Hình 3.6: Kết quả phân hủy dầu DO của 5 chủng vi khuẩn sau 5 ngày
K: Mẫu đối chứng không có vi sinh vật B4, B5, B6, B8, B13: Chủng vi khuẩn
Bằng cảm quan ta nhận thấy màu sắc của môi trường nuôi cấy đã thay đổi so với mẫu đối chứng không có vi sinh vật (mẫu K) và biofilm đã hình thành một lớp váng trên bề mặt ở mỗi mẫu. Do vậy có thể phần nào khẳng định được các chủng nghiên cứu đều có khả năng phân hủy dầu. Chúng tôi đã tiến hành gửi các mẫu đi phân tích ở Viện Hóa công nghiệp để có thể đánh giá chính xác khả năng phân hủy dầu DO của biofilm các chủng vi khuẩn. Bằng phương pháp phân tích khối lượng, kết quả cho thấy: 2 chủng B8 và B4 phân hủy dầu DO tốt nhất. Đối với chủng B8 sau 5 ngày nuôi tĩnh, lượng dầu còn lại là 1866 mg/l giảm 1344 mg/l so với mẫu đối chứng (3210 mg/l) và chủng B4 lượng dầu còn lại là 1788 mg/l giảm 1422 mg/l so với mẫu đối chứng (3210 mg/l). Từ đó chúng tôi đã tính toán được lượng dầu do B8 sử dụng là 42% và B4 sử dụng là 44%.
Từ các kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi đã chọn ra được chủng B8 là chủng có khả năng tạo biofilm và phân hủy dầu DO tốt nhất để phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo.
3.3 Phân loại phân tử dựa trên việc xác định trình tự đoạn gene mã hóa 16S rRNA của chủng vi khuẩn B8
3.3.1 Tách chiết DNA tổng số của vi khuẩn
Tách chiết và làm sạch DNA tổng số vi khuẩn là khâu quan trọng nhất vì chất lượng của DNA sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả các thí nghiệm tiếp theo. DNA của chủng vi khuẩn B8 được tách chiết theo mô tả của Sambrook và Russel (2001). DNA tổng số sau khi tách được điện di kiểm tra trên gel agarose 1% phổ điện di thu được thể hiện trên hình 3.7 (A)