NHẬN XÉT VỀ THỰC TRẠNG HẠCH TOÁN NGUYÊN VẬT LIỆU

Một phần của tài liệu thực trạng công tác kế toán nguyên vật liệu tại công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xây lắp số 5 (Trang 74 - 77)

1 Những ưu điểm.

Cùng với sự lớn mạnh của Công ty, công tác kế toán nói chung, công tác kế toán NVL nói riêng đã không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. Về cơ bản, tổ chức công tác kế toán NVL ở Công ty CP VLXD và XL số 5 là phù hợp với quy mô sản xuất, đặc điểm tổ chức sản xuất và trình độ của cán bộ kế toán, cụ thể:

1.1 Công tác quản lý NVL nói chung của Công ty.

- Khâu lập kế hoạch và thu mua:

Công ty đã xây dựng và hoàn thiện tốt kế hoạch thu mua NVL, nhờ đó mà mặc dù khối lượng vật tư rất lớn, chủng loại đa dạng nhưng Công ty vẫn cung cấp đầy đủ cho sản xuất, đảm bảo cho quá trình sản xuất được tiếp tục, không bị gián đoạn, ngừng trệ. Với đội ngũ cán bộ tiếp liệu tương đối linh hoạt, am hiểu thị trường giá cả, Công ty đã thường xuyên ký hợp đồng mua NVL với những đơn vị có những nguồn hàng tốt, chất lượng cao, giá cả phù hợp.

- Khâu dự trữ, bảo quản:

Hàng năm, Công ty đều xây dựng được kế hoạch dự trữ NVL một cách cần thiết, hợp lý, vừa đảm bảo cho sản xuất liên tục không bị gián đoạn vừa tránh gây ứ đọng vốn. Trong các kho đều được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo quản, bảo vệ thích hợp đảm bảo cho vật liệu dự trữ phản ánh trung thực về mặt số lượng và giá trị sử dụng. Đội ngũ thủ kho và kế toán có tinh thần trách nhiệm nên việc tiếp nhận, cấp phát vật tư được tiến hành một cách thuận lợi. Vật liệu được phân kho một cách hợp lý giúp cho lãnh đạo nắm bắt được tình hình vật liệu một cách kịp thời, chính xác.

- Khâu sử dụng:

Mọi nhu cầu sử dụng NVL đều được bộ phận kế toán vật tư kiểm tra và có sự phê chuẩn của Giám đốc cũng như những bộ phận có liên quan khác đã đảm bảo cho NVL xuất ra được sử dụng đúng mục đích.

1.2 Công tác kế toán NVL.

- Về cơ cấu bộ máy kế toán:

Công ty đã có được một bộ máy kế toán với đội ngũ cán bộ kế toán có trình độ và chuyên môn cao, nhiệt tình, nhanh nhẹn và linh hoạt trong việc tiếp cận những thay đổi của cơ chế mới, tác phong làm việc khoa học, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong công việc.

- Về việc lập và luân chuyển chứng từ:

Việc lập và luân chuyển chứng từ hiện nay nói chung là hợp lý, không gây chồng chéo. Mẫu biểu của các loại chứng từ nói chung là rất khoa học, đáp ứng cho yêu cầu phản ánh, ghi chép thông tin.

- Phương pháp kế toán chi tiết:

Công ty áp dụng phương pháp sổ đối chiếu luân chuyển, tính giá thực tế vật liệu xuất kho theo phương pháp bình quân cả kỳ. Mặc dù nhược điểm của phương pháp này là công việc dồn vào cuối tháng nhưng việc áp dụng máy tính đã giải quyết được vấn đề trên. Các Phiếu nhập, xuất vật liệu được nhập vào máy tính hàng ngày, cuối tháng máy tính in ra các Bảng kê chi tiết, tổng hợp… để việc đối chiếu, kiểm tra được dễ dàng, thuận lợi.

- Về việc tổ chức hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo kế toán:

Công ty đã chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, áp dụng hình thức kế toán nhật ký chung theo hệ thống tài khoản thống nhất hiện hành. Công tác kế toán tổng hợp vật liệu được thực hiện theo phương pháp kê khai thường xuyên phù hợp với đặc điểm, quy mô sản xuất kinh doanh của Công ty.

- Về việc sử dụng phần mềm kế toán:

Với sự trợ giúp của phần mềm kế toán SAS INNOVS 6.0, mặc dù khối lượng nhập xuất và chủng loại NVL nhập xuất là khá nhiều nhưng Công ty vẫn đảm bảo

cung cấp khá đầy đủ các thông tin về tình hinh nhập-xuất-tồn của từng thứ, từng nhóm, từng loại NVL phục vụ yêu cầu quản lý NVL.

2 Những hạn chế.

Trong công tác kế toán NVL của Công ty CP VLXD và XL số 5 bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, còn có những hạn chế nhất định cần phải được xem xét lại nhằm cải tiến và hoàn thiện sao cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong điều kiện kinh tế hiện nay.

- Về việc lập danh điểm NVL:

Mặc dù Công ty có phân loại NVL nhưng trên thực tế việc phân loại như trên là chưa có một tiêu thức cụ thể và chưa thực sự tách bạch, gây nhiều khó khăn trong công tác kế toán. Hầu như Công ty chưa có sổ danh điểm vật tư chính thức, việc sử dụng tên gọi, ký hiệu của NVL chưa thống nhất, do đó đôi khi gây khó khăn trong việc đối chiếu, kiểm tra giữa kế toán và thủ kho. Điều này bộc lộ rất rõ đối với NVL là các loại máy móc thiết bị, do có rất nhiều chủng loại khác nhau nên với việc mã hóa như trước đây thì việc nhận diện, tìm kiếm là rất khó khăn.

- Về việc xuất kho vật tư:

Sau khi xuất kho nguyên vật liệu cho các phân xưởng sử dụng, cuối kỳ số lượng vật tư còn lại mà Công ty không lập Phiếu báo vật tư còn lại cuối kỳ. Điều này đã gây khó khăn cho việc tính giá thành sản phẩm và kiểm tra tình hình thực hiện định mức sử dụng vật tư.

- Về việc theo dõi khoản tạm ứng của nhân viên tiếp liệu:

Theo quy định, người nhận tạm ứng chỉ được tạm ứng lần sau khi đã thanh toán số đã tạm ứng lần trước và kế toán phải theo dõi chi tiết từng người tạm ứng, từng khoản tạm ứng, từng lần tạm ứng và thanh toán tạm ứng. Tuy nhiên, thực tế tại Công ty CP VLXD và XL số 5, kế toán không mở sổ theo dõi chi tiết từng khoản tạm ứng tương ứng với từng lần tạm ứng của nhân viên tiếp liệu.

- Về việc lập Bảng phân bổ nguyên liệu, vật liệu:

Hiện nay kế toán vật tư ở Công ty không tiến hành lập Bảng phân bổ nguyên liệu, vật liệu. Điều này làm giảm tính chính xác trong việc tính giá thành sản phẩm do không tính toán được lượng nguyên vật liệu xuất dùng cho các đối tượng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu thực trạng công tác kế toán nguyên vật liệu tại công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xây lắp số 5 (Trang 74 - 77)