Nhìn chung, có thể chia làm 3 nhóm
1.4.2.1. Các kỹ thuật nhỏ:
- Kỹ thuật Brown: giải phóng các chỗ bám của cơ hoành và các tổ chức liên kết ở mặt sau dưới xương ức. Chủ yếu áp dụng ở trẻ còn bú. Ngày nay hầu như không sử dụng nữa vì ít tác dụng.
- Tạo hình cơ thẳng to cho trẻ còn bú theo kỹ thuật của Garnier.
- Phẫu thuật làm đầy chảo ức bằng tiêm dưới da và tạo khuôn bằng Silastic.
1.4.2.2. Các phẫu thuật can thiệp lớn vào thành ngực (tạo hình sụn - ức):
Đây là các phẫu thuật can thiệp lớn vào thành ngực trước với gây mê nội khí quản. Nhìn chung có hạn chế là tạo ra sẹo mổ dài, thời gian phẫu thuật lâu, lượng máu mất trong mổ đáng kể, hậu phẫu nặng nề và phẫu thuật viên cần nhiều kinh nghiệm.
• Phẫu thuật Ravitch cải tiến:
- Chỉ định: thường cho những trẻ trên 6 tuổi. - Kỹ thuật:
Rạch da dọc mặt trước hoặc ngang xương ức, phẫu tích nâng toàn bộ vạt cơ – da hai bên khỏi chỗ bám trên xương ức và mảng sườn sụn, cắt bỏ sụn sườn dưới màng sụn hai bên, khâu lại màng sụn, cắt bỏ mũi ức, phẫu tích nâng xương ức lên khỏi tổ chức bám xung quanh và phía sau, cắt ngang xương ức, đặt thanh đỡ phía sau xương ức và cố định thanh đỡ, đặt dẫn lưu màng phổi và sau xương ức (nếu cần), khâu phục hồi xương ức bằng chỉ thép, phục hồi thành ngực theo lớp giải phẫu. Thanh đỡ sẽ được phẫu thuật (với gây mê) gỡ bỏ ra sau 2-3 năm.
- Kết quả tốt chiếm tới 98%. Hầu như không có tử vong.
- Biến chứng có thể gặp: Chảy máu trong và sau mổ. Tràn máu, tràn khí màng phổi. Nhiễm trùng vết mổ. Nhiễm trùng xương ức. Di lệch thanh đỡ. Đau sau mổ. Sẹo lồi, lồi xương hoặc sụn xấu, mất cân đối. Lồng ngực lõm tái phát, hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.
Ảnh 1.11 Phẫu thuật Ravitch
• Phương pháp Bruner:
- Chỉ định: cũng như phương pháp Ravitch. - Kỹ thuật:
Rạch da dọc mặt trước xương ức, phẫu tích nâng vạt da và tổ chức dưới da hai bên lên, cắt rời các sụn sườn dưới màng sụn hai bên ngực tại nơi tiếp giáp giữa sụn và xương sườn, xẻ xương ức hình chữ T, đặt thanh đỡ kim loại (Kirschner) sau xương ức xuyên từ ngực phải sang ngực trái, đặt dẫn lưu màng phổi và sau xương ức (nếu cần), khâu phục hồi xương ức bằng chỉ thép, cố định thanh đỡ, đóng vết mổ theo các lớp giải phẫu. Thanh đỡ được rút ra sau 3-6 tháng và chỉ cần gây tê tại chỗ.
- Kết quả tốt chiếm tới 98%. Hầu như không có tử vong. - Biến chứng: tương tự như trong phương pháp Ravitch.
Các bước chính trong phẫu thuật theo phương pháp Bruner
B1: Rạch da- tạo vạt da B2: Cắt sụn sườn B3: Xẻ xương ức hình chữ T
B4: Giải phóng mặt sau x.ức B5: Đặt thanh đỡ B6: Đặt dẫn lưu, đóng x.ức
Ảnh 1.12 Phẫu thuật Bruner
• Phương pháp Ravitch kinh điển:
Rạch da dọc hoặc ngang xương ức, giải phóng chỗ bám của các cơ thành ngực trước khỏi xương ức và sườn sụn, cắt ngang toàn bộ các xương
sườn sụn quanh chỗ lõm ở hai bên ngực và ngang xương ức chỗ bắt đầu lõm, giải phóng các dây chằng bám sau xương ức, lật ngược tấm lõm và khâu cố định các đầu sườn lại, phục hồi vết mổ theo giải phẫu.
Đây là một phẫu thuật lớn và tác động nhiều đến cấu trúc và chức năng của thành ngực trước, nó cũng có biến chứng trong và sau mổ, hậu phẫu nặng nề, thời gian thở máy kéo dài hơn các phương pháp khác, đồng thời có nguy cơ hạn chế phát triển thành ngực sau này. Vì vậy ngày nay trên thế giới hầu như không còn sử dụng phương pháp này nữa.