Đô-la hoá tiền gửi trong hệ thống ngân hàng

Một phần của tài liệu Tình trạng dollar hóa ở VN thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 50)

Tình trạng đô-la hoá được đánh giá thông qua các chỉ tiêu tiền gửi bằng ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán, hoặc tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ so với tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng. Cũng giống như một số nền kinh tế chuyển đổi hay những quốc gia đang phát triển khác, tiền gửi bằng đồng ngoại tệ đã và đang trở thành một đặc điểm quan trọng trong các hiện tượng tiền tệ ở Việt Nam. Đặc biệt, lượng tiền gửi ngoại tệ tăng lại gắn liền với sự tăng lên trong việc người dân sử dụng ngoại tệ như một phương tiện trao đổi (trong các giao dịch) hay như là nơi lưu trữ giá trị (cho mục đích đầu tư) và đây được xem như biểu hiện của hiện tượng đô-la hoá.

Có thể nói, dư âm của lạm phát cao trong giai đoạn cuối những năm 80 – đầu những năm 90 của thế kỷ XX vẫn còn đọng lại trong tâm trí của người

dân, thế nên những người đang sở hữu khoản tiết kiệm bằng USD sẽ không dại gì mà chuyển sang tiết kiệm bằng VND. Giá trị của đồng nội tệ giảm sút theo thời gian khiến cho người tiết kiệm khôn ngoan luôn chọn gửi tiết kiệm bằng USD. Thêm vào đó, lãi suất tiết kiệm USD tăng cao trong những năm từ 2000 – 2008 càng làm gia tăng tình trạng đô-la hoá tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Thời gian này, lợi tức trên 1 đồng USD gửi tại ngân hàng cao hơn nhiều so với lợi tức 1 đồng nội tệ đã làm thay đổi việc lựa chọn đồng tiền tiết kiệm.

Đô-la hoá không chỉ diễn ra ở khu vực tiền gửi tiết kiệm của dân cư mà còn diễn ra ở các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế xã hội tăng mạnh không phải do lãi suất huy động USD tăng cao vào những năm 2000. Bởi vì lãi suất tiền gửi USD mà ngân hàng trả cho các tổ chức kinh tế xã hội bị giới hạn bởi trần lãi suất quy định bởi NHNN (Theo quyết định số 309/1999/QD-NHNN quy định chi tiết trần lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế xã hội tại cái ngân hàng như sau: tiền gửi không kỳ hạn là 0,5%/1 năm, kỳ hạn 6 tháng trở xuống là 2,5%/1 năm, kỳ hạn trên 6 tháng là không quá 3%/1 năm).

Nguyên nhân chính làm tăng tiền gửi của các tổ chức kinh tế xã hội là do các doanh nghiệp, tổ chức có nguồn ngoại tệ chưa giải ngân cho các dự án tạm thời gửi tại ngân hàng hay ngoại tệ thu được từ xuất khẩu nhưng không bán ngay mà giữ lại do tỷ giá VND/USD ngày càng có xu hướng tăng cao. Như vậy lãi suất mà doanh nghiệp được hưởng sau khi điều chỉnh sự biến đổi tỷ giá sẽ hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm bằng VND. Còn trong trường hợp thiếu vốn VND thì doanh nghiệp sẽ đi vay của ngân hàng với lãi suất hấp dẫn vì sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc giành thị trường.

Bảng 6: Tỷ lệ tiền gửi bằng đồng USD trên tổng phương tiện thanh toán Năm Tỷ lệ % Năm Tỷ lệ % 1989 28,2 1999 26,1 1990 32,4 2000 26,9 1991 41,2 2001 31,7 1992 30,6 2002 28,4 1993 22,9 2003 23,6 1994 22,2 2004 24,3 1995 21,0 2005 23,0 1996 20,3 2006 21,6 1997 23,6 2007 19,6 1998 24,6 2008 20,4

Nguồn: IMF – Viet Nam Statistical Appendix 2007 , NHNN Việt Nam

Qua bảng trên chúng ta có thể thấy tỷ lệ đô-la hoá ở mức cao nhất vào những năm 90 của thế kỷ XX. Ngay sau đó, NHNN đã kịp thời can thiệp làm cho tỷ lệ này giảm xuống nhanh chóng, dao động ở 20% vào những năm tiếp theo. Nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998 đã đẩy tỷ lệ đô-la hoá ở nước ta lên mức cao, có thời điểm lên tới 31,7%. Nhà nước và các cơ quan chức năng rất quan tâm đến vấn đề chống đô-la hoá và đã có những chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm cải thiện tình hình. Do đó, tỷ lệ đô-la hoá trong những năm gần đây đang ổn định ở mức vừa phải.

Tuy nhiên về số lượng tiền gửi tuyệt đối bằng USD thì không ngừng tăng lên theo các năm. Năm 2003 mới chỉ là 6220 triệu USD, nhưng tính đến năm 2009 thì con số này đã là 18796 triệu USD. Con số này một mặt cho thấy tiềm lực nguồn vốn nhàn rỗi trong dân mà hệ thống ngân hàng có thể huy

động được cho việc đầu tư phát triển kinh tế, nhưng một mặt cũng là con số đáng báo động ở góc độ đô-la hoá.

Bảng 7: Khối lượng tiền gửi ngoại tệ (FCDs) trong hệ thống ngân hàng

Đơn vị: triệu USD

Năm 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009

FCDs 6220 8215 10027 12396 13992 14675 18796

Nguồn: IMF – Vietnam Statistical Appendix 2007 và NHNN Việt Nam

Đứng trước tình trạng đô-la hoá không có dấu hiệu suy giảm đáng kể, NHNN đã có biện pháp can thiệp bằng các chính sách tiền tệ. Sự can thiệp này đã phần nào ngăn chặn làn sóng tăng lãi suất huy động USD của các NHTM. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan là việc lãi suất USD trên thị trường thế giới đang giảm cũng tác động đến việc giảm thiểu tình trạng đô-la hoá trên thị trường.

Động thái đầu tiên của NHNN nhằm giảm thiểu tình trạng đô-la hoá đó là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ từ 5% lên 8% vào tháng 11/2000. Tuy nhiên sự can thiệp lần này chỉ tác động đến một số ngân hàng và mức giảm lãi suất cũng không đáng kể. Can thiệp lần thứ hai vào tháng 12/2000, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 8% lên 12% thực sự là một cú sốc lớn đối với các NHTM. Kết quả là các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động USD. Thêm vào đó, FED cắt giảm lãi suất 4 lần, xuống còn 4% trong vòng 4 tháng từ tháng 1/2001 đến tháng 4/2001 đã làm cho lãi suất USD hạ nhiệt. Vào tháng 4/2001, NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 12% lên tới 15%. Tại thời điểm này thì lãi suất huy động USD của các ngân hàng đã giảm mạnh, xuống còn 4,15 – 4,25%/năm.

Quyết định 1247/2005/QD-NHNN ban hành ngày 26/08/2005 về việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của các pháp nhân tại các TCTD. Cụ thể là: tiền gửi không kỳ hạn tối đa là 0,5%, tiền gửi có kỳ hạn đến 6

tháng tối đa là 1,2%, tiền gửi có kỳ hạn trên 6 tháng tối đa là 1,5%. Với mức lãi suất thấp kết hợp với tỷ giá tương đối ổn định đã khuyến khích các doanh nghiệp kết hối ngoại tệ nhiều hơn, giải toả lượng USD găm giữ trong dân, từ đó làm giảm tình trạng khan hiếm ngoại tệ.

Năm 2005, tổng phương tiện thanh toán tăng 23,43%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 30,39% của năm 2004. Trong đó tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán chủ yếu là do tăng trưởng tài sản có ngoại tệ ròng. Năm 2005 đạt mức tăng 28,22%, cao hơn nhiều so với mức tăng 10,99% của năm 2004 và mức 11,91% của năm 2003. Tỷ trọng tiền gửi bằng USD có xu hướng tăng nhẹ, chiếm 24,4%, năm 2004 là 23,61%, và năm 2003 là 23,89%. (Xem biểu đồ 1).

Năm 2006, tổng phương tiện thanh toán tăng 33,59%, đến năm 2007 tốc độ này đã là 46,12%. Nguyên nhân chủ yếu là do tài sản có ngoại tệ ròng và tài sản có trong nước ròng tăng mạnh. Về cơ cấu tổng phương tiện thanh toán, tỷ trọng tiền gửi bằng USD năm 2006 là 21,62% và giảm nhẹ xuống còn 19,18% vào năm 2007.

Biểu đồ 1: Tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2000 – 2005

Trong năm 2007, với vai trò là người can thiệp cuối cùng để ổn định thị trường, NHNN đã thực hiện mua bán USD với các NHTM để hỗ trợ nhu cầu về VND cũng như nhu cầu USD một cách kịp thời. Khi cung cầu trên thị thường biến động ảnh hưởng đến trạng thái ngoại tệ của các NHTM thì NHNN can thiệp bán ngoại tệ để cân bằng trạng thái, hạn chế rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của các NHTM. Nhờ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường trong năm 2007 tăng mạnh, NHNN đã mua được một khối lượng lớn ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, tạo tiềm lực và thế chủ động cho NHNN trong việc can thiệp thị trường và điều hành chính sách tiền tệ.

Năm 2007 cũng bắt đầu một thời kỳ tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới. Khởi đầu là cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp ở Mỹ, sau đó lan ra các nước khác và tạo thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này là nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Các nhà kinh tế cho rằng đây là đợt suy thoái nghiêm trọng nhất ở Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hàng loạt tổ chức tài chính phá sản, bao gồm cả những tổ chức tài chính khổng lồ và lâu đời đã đẩy Mỹ rơi vào tình trạng “đói tín dụng”, từ đó kéo theo tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng. Tiêu dùng giảm, hàng hoá ế thừa đã kéo mức giá chung của nền kinh tế giảm liên tục, đẩy Mỹ rơi vào tình trạng giảm phát. Cuộc khủng hoảng còn làm cho đồng USD lên giá. Vì USD là đồng tiền thanh toán chính trong các giao dịch quốc tế, nên các nhà đầu tư toàn cầu đã mua vào USD để nâng cao khả năng thanh khoản của mình, đẩy USD lên giá.

Năm 2008, mặc dù đối mặt với khủng hoảng kinh tế, lạm phát và sự suy yếu của đồng đô-la nhưng tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng phương tiện thanh toán vẫn chiếm 20,37%, tăng 1,19% so với năm 2007. Huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 27,74%, giảm nhẹ so với mức tăng 29,66% vào năm 2007.

Biểu đồ 2: Cơ cấu tiền gửi trong hệ thống ngân hàng từ 2004 - 2008

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2008, NHNN Việt Nam

Ngày 10/02/2010, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 03/2010/TT-NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng đô-la Mỹ của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng là 1%/năm. Hiện nay, lãi suất niêm yết cho tiền gửi bằng đô-la Mỹ tại các ngân hàng dao động trong khoảng 2,3% - 4%/năm đối với ngân hàng thương mại nhà nước và 3,3% - 4,5%/năm đối với ngân hàng thương mại cổ phần.

Những động thái trên của NHNN nhằm thực hiện mục tiêu bình ổn giá đô-la Mỹ, kéo giá đô-la Mỹ trong ngân hàng và thị trường chợ đen gần nhau hơn để giảm tình trạng ngoại tệ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, từ đó giúp NHNN dễ dàng hơn trong việc quản lý và thực thi các chính sách, giảm thiểu tình trạng đô-la hoá.

Việc quy định lãi suất tối đa bằng đô-la Mỹ đối với các tổ chức kinh tế cũng nhằm hạn chế việc các công ty thu được ngoại tệ nhưng không bán lại cho ngân hàng mà để trên tài khoản với hy vọng giá sẽ tăng. Việc găm giữ đã khiến cho các ngân hàng lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nguồn ngoại tệ để bán cho các doanh nghiệp có nhu cầu, gián tiếp đấy giá đô-la trên thị trường tự do lên cao.

Theo số liệu tính đến ngày 30-11-2009 của NHNN, số dư tiền gửi có kỳ hạn của các tập đoàn, tổng công ty lớn vào khoảng 1,2 tỷ USD và số dư tiền gửi không kỳ hạn là khoảng 700 triệu USD. Tổng lượng ngoại tệ trên tài khoản của các tổ chức, doanh nghiệp gửi ngân hàng vào khoảng 10,3 tỷ USD. Sau khi Chính phủ có yêu cầu buộc các tập đoàn kinh tế nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng thì hệ thống ngân hàng đã mua được 450 triệu USD tính đến đầu tháng 2/2010. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ, tính đến 31/03/2010 thì tổng phương tiện thanh toán ước tính tăng 1,02% so với cuối tháng 2 và tăng 2,3% so với cuối năm 2009. Lượng tiền gửi khách hàng tại các TCTD tăng 1,81% so với tháng trước và tăng 1,45% so với cuối năm 2009.

Trong khi tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng VND ba tháng đầu năm 2010 tăng vỏn vẹn 0,57% thì dư nợ ngoại tệ tăng tới 14,07%, một tốc độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm qua.

Nhưng điều đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng huy động vốn tiền đồng trong ba tháng đầu năm lại cao gấp 9 lần huy động ngoại tệ. Riêng tháng 3/2010 huy động VND tăng 2,04% và cao hơn mức 1,82% vào cuối năm ngoái. Nhưng tốc độ tăng trưởng huy động ngoại tệ trong tháng 3 chỉ tăng 1,02% và trung bình là 0,21% trong cả ba tháng đầu năm 2010.

Một phần của tài liệu Tình trạng dollar hóa ở VN thực trạng và giải pháp (Trang 43 - 50)