Quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà

Một phần của tài liệu tìm hiểu về công trình thủy điện thác bà huyện yên bình, tỉnh yên bái (Trang 25 - 29)

5. Kết cấu cu ̉a khóa luận

2.1.Quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà

Xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà là một quá trình lâu dài và khó khăn đối với đội ngũ cán bộ công nhân xây dựng Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô, mà những người xây dựng đầu tiên đến Thác Bà vào năm 1960 là những đơn vị bộ đội, phần đông thuộc Sư Đoàn 308 họ đã từ các quân khu 2, 3, 4 chuyển về, tập hợp nhau lại thành một trung đoàn, đi tiên phong trong các công trường xây dựng phá đá, mở đường, đào hố móng, ngăn sông đắp đập. Sau đó mới tuyển thêm các chàng trai, cô gái ở địa phương và ở khắp nơi trong đất nước đến bổ sung cho các công trường với tổng số hơn 8.000 người, trong số ấy còn có những kỹ sư, kỹ thuật viên mới rời ghế nhà trường và còn nữa hơn 100 chuyên gia Liên Xô từ khắp các nước cộng hòa đã đến đây với tình hữu nghị Quốc tế vô sản và những kinh nghiệm quý báu. Tất cả mọi người đều đem về công trường này sức trẻ đầy nhiệt huyết và những ước mơ kì thú sẵn sàng lao động, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng hi sinh cho một nhà máy tương lai đã được thể hiện trên mô hình thiết kế.

Theo dự tính công trường sẽ được hoàn thành trong khoảng bốn, năm năm. Nhưng nghiệt ngã thay từ bước đầu công trình đều phải thi công trên địa hình đồi núi phức tạp. “Thật khó mà tưởng tượng Thác Bà ngày ấy tấp nập nhộn nhịp đến nhường nào. Những đoàn xe gấu, xe bò tót chạy ầm ầm lao lên Thác Bà. Những khối sắt thép khổng lồ, những hòm đóng kín mít, những máy húc, máy đầm, máy khoan, máy bơm, máy gạt, cần cẩu tháp… ùn ùn theo các chuyến tàu hỏa chạy từ Hải Phòng – Hà Nội đổ về sân ga Yên Bái, rồi lại ngồi nghễu nghện trên lòng các loại xe lốp đặc, xe xích sắt chạy ào ào vào Thác Bà. Rừng núi hoang vu bỗng vang động hẳn lên bởi tiếng mìn phá đá, mở đường, tiếng xe chạy đan cài như mắc cửi, tiếng các loại máy thi nhau nổ giòn rã với các âm thanh hỗn loạn khác nhau xen lẫn với tiếng cười nói của người Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Hoa và các chuyên gia Liên Xô sang giúp chúng ta. Máy phát

điện chạy sình sình suốt ngày đêm, phục vụ các công trường. Mìn phá đá trên núi Mèn, bên đồi Hoàng thi ùng oàng vang vọng lại, đất đá văng lên trời lên núi rào rào. Đất thung lũng dưới eo núi Mèn, dưới eo đồi Hoàng Thi bị đào xới, bị cần cẩu ngoạm từng ngoạm lớn đưa lên ô tô chở đi đắp đập bỗng trở nên sâu hoắm, rộng hoác thành một cái hồ lớn, nước xanh leo lẻo, được gọi là Hồ Xanh. Những quả đồi bên này sông Chảy bị san bằng mấy bậc, dựng lên một loạt nhà nom như một dãy phố. Các quả núi bên kia sông Chảy được bóc đi 80 phân đất để lấp tịt các eo núi lại, đắp lên 19 cái đập phụ rồi mới tập trung đắp đến đập chính Thác Bà. Ngôi đền thờ Thánh Mẫu tạm thời bị rời đi, nhường choox cho máy khoan và các loại cơ giới khác đến ở, kịp phục vụ tức thì cho các công trường. Mé hạ lưu được dựng lên một nhà máy bê tông tự động, sản xxuaats tạ chỗ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xây dựng. Tại công trường đào hố móng thật vất vả, nhưng mọi người vẫn hì hục làm việc quần quật hối hả, không quản nắng mưa, thiếu thốn. Các cán bộ công trường, các chuyên gia kĩ sư Liên Xô và Việt Nam thường xuyên lui tới làm việc, kiểm tra, đo đạc, tính toán... Họ nhặt được cả những đồng tiền đúc nằm dưới hố móng rất có giá trị khảo cổ, nghiên cứu bộ mặt xâm lược của một triều đại phong kiến phương Bắc xa xưa đã đến đây và bị Thác Bà dìm chết dưới đáy sông Chảy ” [9, tr.50]. Công tác chuẩn bị ban đầu đến ba, bốn năm trời nằm gai nếm mật cũng gần như hoàn tất cho ngày khởi công công trình.

Cho đến ngày 19 tháng 8 năm 1964, ngày chính thức khởi công công trình, đó là một ngày đáng ghi nhớ. Phó Thủ Tướng Lê Thanh Nghị đã trịnh trọng đặt những đồng tiền mang hình Bác Hồ dưới nền móng công trình, tượng trưng cho thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời Phó Thủ Tướng đã là người đổ mẻ bê tông đầu tiên vào hố móng. Không như ở các công trình khác, ngày khởi công là ngày động thổ. Còn ở đây, người ta động thổ trước đó mấy năm với nhịp độ hối hả suốt đêm ngày. Từ ngày ấy những đoàn xe chở bê tông sắt thép đầy ắp nối đuôi nhau không dứt, rầm rập đi xuống cái hố móng sâu thẳm. Và từ đấy cần trục tháp cứ tầng nối tầng lại vội vã nhấc khỏi xe, đổ vào công trình từng khối, từng

khối, từng lớp, từng lớp. Công trình bê tông cứ lớn dần, cao dần. Giàn giáo cứ nối lên cao mãi.

Trong quá trình thi công, ngay từ năm 1964 máy bay Mỹ đã nhiều lần xâm phạm vùng trời Yên Bình để tiến hành do thám và rải truyền đơn gây ra chiến tranh tâm lý. Huyện Yên Bình – nơi đang xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà, một trong những công trình lớn nhất của miền bắc nước ta, vì thế là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Ngày 9/7/1965, máy bay địch ném bom một số nơi của huyện, mở đầu thời kỳ chúng đánh phá ác liệt địa phương. Địch không những tập trung đánh phá công trường Thủy điện Thác Bà, việc vận chuyển trang thiết bị cho công trình, các đơn vị phòng không của quân ta mà còn mở rộng đánh phá các vùng thượng huyện hẻo lánh. Từ ngày 21/10/1965, phạm vi đánh phá của địch ngày càng mở rộng và ác liệt nhất là trong 2 năm 1966 – 1967. Trong 3 năm (10/1965 – 9/1968), máy bay Mỹ đã 77 lần bắn tên lửa không đối đất, pháo 20 ly và bom các loại cỡ nhỏ như bom bi, đến các loại bom phá hàng nghìn kg xuống 18 xã của huyện Yên Bình. Có thời gian máy bay địch hoạt động cả ngày lẫn đêm. Những hành động tàn bạo của kẻ thù không làm Đảng bộ và đồng bào các dân tộc địa phương nao núng mà chỉ càng tăng thêmlòng căm thù đối với bọn cướp nước. “Ngày 8 tháng 7 và ngày 21 tháng 7 năm 1966, từng đoàn, từng lũ máy bay Mỹ đã kéo đến đây, chúng chia bầy, chia tốp rải bom trên khắp các công trường trải dài ba, bốn cây số. Khói bom trùm kín công trường, hố bom khoan sâu vào tất cả những gì mà ta đang xây dựng, mảnh bom xé nát tất cả… chúng muốn hủy diệt công trường, hủy diệt sự sống. Gần 100 cán bộ công nhân viên đang làm việc trên giàn giáo trên công trường đã anh dũng hy sinh. Máu của các anh, các chị đã chảy tràn trên hố móng và thấm vào từng khối bê tông. Đau thương và căm thù đã tiếp thêm sức chiến đấu cho ta. Công trường vẫn sống vẫn làm việc. Người đi đắp đập, người nổ mìn phá đá, người đi làm sân bay đánh Mỹ…”.[9, tr.8]

Vào tháng 9 năm 1966, đội ngũ chuyên gia Liên Xô tạm nghỉ về nước để đảm bảo an toàn, các máy móc thiết bị được tháo rỡ đem đi sơ tán an toàn, công trình tạm ngừng thi công do Mỹ ném bom phá hủy hết sức tàn bạo. Từ những

năm 1968 đến tháng 8/1969, công trường sau một thời gian ngừng trệ xây dựng đã hoạt động trở lại do Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Không khí xây dựng trên công trường lại trở nên gấp gáp hơn, thúc bách hơn. Ta vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải giành giật từng phút với thời gian để nhanh chóng lấp sông phát điện. Người công nhân xây dựng hầu như không có một phút rảnh rỗi. Họ ăn ngủ ngay trên công trường, trên giàn giáo.

Sau một năm rưỡi thi công trở lại, rồi ngày hội lấp sông đã đến, ngày 22/02/1970 lễ ngăn sông Chảy được tiến hành, tham dự có Phó Thủ Tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ năng lượng và điện khí hóa Liên Xô cùng hàng ngàn nhân dân các dân tộc quanh vùng đến chứng kiến lễ ngăn sông. Và Phó Thủ Tướng Lê Thanh Nghị đã là người thả viên đá lấp sông đầu tiên. Rồi những đoàn xe Gấu, xe Bò Tót nối đuôi nhau trút ào ào những tảng bê tông khổng lồ xuống chặn đứng dòng thác dữ bắt chúng phải đổi dòng chỉ trong vòng một giờ hai lăm phút.

Công tác chuẩn bị cho công trường kéo dài trong nhiều năm, nhưng cuộc tổng tiến công lấp sông, nắn dòng chỉ hơn một giờ đã giành thắng lợi. Hàng chục nghìn tấn máy đủ các cỡ, các loại cũng vội vã chuyển về đây, lắp đặt cẩn thận, nhanh chóng để chạy cho kịp với tiến độ, với thời gian.

Ý tưởng đúng đắn của Đảng và nhà nước ta về việc xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên ở Thác Bà, đó là ý nguyện, ước mơ của toàn nhân dân, đồng thời cũng là sự thách thức với thời đại. Mặc dù đất nước ta còn nghèo nhưng đã dám chấp nhận làm việc lớn, với những nỗi nhọc nhằn, gian khổ, hy sinh của cán bộ công nhân viên xây dựng, suốt mười năm ròng rã đổ mồ hôi, nước mắt, xương máu và hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho công trường. Và những hy sinh không gì bù đắp được của hơn ba vạn dân Yên Bình để có một Thác Bà lừng lẫy chiến công. Bằng ý chí và lòng quyết tâm của nhân dân, nhà máy Thủy điện Thác Bà cứ thế lớn dần lên từ những ngôi nhà do chính tay mình xây dựng lên, từ cây tre nứa để tôn tạo ngôi nhà cho đủ chỗ ở, chỗ làm việc cho gần 100 người. Chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng hơn một năm làm công việc chuẩn bị sản xuất, chia việc cho nhau vừa làm, vừa học, vừa giám sát thi công, tham

gia nghiệm thu từng hạng mục công trình, vừa lo xây dựng cơ sở vật chất. Ta chưa có chuyên gia, tự đào tạo cho nhau, tự soạn thảo quy trình vận hành, tự căn in bản vẽ. Ở đây, ngoài vài ba người được đi học tại nước ngoài về, chưa qua thực tế sản xuất, còn số đông là những cán bộ kỹ thuật từ các nhà máy nhiệt điện đến, họ đã được rèn luyện qua thực tế sản xuất và trải qua nhiều trận thử lửa với bom đạn ở Uông Bí, Thanh Hóa, Việt Trì…nhưng họ còn hiểu biết ít nhiều về nhà máy thủy điện. Tất cả cộng lại là một sức mạnh: thông minh, dũng cảm, sáng tạo và tự chủ. Họ gắng sức làm việc, đèn đêm thâu để làm việc cho kịp tiến độ chạy máy. Họ mong đợi nhưng không trông chờ vào sự chi viện. Họ có sẵn cả một kế hoạch và một phương án để sẵn sàng vào ca, vào kíp, sẵn sàng tiếp nhận, vận hành nhà máy.

Nhờ bước đi đúng đắn của Đảng và nhà nước, nhờ sự miệt mài, quyết tâm và cả sự hy sinh cao cả của công nhân xây dựng nhà máy, tất cả mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng. Và ngày mùng 5 tháng 10 năm 1971 được chọn là ngày ra đời của nhà máy thủy điện Thác Bà. Bởi vì, ngày lịch sử đó chính là cuộc giao ban đầu tiên của những người xây dựng cho nhà máy, cũng chính ngày đó nhà máy bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia.

Một phần của tài liệu tìm hiểu về công trình thủy điện thác bà huyện yên bình, tỉnh yên bái (Trang 25 - 29)