Vấn đề xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm

Một phần của tài liệu Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và APEC _ thực trạng và giải pháp (Trang 40 - 43)

3. Một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm

3.2.Vấn đề xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm

Luật hình sự Việt Nam hiện hành chưa có điều luật nào trực tiếp quy định về các giai đoạn thực hiện hành vi đồng phạm. Trên thực tế chúng ta chỉ có thể dựa vào những quy định của pháp luật về các trường hợp phạm tội riêng lẻ để xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm.

Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý bao gồm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

Theo luật hình sự Việt Nam, vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra đối với tội cố ý gián tiếp mà không đặt ra đối với tội có lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi vô ý. Khi hành vi được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi vô ý, người phạm tội không muốn tội phạm xảy ra. Vì thế, không thể xác định có việc

chuẩn bị hay chưa đạt để buộc họ phải chịu TNHS. Đối với tội có lỗi vô ý,

người phạm tội không có mục đích phạm tội, không có sự chuẩn bị nên không thể có giai đoạn chuẩn bị. Người phạm tội cũng không mong muốn cho hậu quả xảy ra. Hậu quả không xảy ra thì vấn đề TNHS không đặt ra và chỉ khi hậu quả xảy ra mới coi là có tội.

Đối với tội được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp có thể có mục đích. Nhưng mục đích mà nó hướng tới có thể không phải là tội phạm đang thực hiện, nên không có sự chuẩn bị. Như vậy, vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm cũng không được đặt ra. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng vẫn đặt ra các giai đoạn phạm tội ở loại tội có lỗi cố ý gián tiếp. Bởi vì: “Khi quyết định thực hiện

hành vi chủ thể đã nhận thức được rằng hậu quả do hành vi đó có thể xảy ra, tuy hậu quả không phải là điều mà chủ thể hướng tới nhưng đã chấp nhận việc nó xảy ra. Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi và đương nhiên quá trình thực hiện tội phạm phải được tính từ khi có quyết định thực hiện hành vi, qua chuẩn bị, bắt đầu thực hiện và thực hiện hoàn thành tới khi tội phạm thực sự chấm dứt. Quá trình này cũng phải phân định thành các giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành” [22, tr.29]. Tội phạm được thực hiện dưới

hình thức đồng phạm là loại tội được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý và vấn đề xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm cũng đương nhiên đặt ra. Việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm chủ yếu dựa vào mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành, nghĩa là “nếu những

người đồng phạm không thực hiện tội phạm được đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành thực hiện đến giai đoạn nào, họ phải chịu trách nhiệm hình sự đến giai đoạn đó” [10, tr.143]. Theo đó thì người thực hành

giữ vai trò trung tâm trong vụ đồng phạm. Hành vi và mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành là cơ sở phân định giai đoạn phạm tội trong trường hợp đồng phạm.

Ví dụ: Khi A đi qua một cửa hàng ăn, thấy một số người đang ăn uống. Phía ngoài ngõ có dựng hai chiếc xe môtô của khách. A nảy sinh ý định lấy trộm xe máy đem đi bán. A gặp B đang đi chơi. A rủ B cùng vào lấy trộm xe, B đồng

ý. Chiếc xe được khóa cổ càng cẩn thận. A đang cố phá khóa thì bị bắt. Trường hợp này hành vi của A chỉ dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và như vậy cả A và B cùng phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Việc xác định tội phạm hoàn thành hay phạm tội chưa đạt là cơ sở để xác định TNHS cho những người đồng phạm được chính xác. Nếu coi hành vi của người thực hành có vai trò trung tâm tuyệt đối thì sẽ không thấy được vai trò của những người đồng phạm khác bởi vì có một số trường hợp mặc dù hành vi của người thực hành chưa thỏa mãn hết dấu hiệu của một CTTP cụ thể nào đó. Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi của những người đồng phạm khác như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức đã hoàn thành và hành vi phạm tội của từng người đồng phạm dừng lại ở các giai đoạn khác nhau thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội là khác nhau. Như vậy, nếu hành vi của những người đồng phạm khác chỉ bị truy cứu ở giai đoạn phạm tội chưa đạt là không phản ánh chính xác tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mỗi người.

Trong trường hợp người bị xúi giục không nghe theo, sự xúi giục không có kết quả thì chỉ riêng người xúi giục phải chịu TNHS về tội đã xúi giục. Trên thực tế nếu sự xúi giục không có kết quả thì cần phải có sự cân nhắc rõ ràng vì ở đây chưa có sự tiếp nhận ý chí giữa người xúi giục và người bị xúi giục, người xúi giục chưa đạt được mục đích của mình. Vì vậy, trong trường hợp này, TNHS phải xem xét giảm nhẹ so với trường hợp người xúi giục đã thúc đẩy người thực hành thực hiện tội phạm.

Nếu một người mong muốn giúp người khác thực hiện tội phạm nhưng người thực hành không thực hiện tội phạm đó hoặc không sử dụng sự giúp sức thì người giúp sức phải chịu TNHS về tội định giúp sức.

Ví dụ: B biết A có ý định trộm cắp tài sản của công ty, B đã hứa sẽ vận chuyển giúp A mà không lấy tiền công. Đến khoảng 22 giờ 30 phút, B đánh xe chờ sẵn trước cổng công ty. A vì lo lắng sợ bị phát hiện nên đã không thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nữa. Trong trường hợp này A đã tự ý nửa chừng chấm

dứt việc phạm tội. Còn B với vai trò là người giúp sức phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS năm 1999).

Như vậy, việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm là cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện nguyên tắc xác định TNHS của những người đồng phạm, đảm bảo nguyên tắc những người đồng phạm chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm. Tạo điều kiện thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta, ngăn ngừa các vụ đồng phạm ngay từ khi có biểu hiện tội phạm ban đầu.

Một phần của tài liệu Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và APEC _ thực trạng và giải pháp (Trang 40 - 43)