Tác động của nhà nước đến quan hệ các lợi ích kinh tế

Một phần của tài liệu chuong 3 KTCT Chương 3 SẢN XUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ QUAN HỆ LỢI ÍCH TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG (Trang 35 - 36)

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước là một chủ thể kinh tế, có lợi ích riêng. Lợi ích kinh tế của nhà nước được thực hiện bằng việc thu thuế với các tổ chức và cá nhân. Nguồn thu từ thuế càng tăng, lợi ích nhà nước càng được bảo đảm. Do đó, nhà nước cũng có quan hệ lợi ích, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với các chủ thể khác. Nếu mức thuế tăng, lợi ích kinh tế nhà nước được thực hiện nhưng lợi ích của các chủ thể khác có thể bị tổn hại và ngược lại. Đồng thời, nhà nước còn là người đại diện cho lợi ích xã hội. Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích xã hội và lợi ích chính đáng của các chủ thể bằng các quy định pháp luật, hành chính, kinh tế…

Trên thị trường lao động, người lao động và người sử dụng lao động không phải khi nào cũng gặp được nhau. Nhà nước có thể hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức môi giới việc làm. Khi cung lao động vượt quá cầu lao động, nhà nước có thể hỗ trợ thị trường bằng việc kích cầu về lao động bằng việc mở rộng đầu tư cơng xây dựng các cơng trình kết cấu hạ tầng, thực hiện các chương trình giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… Trong dài hạn và trung hạn, nhà nước có thể tác động đến cung về lao động bằng các chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình; phát triển giáo dục, đào tạo nghề…

Ở các nước đang phát triển, cung lao động thường vượt cầu lao động nên người lao động thường ở vào thế yếu trong quan hệ với người sử dụng lao động và phải chấp nhận mức tiền lương rất thấp. Để bảo vệ lợi ích kinh tế người lao động, nhà nước thường đưa ra quy định mức tiền lương tối thiểu, cao hơn mức cân bằng trên thị trường. Nhà nước còn hỗ trợ người lao động bằng các quy định về ký kết các thỏa ước về hợp đồng lao động.

Để hỗ trợ, bảo vệ lợi ích kinh tế của những người sử dụng lao động, nhà nước có thể trợ giúp người sử dụng lao động về thông tin thị trường, xúc tiến đầu tư và xúc tiến bán hàng, hỗ trợ về thuế, lãi suất… Để hạn chế mâu thuẫn, xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhà nước còn đưa các quy định về đình cơng, bãi cơng, sa thải nhân công…

Trong cơ chế thị trường, những hiện tượng lừa đảo, gian lận, buôn lậu… diễn ra khá phổ biến. Để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, lợi ích người tiêu dùng và lợi ích đất nước, nhà nước phải sử dụng nhiều loại công cụ khác nhau, cả pháp luật và giáo dục; hành chính và kinh tế… Khi nền kinh tế tăng trưởng nóng hoặc trì trệ, suy giảm, vì lợi ích quốc gia và lợi ích kinh tế của các chủ thể, nhà nước phải can thiệp, điều tiết.

Do đó, người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể khác tuân thủ các quy định của nhà nước khi thực hiện các lợi ích kinh tế của mình chính là họ đã góp phần phát triển đất nước, thực hiện lợi ích xã hội.

Như vậy, trong cơ chế thị trường phương thức thực hiện các quan hệ lợi ích kinh tế là hợp tác và cạnh tranh, dưới sự tác động của các quy luật thị trường. Đồng thời, các quan hệ lợi ích cịn chịu sự tác động mạnh mẽ bởi sự can thiệp, điều tiết của nhà nước.

Một phần của tài liệu chuong 3 KTCT Chương 3 SẢN XUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ VÀ QUAN HỆ LỢI ÍCH TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG (Trang 35 - 36)