Tỷ giá hối đoái là một hiện tượng kinh tế khá nhạy cảm và phức tạp, hơn nữa sự vận động của tỷ giá hối đoái rất khó lường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: cung – cầu ngoại tệ cho hoạt động thương mại và đầu tư, chính sách tỷ giá và lãi suất của từng nước trong từng thời kỳ, chế độ tỷ giá hoặc năng
suất lao động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa thương mại và phi thương mại, … Bên cạnh đó, tác động và vai trò của tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế quốc dân, đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước là khá lớn. Do đó, việc dự đoán sự biến động của tỷ giá hối đoái cực kỳ là quan trọng mặc dù việc dự báo tỷ giá là một vấn đề hết sức khó khăn cho các nhà quản lý vĩ mô.
Ngay những ngày đầu năm 2015, NHNN đã quyết định tăng thêm 1% đối với tỷ giá VND/USD (ngày 7/1). Hành động tăng tỷ giá này được cho là thể hiện quyết tâm ổn định thị trường ngoại hối trước nhu cầu lớn đối với đồng bạc xanh, đồng thời phù hợp với tình hình hiện tại khi đồng USD đang mạnh dần lên so với các đồng tiền khác. Song song đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2014 đang dồi dào ở mức hơn 35 tỷ USD, nên NHNN sẵn sàng bán ra để ổn định thị trường nếu cần thiết.
Thông thường, tăng tỷ giá hối đoái có thể tác động tiêu cực lên nền kinh tế bằng cách tạo ra áp lực lạm phát do chi phí nhập khẩu thấp. Tuy nhiên, do lạm phát trong năm 2014 đang ở ngưỡng thấp và giá dầu có chiều hướng tiếp tục giảm, áp lực này không phải là vấn đề quan ngại. Ngược lại, tăng tỷ giá là đòn bẩy hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam, tăng tính cạnh trạnh của các sản phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu, qua đó hỗ trợ sản xuất nội địa. Ngoài ra, các doanh nghiệp trước kia phải dựa nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài sẽ tìm hướng đi mới để ưu tiên nguồn nguyên liệu từ thị trường trong nước.
Trong năm 2015, Thống đốc NHNN khẳng định, tỷ giá sẽ không tăng quá 2% và dư địa tăng tỷ giá còn lại trong năm 2015 chỉ còn 1%. Việc biến động tỷ giá năm 2015 phụ thuộc vào những yếu tố như sau:
Một là, xuất khẩu. Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015, nhờ cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng. Mặc dù cán cân thương mại của Việt Nam được dự báo là thâm hụt, do phần lớn khối lượng nhập khẩu sẽ vẫn là
hàng hóa và phụ tùng để hỗ trợ sản xuất. Như vậy, không cần thiết phải phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu.
Hai là, độ mạnh USD so với các loại tiền khác. Thời gian qua, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản đã bắt đầu gói hỗ trợ kinh tế, khiến tỷ giá của loại tiền này so với USD yếu đi. Bên cạnh đó, những thông tin chính trị bất ổn tại khu vực châu Âu, như cuộc bầu cử tại Hy Lạp, cũng là điểm đáng quan ngại cho giá trị của đồng EUR. Đồng thời, kinh tế Mỹ ấm dần lên khiến thị trường khá lạc quan về việc Fed tăng lãi suất trong nửa cuối năm nay. Do đó, đồng USD sẽ dần trở lại vị thế dẫn đầu. Sự mạnh lên của USD cũng là động lực khiến tỷ giá tăng để ổn định cung cầu thị trường.
Ba là, dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam là hơn 35 tỷ USD. Theo NHNN, trong năm 2015, cán cân thanh toán sẽ thặng dư 8-9 tỷ USD. Do vậy, nhiều khả năng Chính phủ sẽ vẫn bảo vệ tiền đồng.
Tuy cán cân thương mại năm 2014 thặng dư khoảng 1,98 tỷ USD - mức xuất siêu kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng cao; với tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 20,2 tỷ USD. Tuy nhiên, đồng VND chắc chắn vẫn ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá với đồng Đô la; đặc biệt trong trường hợp Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt trong 12 tháng tới. Theo dự báo, tỷ giá VND/USD có thể giảm xuống 22.050 VND/USD vào cuối năm 2015.