Sự gia tăng tỉ lệ người cao tuổi trong cộng đồng

Một phần của tài liệu mô tả đặc điểm lâm sàng ung thư phổi ở bệnh nhân cao tuổi (Trang 25 - 26)

Cùng với việc gia tăng tuổi thọ, số NCT đang tăng lên nhanh chóng. Xu hướng già hóa dân số đã đụng chạm đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 1950, toàn thế giới mới chỉ có 214 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 8,5% dân số, nhưng đến những năm 2000, con số NCT đã tăng lên đến 580 triệu. Trong khi tỷ lệ phát triển dân số toàn cầu đang giảm dần thì tỷ lệ phát triển của NCT hằng năm tiếp tục tăng, từ 2,3%/ năm (giai đoạn 1995 đến 2005) . Với mức tăng này, trung bình mỗi tháng lại có thêm 750.000 người bước vào tuổi già và dự đoán đến năm 2020, thế giới có khoảng 1 tỷ NCT [20]. Tốc độ tăng dân số NCT cũng không đồng đều giữa các quốc gia. Ở Hoa Kỳ, năm 1900 NCT chỉ chiếm 4,1% dân số (với 2,5 triệu người) nhưng đến năm 1985 đã tăng lên 12% (28,5 triệu người) và dự báo đến năm 2020 NCT có thể chiếm tới 24,6% dân số (khoảng 65 triệu người [10]. Tương tự, ở Anh, tỷ lệ người cao tuổi cũng tăng từ 8% (năm 1901) lên tới 20% vào năm 1998 [28]. Riêng ở các nước châu Á, số lượng NCT đã tăng lên gấp đôi trong vòng hai mươi năm từ năm 1980 đến năm

2000 và dự đoán đến năm 2005 sẽ tăng lên gấp đôi thêm một lần nữa. Trong vòng năm mươi năm tới ( 1975 đến 2025) NCT ở các nước phát triển sẽ chỉ tăng 89% còn ở các nước đang phát triển sẽ tăng đến 347%, khi đó ba phần tư số NCT trên toàn thế giới sẽ sống tại các nước kinh tế thấp [20].

Ở Việt Nam, dân số đang biến đổi theo mô hình của một nước đang phát triển. Số lượng người cao tuổi (NCT) tăng khá nhanh từ 1989 trở lại đây. Năm 1950, cả nước ta mới chỉ có 1,95 triệu NCT, chiếm 6,5% dân số); năm 1989 đã tăng lên 4,63 triệu (chiếm 7,2% dân số) và năm 1999 là 6,12 triệu (chiếm 8,1% dân số) [10],[14],[21]. Trong 2 thập kỷ vừa qua, số trẻ em sinh ra hằng năm có xu hướng đang giảm dần và số lượng NCT vẫn gia tăng đều đặn. Từ năm 1989 đến năm 1999 trung bình mỗi năm dân số chỉ tăng 2% nhưng NCT tăng đến 5%. Áp lực dân số NCT ở nước ta sẽ ngày càng gay gắt hơn và dự đoán đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 12,3 triệu NCT, chiếm khoảng 10% dân số. Nước ta sẽ chuyển dịch dần cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già [10]. Sự thay đổi cơ cấu dân số này sẽ dẫn tới sự thay đổi mô hình bệnh tật.

Một phần của tài liệu mô tả đặc điểm lâm sàng ung thư phổi ở bệnh nhân cao tuổi (Trang 25 - 26)