5.1. Thách thức về vấn đề bảo vệ đất trồng lúa:
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề đe dọa tới không chỉ đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến tính hình sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Thực tế hiện nay cho thấy rằng diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp về diện tích. Việt Nam có hai khu vực sản xuất lúa lớn nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, hàng năm các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại trên dưới 1.000 tỷ đồng do hạn hán và nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ nước mặn xâm nhập năm sau lại sâu hơn năm trước. Thực tế ở tình Tiền Giang năm 2009 nước mặn nhập sâu vào nội đồng lên tới gần 50 km, đồng nghĩa với gần 2000ha lúa ở các huyện ven biển không thể xuống giống vì không lấy được nước vào ruộng. Nhiều nơi ở vùng ngọt hóa như Gò Công trước đây sản xuất 3 vụ một năm giờ chỉ còn 2 vụ, khu vực cù lao Lợi Quan chỉ sản xuất được 1 vụ/năm. Thực trạng này không chỉ xảy ra với tỉnh Tiền Giang mà những năm trở lại đây các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu,.. cũng bị nước mặn xâm nhập nghiêm trọng.
Cùng với sự biến đổi khó lường của điều kiện tự nhiên thì quá trình CNH- HĐH cũng đang làm diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Vấn đề đặt ra là phải quy hoạch như thế nào để đảm bảo đúng tiến độ phát triển của đất nước và không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa gạo.
5.2. Đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới.
Trong hai thập niên vừa qua, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp diễn ra mạnh mẽ đã khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể. Theo thống kê, diện tích đất canh tác lúa của cả nước đến cuối năm 2007 chỉ còn 4,1 triệu ha, giảm 362.000 ha so với năm 2005.
Dự báo, từ nay đến năm 2025, nước ta có thể phải lấy 10-15% diện tích đất nông nghiệp và các loại đất khác để phát triển công nghiệp. Theo đó, diện tích lúa đến năm 2010 còn khoảng 4 triệu ha, năm 2015 khoảng 3,8 triệu ha, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 3,6 triệu ha và giữ ổn định sau năm 2020 là 3,5 triệu ha, trong đó diện tích chuyên trồng lúa nước là 3,1 triệu ha.
Bài học từ Philippines cho thấy, để đổi lấy các khu công nghiệp, nước này đã mất rất nhiều cánh đồng lúa phì nhiêu và mỗi năm phải nhập 1,5 triệu tấn lương thực. Dân số nước ta đông, trong đó hơn 70% sống ở khu vực nông thôn, đất canh tác không nhiều, nếu tính theo đầu người thì ở mức thấp nhất thế giới.
Theo dự báo, cơ cấu dinh dưỡng của người Việt Nam trong thời gian tới sẽ thay đổi theo hướng giảm dần nhu cầu về chất bột, song với tốc độ tăng trưởng dân số bình quân 1,2%/năm, cộng với nhu cầu lương thực cho chế biến, chăn nuôi sẽ tăng mạnh nên tổng nhu cầu tiêu thụ lương thực trong nước sẽ tăng thêm trong vài thập niên tới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 130 triệu người vào năm 2035 phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Và để đạt được sản lượng này, Việt Nam cần phải duy trì tối thiểu 3 triệu héc ta đất chuyên trồng lúa hai vụ để có 6 triệu héc ta đất gieo trồng. Mặt khác, sự chênh lệch về năng suất lương thực giữa các vùng, miền vẫn còn khoảng cách. Thêm vào đó là vấn đề thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm nước biển xâm nhập, lấn chiếm diện tích đất canh tác.
Dự tính, Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Với kịch bản nước biển dâng 1 mét, đồng bằng sông Hồng sẽ mất 5.000 ki lô mét vuông đất, ĐBSCL bị ngập 15.000-20.000 ki lô mét vuông. Tổng sản lượng lương thực nước ta theo đó có thể giảm khoảng 5 triệu tấn. Tình trạng
thừa, thiếu cục bộ do mất mùa, thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh... thường xuyên xảy ra, bởi vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề cấp thiết, luôn được sự quan tâm đặc biệt.
5.3. Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu:
Theo thông báo của Liên hợp quốc thì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo nghiên cứu mới nhất chuẩn bị công bố, đến cuối thế kỷ (2100), nhiệt độ của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 2 đến 4,5oC và mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 10 đến 68 cm. Và nếu sự biến đổi khí hậu cứ diễn ra như với tốc độ hiện nay thì trong vòng khoảng 100 năm nữa, nhiều diện tích đất liền trên trái đất, trong đó có vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng, có thể sẽ ngập chìm trong nước biển. Việt Nam, một nước đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương bởi các vấn đề môi trường do BĐKH gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão… Bên cạnh đó, với bờ biển dài, vấn đề mực nước biển dâng cao có thể làm mất 12,2% diện tích đất của Việt Nam và đe dọa tới chỗ sinh sống của 17 triệu người. Những biến động thời tiết bất thường gây thiệt hại lớn cho đời sống dân nhân dân và đất nước mà chúng ta thường gọi là thiên tai cần được nghiên cứu, xem xét theo hướng có sự báo động toàn cầu về gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất và mực nước biển ngày càng dâng cao.