Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU SADACO Ở THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA (Trang 31 - 32)

Ngành chế biến gỗ và lâm sản là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng của ngành tăng nhanh đáng kể, trung bình khoảng 24%-25%/năm. Từ năm 2008 đến nay tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trung bình 30%/ năm. Như vậy ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, vươn lên là một trong 7 mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng gỗ chế biến lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Hiện cả nước có khoảng trên 3000 doanh nghiệp chế biến gỗ với năng lực chế biến 2,2 – 2,5 triệu m3/năm, trong đó có 120 công ty chuyên sản xuất hàng ngoại thất và 330 công ty sản xuất và trang trí nội thất.

Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ ở Việt Nam bao gồm các công ty nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn, liên doanh và các doanh nghiệp nước ngoài như Singapore, Italia, Đài Loan, Malaysia, Na Uy, Trung Quốc,

Thụy Điển… với tổng số vốn đăng ký lên đến 105 triệu USD. Các công ty sản xuất và chế biến các sản phẩm gỗ tập trung chủ yếu ở các tỉnh T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc…, một số công ty sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ, tập trung ở các tỉnh phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc…

Nhìn chung quy mô của các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu là các xí nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất kết hợp giữa thủ công và cơ khí. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng đồ gỗ công nghiệp đã chú trọng đầu tư mới về các trang thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất. Song song đó đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đã bắt đầu trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất nhưng khả năng tài chính hạn hẹp và vẫn phụ thuộc chủ yếu vào trình độ tay nghề của người lao động nên quy mô sản xuất nhỏ, không đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu trị giá lớn. Tuy nhiên đồ gỗ mỹ nghệ Việt Nam cũng đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Cả nước có 342 làng gỗ mỹ nghệ, trong đó có rất nhiều làng nghề lớn như Văn Hà (Vĩnh Phúc), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Đông Giao (Hải Dương), Đồng Minh (Hải Phòng), La Xuyên (Nam Định) Kim Bồng (Quảng Nam)… Các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh hàng gỗ mỹ nghệ có xu thế tập trung về những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay ngay tại các làng nghề. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Việt Nam không chỉ có chất lượng mà còn vô cùng phong phú về mẫu mã phục vụ cho mọi nhu cầu của cuộc sống, từ đồ trang trí nội thất như bàn, ghế, tủ, đèn… đến các loại tượng, đồ trang sức, đồ dùng nhà bếp…, đã được đưa đến hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể đến các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, các nước Châu Âu đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 30 triệu USD.

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU SADACO Ở THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA (Trang 31 - 32)