Mặt điều khiển MPLS TE có các yêu cầu về các kết nối chéo và các thành phần khác của hệ thống. Những yêu cầu này nảy sinh từ các khái niệm mới trong kỹ thuật lưu lượng IP truyền thống. Từ đó, nó sẽ xây dựng một khung làm việc cho mô hình mặt điều khiển MPLS TE. Mô hình này gồm:
♦ Tìm kiếm tài nguyên bằng cách sử dụng các giao thức như giao thức trong cổng IGP.
♦ Trao đổi thông tin về trạng thái mạng (cấu trúc, các tài nguyên còn khả năng phục vụ được).
♦ Tính toán đường truyền để có các quyết định định tuyến.
♦ Quản lý tuyến. Nó sẽ thực hiện các hoạt động như: đặt lại đường truyền, bảo dưỡng, phân phối nhãn…
Xây dựng mặt điều khiển dưới dạng module sẽ tăng cường hiệu quả của mạng. Mặt điều khiển MPLS sẽ chạy bằng cách sử dụng các module để thực hiện các hoạt động trên.
Trong thực tế, nó có thể là mặt điều khiển tích hợp. Các thành phần như: OXC, LSR sẽ có một mặt điều khiển thống nhất. Mặt điều khiển MPLS TE phải đặc biệt phù hợp với các OXC. OXC sử dụng mặt điều khiển này sẽ là một thiết bị có địa chỉ IP. Vì thế, kiến trúc mới cho mặt điều khiển MPLS đã ra đời.
4.7. GMPLS và mạng chuyển mạch quang tự động (ASON) – Hai mô hình cho mảng điều khiển quang tích hợp với công nghệ IP.
Do sự phát triển nhanh của công nghệ quang, đặc biệt là việc hình thành mạng quang chuyển mạch tự động (ASON) dựa trên khả năng định tuyến bước sóng (hiện tại) và chuyển mạch chùm quang và gói quang (tương lai) của những phần tử mạng quang như OADM và OXC nên việc khai thác hiệu quả băng tần mạng trở thành vấn đề cấp thiết. Dựa trên ý tưởng của công nghệ chuyển mạch nhãn (MPLS) người ta tiếp tục phát triển nó hướng tới một công nghệ hoàn thiện hơn trong tương lai, trong đó kết hợp với việc quản lý và phân bổ tài nguyên của lớp mạng quang, đó là công nghệ GMPLS. Tuy nhiên khác với MPLS gồm cả mảng số liệu và điều khiển, GMPLS chỉ thuần tuý là mảng điều khiển.
Phần tiếp theo trình bày sơ lược về hai khái niệm trên.