Hàng loạt các nghiên cứu bệnh chứng đã cho thấy mối liên quan giữa ung thư phổi và thói quen hút thuốc. Từ lâu, hút thuốc đã được khẳng định là một trong những nguyên nhân chính gây nên UTP. Hút thuốc càng lâu, càng nhiều, càng sớm thì nguy cơ mắc UTP càng cao [19], [53].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phần lớn bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá (56/91), chiếm 61,5%. (bảng 3.2) Kết quả này khá tương đồng so với nghiên cứu của Nguyễn Hải Anh và cs trên 873 bệnh nhân ung thư phổi có 53,1% có hút thuốc [3]. Tỷ lệ này không khác so với các nghiên cứu của các tác giả trong nước từ 70-80% nhưng thấp hơn so với các tác giả nước ngoài có thể do tỷ lệ nữ hút thuốc ở nước ta thấp hơn. Nghiên cứu của chúng tôi cũng tìm ra được sự khác biệt trong thói quen hút thuốc giữa bệnh nhân nam và nữ, nam giới hút thuốc lá chiếm tới 89,9% trong khi đó hút thuốc lá ở nữ chỉ có 9,4%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05. Tương tự như vậy, nghiên cứu của Trần Nguyên Phú ghi nhận 1/14 BN nữ hút thuốc (7,1%) [42]. Trong khi đó, nghiên cứu của Sekine I. và CS trên 3312 BN UTP tại Nhật Bản ghi nhận 367/943 BN nữ (38,9%) trong tiền sử hoặc hiện tại có hút thuốc [54]. Như vậy, thói quen hút thuốc là khác nhau giữa hai giới. Điều này phần nào giải thích tại sao tỷ lệ UTP cao hơn ở nam
giới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, ở đây mới chỉ xét đến vấn đề hút thuốc lá chủ động.
Trong 56 bệnh nhân có hút thuốc lá, có tới hơn một nửa (25 bệnh nhân) hút dưới 20 bao/năm và 30 bệnh nhân hút trên 20 bao/năm. Số bệnh nhân hút trên 10 bao/năm là rất ít, chỉ có 6 bệnh nhân. Kết quả này khác với nghiên cứu của Ngô Quý Châu là đa số bệnh nhân ung thư phổi hút thuốc ở mức độ trên 10 bao/năm, chiếm 58,8% [55].