Nguồn cung cà phê xuất khẩu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Xuất khẩu cà phê của VN sang thị trường anh (Trang 40 - 47)

2.1.9.1. Năng lực sản xuất

Trong giai đoạn 2006 – 2011, diện tích gieo trồng cà phê của Việt Nam không ngừng gia tăng, từ 1,8 đến 4,83% mỗi năm, đáp ứng được nhu cầu cà phê thế giới

và thị trường tiêu thụ tại Anh. Tính đến năm 2011, diện tích trồng cà phê của Việt Nam đã tăng 14,1% so với năm 2006. Nằm trong khu vực nhiệt đới Bắc bán cầu, Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với việc gieo trồng và canh tác cà phê. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên của từng vùng mang lại cho cà phê Việt Nam hương vị đặc trưng riêng biệt. Theo đó, khu vực Tây Nguyên và miền Nam nóng, ẩm và đất bazan màu mỡ phù hợp với việc canh tác cà phê vối (Robusta), trong khi khí hậu lạnh và khô hanh vào mùa đông ở các tỉnh miền Bắc lại thích hợp cho việc trồng cà phê chè (Arabica). Cà phê Arabica tuy có hương vị tinh khiết hơn và có giá cao hơn cà phê Robusta, nhưng cà phê Arabica Việt Nam lại chưa thể tạo dựng thương hiệu trên thị trường cà phê thế giới do khó canh tác và dễ bị sâu bệnh, vì vậy vẫn được trồng khá hạn chế tại Việt Nam. Trong khi đó, cà phê Robusta với đặc tính dễ trồng, có sức đề kháng sâu bệnh cao và hương vị đặc trưng vốn là thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm. Hiện nay, gần 90% diện tích cà phê ở Việt Nam được dùng để trồng cà phê vối, 10% trồng cà phê chè, và chỉ khoảng 1% còn lại trồng cà phê mít (Excelsa) (Tổng công ty Cà phê Việt Nam, 2011).

Tương tự, sản lượng cà phê Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2011 cũng có xu hướng tăng trưởng, ngoại trừ năm 2007 do ảnh hưởng của thời tiết, và sự sụt giảm này cũng là tình trạng chung của sản lượng cà phê thế giới trong năm 2007. Từ năm 2008, sản lượng cà phê của Việt Nam đã vượt 1 triệu tấn, với tỷ lệ gia tăng sản lượng hàng năm thấp nhấp là 0,16% và cao nhất đến 15,29%. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng cà phê nói chung, và đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta nói riêng.

Bảng 2.5. Diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2011

(Đơn vị: nghìn tấn, nghìn ha)

Năm Diện tích gieo trồng Sản lượng

2006 497,0 985,3 2007 506,4 915,8 2008 530,9 1055,8 2009 538,5 1057,5 2010 548,2 1105,7 2011 570,9 1170,0

cây trồng lâu năm của Tổng cục thống kê giai đoạn 2006 – 2011 )

Mặc dù diện tích và sản lượng cà phê của Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2011 thể hiện một bức tranh lạc quan của ngành cà phê, nhưng quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ, với trên 85% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 2 ha, làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ, dẫn đến chất lượng cà phê Việt Nam không đồng đều. Ngoài ra, phát triển cà phê chưa theo quy hoạch, thiếu khả năng tiếp cận kiến thức kỹ thuật và thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn là nguyên nhân dẫn đến chất lượng cà phê và khả năng cạnh tranh của ngành bị hạn chế (Phương Linh, 2011).

Thứ nhất, việc sản xuất cà phê đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ, phân tán và thiếu

sự liên kết giữa bốn nhà. Thực tế, dưới 20% diện tích trồng cà phê của Việt Nam hiện nay do các công ty, nông trường hoặc các chủ trang trại lớn quản lý, có đầu tư quy trình kỹ thuật tiên tiến, trong khi trên 80% diện tích còn lại là do người dân quản lý với quy mô nhỏ lẻ, phân tán và mang tính độc lập, với diện tích canh tác trung bình của mỗi hộ dân chỉ từ 0,5 đến 1 hécta. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều và kém ổn định. Hơn nữa, các hộ nông dân rất khó tiếp cận với những tiến bộ khoa học, thị trường tiêu thụ và thiếu cả sự hỗ trợ của từ Nhà nước và Hiệp hội. Kết quả là có nhiều trường hợp nông dân bị ép giá, và cạnh tranh trên thị trường cà phê tăng cao theo hướng không lành mạnh (Diễn đàn của người nông dân trồng cà phê, 2009).

Thứ hai, diện tích cà phê già cỗi và được trồng không đúng quy cách, cộng

thêm việc chăm sóc cây trồng không đúng kỹ thuật cũng gây ra không ít khó khăn cho việc sản xuất cà phê. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam thì Việt Nam có khoảng 54,8% diện tích cà phê độ tuổi từ 10 – 15 năm, trong khi diện tích cà phê được phát triển gần đây chỉ đạt năng suất cao trong độ tuổi khoảng 18 năm trở lại. Hơn nữa, phần lớn diện tích cà phê trồng không đúng quy cách, do nông dân khai thác một cách tự phát ở những vùng đất có hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao và cây cà phê không có tuổi thọ. Ngoài ra, do thiếu sự tư vấn về khoa học kỹ thuật, nông dân thường sử dụng các loại phân bón không phù hợp, gây ô nhiễm và gây hại cho đất trồng, cộng với việc

đốn bỏ nhiều loại cây che bóng mát trong vườn cà phê nhằm khai thác hết năng suất thực chất đã làm giảm năng suất cây trồng (Diễn đàn của người nông dân trồng cà phê, 2009).

Thứ ba, thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm. Mặc dù lực

lượng lao động trong ngành nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng là rất dồi dào, giá rẻ; tuy nhiên, đa phần họ chưa được đào tạo chuyên môn. Hiện nay, việc trồng và thu hoạch cà phê chủ yếu vẫn được thực hiện bằng cách thủ công, chưa có điều kiện trang bị các thiết bị hiện đại và thiếu nhân lực để vận hành.

2.1.9.2. Hoạt động thu mua

Hoạt động thu mua là cầu nối trung gian nhằm đem hạt cà phê từ các vườn trồng sau thu hoạch đến với các doanh nghiệp chế biến, sản xuất và xuất khẩu, vì vậy, có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cà phê, giá cả, và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Hiện nay, các kênh thu mua cà phê khá đa dạng, bao gồm cả các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, có 2 hình thức triển khai thu mua chính: các doanh nghiệp lớn thường sẽ tự tổ chức mạng lưới đại lý thu mua, trong khi các doanh nghiệp nhỏ nhận hàng từ người thu mua hoặc đại lý thu mua lẻ.

Trên thực tế, việc thu mua cà phê của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là quá nhiều doanh nghiệp tiến hành thu mua tạm trữ, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến cạnh tranh về giá và gây sự bất ổn cho thị trường cà phê Việt Nam. Năm 2011, tại các tỉnh trồng cà phê, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 50% hệ thống đại lý thu mua, tăng đến 35% so với những năm trước, và vẫn đang tiếp tục mở rộng mạng lưới thu mua của mình. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nguồn vốn dồi dào và dễ dàng mua tận nơi, trực tiếp từ người trồng thì doanh nghiệp Việt Nam do hạn chế về vốn, lãi suất ngân hàng lại khá cao nên các doanh nghiệp khó xoay sở về vấn đề tài chính và sự chủ động trong tiếp cận nguồn hàng và tiến hành thu mua bị hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng không ít đến xuất khẩu cà phê Việt Nam trong lâu dài (Kiện Bình, 2011).

Sau khi thu hoạch, cà phê thường được chế biến ngay để đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Việt nam áp dụng ba phương pháp chế biến đối với các mặt hàng cà phê: chế biến khô, chế biến ướt, và chế biến nửa ướt. Hầu hết cà phê Arabica đều được chế biến bằng phương pháp ướt tại Việt Nam. Trong khi đó, cà phê Robusta Tây Nguyên thường được chế biến bằng phương pháp khô nhằm tận dụng năng lượng mặt trời do mùa thu hoạch vào mùa khô. Ngoài ra, một bộ phận cà phê Robusta cũng được chế biến theo phương pháp ướt hoặc nửa ướt theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu.

Phương pháp chế biến khô là phương pháp cổ điển và phổ biến nhất hiện nay do cà phê Robusta là mặt hàng sản xuất và xuất khẩu chủ yếu của ngành. Cà phê sau khi thu hoạch sẽ được phơi trên sân gạch hay sân xi măng có độ dốc tốt, thoáng gió, và không bị khuất nắng đến độ ẩm 12 – 13% là đạt yêu cầu. Sau đó, cà phê sẽ được đưa vào máy xay để loại bỏ vỏ quả, vỏ trấu khô và cho ra thành phẩm cuối cùng. Đây là phương pháp đơn giản, ít tốn kém chi phí, không yêu cầu khắt khe về chất lượng quả thu hoạch, đáp ứng được được yêu cầu kỹ thuật trong điều kiện phù hợp và được bộ phận lớn nông dân áp dụng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là thời gian chế biến kéo dài thường từ 25 đến 30 ngày, lại tốn công bảo vệ và cày đảo; đồng thời diện tích sân phơi lớn, theo tính toán, 1 ha cà phê cần tới 99m2 sân phơi. Hơn nữa, phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, và có nguy cơ thất thoát hàng hóa do trộm và mưa. Ngoài ra, một số hộ nông dân áp dụng cách xay dập cà phê trước khi phơi, nhưng rủi ro cà phê bị đen và mốc là khá cao. Hiện nay, một số nơi đã đưa công nghệ vào quy trình chế biến cà phê bằng cách sử dụng một số loại máy sấy hoặc lò sấy công nghiệp (Công ty Cơ Khí – Cơ Điện Cà Phê Viết Hiền, 2010).

Phương pháp chế biến nửa ướt cũng được người trồng cà phê sử dụng khá phổ biến hiện nay; tuy nhiên, cũng như phương pháp chế biến khô, phương pháp này chỉ áp dụng được trong điều kiện trời khô ráo và có nắng. Đối với phương pháp chế biến nửa ướt, người ta xát dập quả cà phê gồm cả quả chín lẫn quả xanh bằng máy mà không sử dụng nước, kèm theo đanh sạch một phần nhớt rồi mang phơi, không ủ lên men và rửa sạch hoàn toàn. Mặc dù phương pháp chế biến này giúp rút ngắn thời gian phơi từ 40% – 60% so với phương pháp chế biến khô; tuy nhiên, mặt hạn chế của phương pháp chế biến này là sản phẩm khó đạt chất lượng cao, dễ bị nấm

mốc, tỷ lệ hạt nhân bị đen nhiều nếu gặp thời tiết không thuận lợi.

Phương pháp chế biến ướt được xem là phương pháp chế biến tốt và hiện đại nhất nhờ tiết kiệm được diện tích sân phơi, rút ngắn thời gian phơi sấy. Cà phê sau khi thu hoạch sẽ được chọn lọc kỹ càng trước khi đưa vào máy xay tách vỏ quả để trở thành cà phê thóc. Cà phê thóc sẽ được ngâm rửa, sấy khô đến độ ẩm đạt 10 – 12%, và cuối cùng là loại bỏ vỏ trấu cho ra thành phẩm. Phương pháp chế biến này sử dụng dây chuyền chế biến để loại các quả xanh, quả khô và các tạp chất khác ra khỏi nguyên liệu chế biến nên sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém chi phí do đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân công có chuyên môn để vận hành. Hơn nữa, chi phí để xử lý nguồn nước thải trong quá trình chế biến là khá cao để tránh gây ô nhiễm môi trường (Đoàn Triệu Nhạn, 2010).

Hiện nay, phương pháp chế biến thủ công vẫn còn phổ biến ở Việt nam. Theo ước tính, trên 90% cà phê được chế biến bằng phương pháp khô và nửa ướt do phù hợp với khả năng tài chính của nông dân. Tuy nhiên, hai phương pháp này do phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng cà phê Việt Nam.

2.2. Đánh giá về thực trạng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Anh giai đoạn 2006 – 2011

2.2.1. Những thuận lợi và thành tựu đạt được 2.2.1.1. Thuận lợi

Điều kiện tự nhiên thuận lợi

Sự ưu đãi của điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đã mang lại cho Việt Nam khá nhiều lợi thế trong việc gieo trồng và canh tác cà phê, và giúp việt Nam tìm được vị thế trên thị trường cà phê thế giới với hương vị cà phê thơm ngon đặc trưng. Như đã phân tích ở trên, khí hậu nóng ẩm ở miền Nam và Tây Nguyên phù hợp cho việc canh tác cả cà phê Robusta, trong khi cà phê Arabica lại thích hợp với khí hậu khô lạnh ở các tỉnh miền Bắc. Hơn nữa, đất bazan màu mỡ ở vùng Tây Nguyên với lớp phủ thổ nhưỡng giàu hàm lượng hữu cơ và các chất dinh dưỡng khác mang lại tiềm năng lớn cho cà phê Robusta hàng đầu thế giới. Thêm vào đó, cà phê là loại cây sinh trưởng tốt dưới nắng mặt trời gián tiếp. Với số giờ nắng cao và lượng mưa dồi dào quanh năm, Việt Nam là một lựa chọn tối ưu cho việc trồng trọt và canh tác cà

phê.

Nguồn nhân lực dồi dào

Năm 2011, Việt Nam có 51,39 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, chiếm 58,5% trong tổng số 87,84 triệu dân và khoảng 46,48 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, lực lượng lao động trong khu vực nông, lâm thủy sản, chiếm 48%. Nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ này mang lại lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong ngành cà phê nói chung và xuất khẩu cà phê nói riêng. Hiện nay, việc sản xuất cà phê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên phương pháp truyền thống và thủ công; trong khi quá trình sản xuất cà phê gồm khá nhiều công đoạn. Vì vậy, lực lượng lao động dồi dào và chi phí giá rẻ này đã góp phần tạo nên lợi thế cho ngành cà phê nhờ vào việc tiết kiệm chi phí sản xuất.

Hỗ trợ từ Hiệp hội Cà phê ca cao và chỉ đạo từ Chính phủ

Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã chủ động trong việc liên kết các doanh nghiệp và hỗ trợ các nông dân trồng cà phê. Thông qua kênh thông tin của mình, VICOFA đã mang đến cho các doanh nghiệp nhiều thông tin về hoạt động xuất khẩu và thị trường xuất khẩu, đồng thời tư vấn cho nông dân về việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cà phê. Tháng 12 năm 2011, VICOFA đã thành lập Quỹ bảo hiểm cà phê nhằm hỗ trợ cho việc tái canh cà phê, hỗ trợ lãi suất vay vốn tạm trữ, và hỗ trợ hội viên kinh doanh thua lỗ, xúc tiến thương mại. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều đối với việc thành lập Quỹ bảo hiểm, nhưng VICOFA đang hướng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân khi thị trường có biến động, sản xuất bất lợi thông qua nguồn quỹ này.

Về phía Chính phủ, trong những năm qua, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành đã kịp thời cung cấp những chỉ đạo quan trọng nhằm định hướng xuất khẩu cho cà phê Việt Nam. Ngày 26 tháng 8 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định số 2635/QĐ-BNN-CB phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam đến 2015 và định hướng 2020” do Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối chủ trì soạn thảo. Năm 2009, Nhà nước đã quyết định dành vốn đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành cà phê đến năm 2015 khoảng 32.800 tỷ đồng. Cùng với việc ban hành liên tục những chính sách thích hợp để giải quyết các vấn đề tồn tại và hạn chế của

ngành cà phê Việt Nam và định hướng cho các doanh nghiệp trong ngành, Chính phủ cũng quan tâm đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở hạ tầng, và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mang lại sự phát triển

Một phần của tài liệu Xuất khẩu cà phê của VN sang thị trường anh (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(88 trang)
w