6. Cấu trúc của luận văn
2.2. Ứng xử trong dòng họ
Trong tổ chức xã hội của bản (nay gọi là thôn), người Tày trước kia và hiện nay sự liên kết địa vực cư trú là nổi bật hơn cả. Tuy vậy, các mối quan hệ huyết thống với sự hiện diện của các dòng họ trong bản vẫn còn tồn tại đậm nét. Các dòng họ là sợi dây liên hệ vượt qua khỏi phạm vi của bản để liên kết, thắt chặt quan hệ dòng tộc, tạo nên sự cố kết chặt chẽ để bảo tồn dân tộc.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Dòng họ là tập thể của những người đang sống (cả những người đã chết) liên kết với nhau bằng quan hệ dòng máu và có chung một thuỷ tổ. Đây cũng coi như một dạng của gia đình mở rộng nhằm tạo cho các thành viên mối cộng cảm về huyết thống. Nói như vậy thực tế trên đất nước ta, không phải tất cả mọi tộc người Việt Nam đều tổ chức dòng họ giống nhau. Ví dụ như: Người Mường ở tỉnh Hòa Bình chỉ có một họ Bùi trừ các họ nhà Lang( Đinh, Quách, Bạch, Hà) những dòng họ này không những chỉ mang tính huyết thống mà còn mang tính giai cấp; người Vân Kiều mãi sau cách mạng tháng Tám 1945 mới có họ cụ thể là họ Hồ; người Khơ Me được mang 5 họ: Thạch, Lâm, Sơn, Huỳnh…[19, tr 365].
Tại huyện Nà Hang tỉnh Tuyên Quang qua khảo sát chúng tôi thấy có các họ: Ma, Nông, Quan, Chẩu, Hỏa..., đặc biệt họ Ma Doãn là họ thổ ty nổi tiếng ở vùng này, có nhiều người làm quan dưới chế độ phong kiến. Trưởng tộc trong dòng họ Ma Doãn ngoài vai trò là chủ trì các nghi lễ như ma chay, cưới xin, chứng kiến việc chia gia tài…còn được hưởng một số ruộng hương hỏa và chịu trách nhiệm cúng giỗ tổ tiên chung cho cả dòng họ. Tại xã Thượng Lâm huyện Nà Hang 70% họ Chẩu sống tập trung ở thôn Nà Lung; 78% họ Hỏa sống ở thôn Nà Tông: 80% họ Quan sống ở bản Bô. Mỗi dòng họ đều có thể chế của nó. Đó là những quy định về cách ứng xử giữa con người với con người, trước hết là ở những công việc chung, ứng xử trong hôn lễ, trong tang ma, các nghi thức thờ cúng tổ tiên. Thông thường mỗi bản có 1, 2 họ trở lên, đồng bào rất yêu quý những người cùng họ. Ngạn ngữ Tày có câu: “tồng slình slam phăn săm” (đã cùng họ, thân thuộc đến ba phần mười).
Mỗi dòng họ bao gồm nhiều tông tộc. Mỗi tông tộc thường cùng cư trú trong một thôn, bản và cũng như khi ở nhiều nơi của một xã hay khác cả huyện nữa. Mỗi tông tộc thường có truyền thuyết về nguồn gốc, về lịch sử hay tộc phả chung hoặc một mộ tổ chung. Quan hệ giữa các thành viên trong tông tộc khá
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
chặt chẽ. Hầu hết các thành viên mỗi khi gặp chuyện tang ma, cưới hỏi thờ cúng tổ tiên và mở rộng ra là cuộc sống hàng ngày như việc làm, học hành, thi cử, bệnh tật... của từng gia đình, đều được họ hàng quan tâm giúp đỡ.
Như vậy, quan hệ dòng họ là điểm tựa thường xuyên của cuộc sống con người. Mối cộng cảm đó được duy trì, củng cố và tăng cường bởi các yếu tố: truyền thống tổ chức gồm trưởng họ (tộc trưởng, chi trưởng); một hình thái thờ cúng tổ họ gồm nhà thờ họ hay từ đường và ngày giỗ chạp một họ, cùng cơ sở kinh tế để nuôi dưỡng việc thờ phụng đó là ruộng hay quỹ họ. Đứng đầu tông tộc là một tộc trưởng vốn là người già nhất trong ngành trưởng, ông được các thành viên trong tông tộc coi trọng. Vai trò của tộc trưởng vô cùng quan trọng: dàn xếp xích mích trong nội bộ, tổ chức giúp đỡ các gia đình khi gặp khó khăn, nhiều khi còn được mời đến chủ trì các nghi lễ, ma chay cưới xin, chứng kiến việc chia tài sản trong các gia đình thành viên.
Trong xã hội người Tày ở Nà Hang cũng có họ nội, họ ngoại và họ bên vợ, trong đó họ nội là quan trọng nhất, vai trò của họ ngoại thể hiện ở vai trò của ông cậu nhưng không đậm nét lắm. Tổ chức dòng họ của người Tày về hình thức không quy củ và có phần mờ nhạt so với dòng họ của người Việt, nhưng mối liên hệ bền chặt giữa những người cùng dòng máu vẫn được duy trì. Vai trò của họ ngoại chỉ tồn tại trong một số nghi lễ cổ truyền. Trong lễ mừng nhà mới, cúng mụ... Theo luân thường thì người trong họ nội không được lấy nhau. Nếu có tình vi phạm thì sẽ bị coi như là loạn luân và bị phạt rất nặng: phải mổ lợn làm lễ tạ tội trước bàn thờ thần linh, buộc phải hủy bỏ việc kết hôn, còn về họ ngoại thì con cô, con cậu không được kết hôn với nhau nhưng đến đời cháu (đến đời thứ 3) trở đi thì có thể kết hôn được.
Trong ứng xử giữa những người trong họ thì quan hệ tôn ti trật tự rất được coi trọng. Sự tôn ti ấy thể hiện rõ ràng từ việc xưng hô đến thái độ giao tiếp, bụng dạ đối xử. Những người thuộc hàng em phải tự xưng em và gọi những người ở
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
hàng anh là anh mãi mãi, từ trẻ đến già dù cả hai bên đều đó trở thành ông bà nội, ông bà ngoại, dù ở trong gia đình hay ở ngoài xã hội trước đám đông. Những người cháu họ dù có hơn tuổi chú họ, bác họ đến chục tuổi cũng tự xưng là cháu, đối với ông chú ông bác rất lễ độ nghiêm chỉnh. Người bố người mẹ tự xưng bố mẹ đối với các con, và ngược lại con cái cũng tự xưng là con đối với bố mẹ. Trong quan hệ bình thường, không bao giờ bố mẹ xưng tao với con cái (kể cả với các cháu đích tôn nội, ngoại và đối với những cháu trẻ nhỏ hàng xóm trong làng). Tất nhiên, con cái kể cả con cháu không bao giờ được phép xưng tao với bố mẹ, ông bà. Đây là đặc điểm khác biệt của người Tày đối với các dân tộc anh em khác cùng sống xen kẽ. Chẳng hạn như: Ở tộc người H’Mông họ không phân biệt, tuổi tác, địa vị, thứ bậc đều xưng hô bằng “mày”, “tao’’.
Trong việc cư xử của người Tày gần như đã có quy định hẳn hoi, anh ra anh, em ra em, chị ra chị, cháu chú ra cháu chú. Người hàng dưới và người hàng trên tôn trọng nhau như khách. Dù trong cuộc trò chuyện vui cười, sự quan hệ tôn ti trật tự này luôn luôn được coi trọng trong khuôn khổ, phép tắc.
Quan hệ họ hàng được đồng bào Tày rất coi trọng, người Tày có câu tục ngữ: “ Lạc mạy tẩn, lạc gần rì” tiếng Tày có nghĩa là: “Rễ cây ngắn, rễ người
dài”. Câu tục ngữ có ý nói rằng: “mối tình của con người thì rất rộng rãi và sâu xa”. Do đó đồng bào có tục lệ nhận họ, nghĩa là nhận những người ở xa
cùng họ với mình kết làm anh em trong nhà. Người ta lí giải rằng những người cùng họ ngày nay có thể là những người trước đây từ xa xưa cùng một ông tổ. Nhưng vì hoàn cảnh sinh hoạt, vì sinh kế, vì lấy vợ gả chồng, rồi đi làm ăn ở nơi khác xa nhau lâu ngày, không gặp nhau, không tìm thấy nhau mà trở nên quên người gốc họ, quên ông tổ. Nay khi gặp người cùng họ với mình dù ở một địa phương xa, đồng bào mừng vui có ý muốn làm anh em thân thiết với mình để có thêm người thân. Tuy vậy, người ta tiến hành việc nhận họ rất thận trọng, không vội vàng, hấp tấp.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Trước hết người ta tìm hiểu nguồn gốc xem rằng người bạn thuộc họ Tày nào: dòng họ Tày địa phương hay Tày lưu quan. Khi đó tìm ra được nguồn gốc dòng họ, người ta rất vui mừng kết nhận họ với nhau. Việc nhận họ được tiến hành từng bước thận trọng. Định nhận họ với người nào, người ta phải nói rõ tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp, cảnh ngộ, chức tước, địa vị xã hội (nếu có), lai lịch gia đình, dòng họ của người muốn nhận họ với cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột, chú bác và tộc trưởng của mình. Nếu những vị này (nhất là cha mẹ) đồng ý chấp nhận thì người ta mới làm lễ nhận họ.
Lễ nhận họ của người Tày ở Nà Hang rất thiêng liêng, được tổ chức trang trọng ở hai bên nhà vào hai ngày khác nhau để đôi bạn nhận họ đều có mặt ở cả hai bên nhà. Trong buổi lễ nhận họ phải có kính báo tổ tiên, có những người thân của từng nhà nhận lễ công nhận và nhiều người lân cận bạn bè dự lễ chứng kiến. Trong buổi lễ người ta cùng nhau ôn lại lai lịch gia phả tổ tiên để càng tăng thêm tình thân gắn bó họ hàng. Đôi bạn nhận họ giới thiệu tuổi hơn kém (ngày tháng năm sinh rõ ràng) mà định ra hàng anh và hàng em. Những người cùng họ khi đó nhận nhau thì rất quý trọng nhau. Hai bên đều sẵn sàng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, thăm hỏi lúc hoạn nạn, có mặt trong đám cưới, đám tang, dự những ngày giỗ chạp. Trong những ngày vui, buồn người ta giúp nhau không tiếc tiền, đỡ nhau những việc của hai nhà không tiếc công, tiếc sức, người ta đối xử với nhau rất thân thiết, thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Con cái, cháu chắt của những người nhận họ nhiều đời về sau đều được coi là con cái, cháu chắt của hai gia đình nhận họ. Đây là tập quán truyền thống, đoàn kết dân tộc có ý nghĩa sâu sắc và tốt đẹp trong nếp thuần phong mỹ tục của người Tày Nà Hang và được lưu truyền mãi từ ngàn xưa đến nay.
Như vậy, chúng ta thấy rằng tuy sự liên kết trong hoạt động kinh tế không đậm nét nhưng đó là sợi dây giàng buộc dai dẳng và có hiệu quả các thành viên trong dòng họ. Mối quan hệ này được thể hiện trong việc đổi công, giúp đỡ
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
nhau trong lao động sản xuất. Ví dụ: vào mùa cấy, gặt, các gia đình trong dòng họ tổ chức cấy, gặt giúp nhau trong những ngày mùa bận rộn hoặc gia đình nào đó gặp khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Sự liên kết trong các công việc đại sự của các thành viên trong họ như cưới xin, tang ma, làm nhà và ngày giỗ tổ chung. Có thể nói đây là mối quan hệ ứng xử nổi trội nhất trong dòng họ của đồng bào Tày. Trong cưới xin, tang ma, tuy là công việc của từng gia đình cụ thể, song ai cũng nghĩ đó là chuyện vui, chuyện buồn của cả dòng họ. Vì thế gia đình và các cá nhân đương sự luôn nhận được sự hỗ trợ của cả dòng họ trên cả hai mặt: tổ chức cuộc vui, chuyện buồn, và giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần.
Cách ứng xử trong dòng họ được quy định chặt chẽ nghiêm ngặt một cách có tôn ti trật tự. Những người cùng họ luôn luôn quý mến nhau nên tục nhận họ vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Tóm lại những đặc điểm của mối quan hệ dòng họ đó tạo cho các thành viên cùng dòng họ có sự cố kết bền chặt lâu dài.