Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc làm thay đổi bộ mặt của toàn xã hội. Nhưng cũng chính sự phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sống đã để lại những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã tiến hành soạn thảo các văn bản luật, dưới luật quy định một cách chi tiết, cụ thể. Do vậy, xu hướng phát triển của bao bì cũng chịu nhiều tác động từ sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Cụ thể:
Cuốn sách “Quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm & các tiêu chuẩn thực phẩm-quy định kỹ thuật” đã có nhiều mục quy định rõ ràng về yếu tố bao bì. Ví dụ như trong mục 3, chương 2 chỉ rõ các nội dung cơ bản của nhãn thực phẩm phải có như sau:
Tên thực phẩm.
Tên, địa chỉ cơ sở sản xuất thực phẩm.
Định lượng của thực phẩm.
Thành phần cấu tạo của thực phẩm.
Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của thực phẩm.
Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản.
Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng thực phẩm.
Xuất xứ của thực phẩm.
Dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường(năm 2010): có nhiều mục quy định cụ thể biện pháp áp dụng đối với trường hợp bao bì sản phẩm ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống.
Ngoài ra, trong dự thảo luật lần này có một vấn đề được đưa ra bàn luận rất đáng chú ý. Đó là mong muốn xóa sổ hai loại bao bì: túi nhựa xốp và túi nilon bằng việc đánh mức thuế cao nhất khoảng 100-150% giá bán hiện hành (tương đương với mức thu 20.000- 30.000 đồng/kg). Mục đích là nhằm làm tăng giá bán hai loại bao bì trên khiến người bán hàng không dám sử dụng thoải mái như hiện nay.
Tóm lại, những văn bản pháp luật của chính phủ cũng góp phần tạo nên xu hướng phát triển của bao bì sản phẩm.