoặc gần động dục. Nếu mẫu sữa kiểm tra cho thấy hàm lượng progesterone cao thì có vẻ như con bò đó không động dục và nó cần được theo dõi cẩn thận cũng như kiểm tra lại các mẫu lấy vào thời điểm muộn hơn.

Rất nhiều báo cáo đã chứng minh rằng vào thời điểm phối tinh có tới 15-20% bò sữa không động dục. ở một số trang trại, tỷ lệ phát hiện động dục sai có thể cao tới 50% hoặc hơn. Do vậy, ở những đàn bò không sinh sản, biểu hiện ở tỷ lệ có chửa thấp và có các bò được phối giống lặp lại quá nhiều thì cần phải xem xét lại độ chính xác của công tác phát hiện động dục. Việc này có thể tiến hành đơn giản bằng cách giữ lại mẫu sữa vào thời điểm bò được đưa ra để phối tinh cho đến khoảng 2 tuần hoặc một tháng sau.

Nếu nhiều hơn 10% số bò được phối tinh vào thời điểm đó có hàm lượng progesterone cao thì có thể chứng minh được là việc phát hiện động dục không chính xác.

2.3. Bò có các vấn đề về sinh sản

Đó là những con không có biểu hiện chu kỳ hoặc mang thai trong thời gian dài sau khi đẻ. ở một số đàn, bò sẽ bị xếp vào loại có vấn đề về sinh sản chỉ 100 ngày sau khi đẻ mà không được phối giống. Nguyên nhân thì có nhiều và ở một số đàn nguyên nhân chỉ đơn giản là bò bị bỏ lỡ động dục và chúng bị xếp vào nhóm những con có vấn đề về sinh sản. Tuy nhiên, những con bò bị mắc các bệnh về tử cung và buồng trứng nếu được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng sẽ giảm được thời gian và chi phí phối giống sau khi đẻ.

Progesterone trong sữa có thể dùng để chẩn đoán những rối loạn về tử cung (viêm tử cung) cho những bò này cũng như có thể ứng dụng để phân biệt trường hợp thể vàng hình thành u nang. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy việc khám qua trực tràng chỉ phát hiện được 65-75% trường hợp bò bị u nang buồng trứng. Do vậy, qua xác nhận kết quả chẩn đoán, có thể quyết định liệu pháp điều trị. Sau điều trị, có thể kiểm tra xem bò có phản ứng theo chiều hướng mong muốn hay không.

2.4. Các chương trình cấy truyền phôi

Các chương trình cấy truyền phôi đòi hỏi phải kiểm tra con cho và con nhận một cách thường xuyên. Việc gây động dục đồng pha thành công rõ ràng là bước sống còn để đạt được thành công trong quy trình cấy truyền phôi. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng độ chính xác của việc xác định thể vàng phát triển qua khám trực tràng chỉ đạt 75-80%. Như vậy, việc sử dụng các test chẩn đoán progesterone một cách có chọn lọc ở những bò cho kết quả khám thể vàng không rõ ràng sẽ cải thiện hiệu quả của cấy truyền phôi rất nhiều do tình trạng sinh sản của bò chuẩn bị cho cấy truyền phôi được xác định đúng.

2.5. Tinh có giá thành cao

Do việc phát hiện động dục có thể nhầm lẫn, ngoài việc quan sát các biểu hiện động dục của bò, người ta có thể đưa việc định lượng progesterone trong sữa vào trong quy trình xác định động dục. Việc kiểm tra được tiến hành trước khi phối tinh không chỉ tránh được lãng phí tinh có giá thành cao mà còn có thể ngăn chặn được sự sẩy thai.

2.6. Bò sữa cao sản

Chúng ta đã biết rằng các stress gây ra do năng suất sữa cao và sự chậm trễ có liên quan đến lượng thức ăn khô ăn vào đã ảnh hưởng đến chu kỳ động dục của bò sữa. Hơn nữa, cân bằng năng lượng âm và hoạt động của hormone giai đoạn đầu sau khi đẻ làm giảm mật độ biểu hiện động dục. Như vậy, để có bò động dục và phối giống thành công là một thách thức trong chăn nuôi bò sữa. Do các biểu hiện bên ngoài của động dục của bò sữa cao sản có thể không rõ hoặc dễ gây nhầm lẫn, định lượng progesterone trong sữa có thể giúp phân biệt hoạt động động dục của chúng so với những con bò không có hoạt động động dục.

2.7. Trợ giúp trong các chương trình phối giống ở các thời điểm bị stress do khí hậu hậu

Các stress với môi trường có tác động rất lớn đến hiệu quả sinh sản. Đặc biệt, stress nhiệt là nguyên nhân dẫn đến việc giảm nghiêm trọng tỷ lệ có chửa, tăng tỷ lệ chết phôi sớm, giảm độ dài và cường độ của các biểu hiện động dục và làm giảm thể trọng bê sinh ra. Ngày nay người ta đã sử dụng progesterone trong sữa để trợ giúp cho các chương trình phối giống trong điều kiện gia súc bị stress do môi trường.

3- Tóm tắt

Nhờ vào ưu điểm đối với công nghệ sinh học và chẩn đoán miễn dịch, các hệ thống định lượng progesterone trong sữa và huyết thanh đã được sản xuất và bán rộng rãi trên thị trường. Giá trị của các hệ thống này phụ thuộc vào sự hiểu biết của người sử dụng về hoạt động của progesterone trong chu kỳ động dục bình thường ở bò sữa. Các hệ thống này không thể dùng để xác định chính xác thời điểm cần tiến hành phối giống, cũng như chúng không thể dùng để chẩn đoán thai một cách đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi sử dụng một cách hợp lý và xem xét đến các hạn chế của quy trình thì các hệ thống định lượng hormone này thực sự có giá trị trong quản lý sinh sản.

Một phần của tài liệu Tài liệu Giáo trình sinh sản gia súc - chương 5 pdf (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(44 trang)