Trong lĩnh vực thu hồi đất hiện nay có 2 cơ chế thực hiện gồm :
- Cơ chế Nhà nước thu hồi đất áp dụng đối với các trường hợp sau:
Thứ nhất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (quy định tại điều 39 Luật Đất đai 2003). Cụ thể thu hồi đất trong các trường hợp: Sử dụng đất vì mục đích an ninh, quốc phòng; sử
dụng đất để xây dựng trụ sở cơ quan, các công trình được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; đất dùng để xây dựng trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; sử dụng đất phát triển khu đô thị và khu dân cư nông thôn; sử dụng đất phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; sử dụng đất vào nghĩa trang, nghĩa địa; sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo;
Điều 40 khoản 1 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Nhà nước thực hiện việc
thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này.”
Trường hợp thứ nhất, Nhà nước thực hiện cơ chế hành chính từ khi ra quyết định thu hồi và triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người sử dụng đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất, được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước. Trường hợp nào không tuân thủ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Thứ hai, theo cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
Dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003.
Điều 40 khoản 2 quy định: “Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.”
Tại Điều 40 Nghị định số 84/2007 của Chính phủ quy định: các dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng nhà đầu tư đề nghị và UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho thực hiện theo phương thức tự thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Theo quy định Luật Đất đai năm 2003 cơ chế thu hồi đất đã góp phần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Luật Đất đai năm 1993 chỉ theo cơ chế thu hồi đất bắt buộc. Việc Luật Đất đai 2003 cho phép thực hiện cơ chế thỏa thuận để nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã thể hiện những ưu điểm sau đây: Khi đạt được sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất thì cơ chế thực hiện thời gian ngăn hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động quỹ đất thực hiện dự án, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, hạn chế khiếu kiện; tăng quyền lợi của người dân khi phải nhượng quyền cho dự án. Trên cơ cở giải quyết tốt bài toán chia sẻ lợi ích, tạo ra sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Khi thực hiện cơ chế này các nhà đầu tư và người đang sử dụng đất có liên quan đất cơ quan công chứng và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm giảm đáng kể chi phí, khắc phục được tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền của bộ máy cơ quan hành chính, loại bỏ được các nhà đầu tư đưa ra dự án nhằm mục đích chiếm đất chờ giá tăng lên để chuyển nhượng.