Nội dung của phát triển bền vững ngành lúa gạo bao gồm ba nội dung lớn: Đạt hiệu quả kinh tế, giải quyết vấn đề xã hội và Môi trường đảm bảo phát triển bề vững. Thực trạng của ngành lúa gạo Việt Nam thể hiện qua ba nội dung trên là:
Về hiệu quả kinh tế: So sánh lợi nhuận thu được trên tấn gạo tính bình quân trong thời kỳ 1999- 2008, cho thấy hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam đạt được còn thấp so với nhiều nước bên ngoài điển hình là Thái Lan. Tổng chi phí và lợi nhuận sản xuất 1 tấn gạo từ các khâu sản xuất lúa, thu gom lúa, chế biến gạo đến tiêu thụ gạo của ngành lúa gạo Việt Nam bình quân khoảng 921 USD/tấn và 145 USD/tấn trong khi của Thái Lan là 915 USD/tấn và 222 USD/tấn. Chi phí sản xuất gạo của Việt Nam và Thái Lan chênh nhau không nhiều nhưng lợi nhuận thu được của ngành lúa gạo Việt Nam chỉ bằng 65,1% so với của Thái Lan do gạo Thái Lan có chất lượng và giá bán cao hơn. Tính bình quân, cứ sản xuất 1 tấn gạo ngành lúa gạo Thái Lan thu được lợi nhuận cao hơn so với ngành lúa gạo Việt Nam 78 USD.
Về giải quyết vấn đề xã hội
Sản lượng lúa gạo ngày càng tăng nhưng các hộ trồng lúa vẫn thuộc nhóm hộ có thu nhập thấp ở nông thôn, thu nhập bình quân đầu người thường ở mức giáp ranh hộ nghèo. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập đầu người của các hộ nông dân trồng lúa so với mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước có xu hướng ngày càng doãng ra, từ ở mức bằng 66,2% trong giai đoạn 1998- 2003 giảm xuống chỉ còn bằng 55,7% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước 784 nghìn đồng/người tháng trong giai đoạn 2004- 2008. Tình trạng này dẫn đến, những năm gần đây ở một số nơi nông dân bỏ sản xuất lúa để đi làm việc khác ngày càng nhiều, làm sản xuất lúa thiếu ổn định.
Về phát triển bền vững môi trường
Mức phân bón hoá học và thuốc BVTV cho sản xuất 1 tấn lúa của Việt Nam trong thời kỳ 1981 - 1990 bình quân khoảng 56 kg phân bón/tấn lúa và 0,3 kg thuốc BVTV/tấn lúa. Từ năm 2000 đến nay, mức phân bón hoá học và thuốc BVTV cho sản xuất 1 tấn lúa tiếp tục tăng lên, bình quân ở mức 73 kg phân bón/tấn lúa và 0,45 kg thuốc/tấn lúa. Tại khu vực ĐBSCL, nông dân thường sử dụng nhiều phân bón hoá học và thuốc BVTV để trồng lúa ngắn ngày 3 vụ năm, mức bón phân hoá học cho lúa hiện cao nhất trong cả nước, bình quân 380- 400 kg/ha DTGT lúa. Mức sử dụng phân bón hoá học và thuốc BVTV cho gieo trồng lúa tăng lên, song chưa đi kèm tương ứng với các hoạt động phổ biến kỹ thuật sản xuất, sử dụng an toàn, hiệu quả phân hoá
học, thuốc BVTV và các loại hoá chất nông nghiệp khác cho nông dân. Dẫn đến, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng, dịch hại xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL thời kỳ vừa qua.
Chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững sản xuất lúa gạo
Để đánh giá mức độ phát triển bền vững của sản xuất lúa gạo về kết hợp hài hoà các mặt hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, có thể phân tích các chỉ tiêu so sánh chênh lệch, so sánh tương quan tốc độ tăng/giảm giữa các hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường với nhau. Nguyên tắc đánh giá, hiệu quả về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường của sản xuất lúa gạo phải cùng tăng lên tỷ lệ thuận với nhau đồng thời so sánh tương quan tốc độ tăng/giảm giữa các mặt hiệu quả không quá chênh lệch nhau gấp nhiều lần trong một giai đoạn nhất định (5- 10 năm). Sau đây là một số chỉ tiêu minh hoạ cần phân tích trong đánh giá mức độ phát triển bền vững kết hợp hài hoà các mặt của sản xuất lúa gạo.
Chỉ tiêu phát triển bền vững về kinh tế- xã hội. (Ckx)
Tính bằng chỉ số so sánh chênh lệch tốc độ tăng lợi nhuận/tấn gạo của ngành lúa gạo (Vln) với tốc độ tăng mức tiêu dùng gạo LTTP bình quân đầu người (Vlt), thông qua đó đánh giá mức độ phát triển kết hợp hài hoà hiệu quả về mặt kinh tế và hiệu quả về mặt xã hội.
Ckx = Vln / Vlt
Chỉ số càng lớn cho thấy hiệu quả sản xuất tính bằng lợi nhuận/tấn gạo của ngành lúa gạo tăng càng nhanh nhưng ngược lại hiệu quả xã hội về bảo đảm ANLT tính bằng mức tiêu dùng gạo làm LTTP bình quân đầu người tăng càng chậm, mức độ phát triển bền vững lúa gạo trên cơ sở kết hợp hài hoà mặt kinh tế và mặt xã hội càng kém. Tuy nhiên, trong đánh giá cần lưu ý kết hợp phân tích các mặt khác và xét đến thứ tự ưu tiên về hiệu quả trong từng giai đoạn nhất định đối với phát triển sản xuất lúa gạo
Chỉ tiêu phát triển bền vững về kinh tế- môi trường. (Ckm) Tính bằng chỉ số so
sánh chênh lệch tốc độ tăng lợi nhuận/tấn gạo của ngành lúa gạo (Vln) với tốc độ tăng DTGT lúa thân thiện môi trường (Vdm). Thông qua đó, đánh giá mức độ phát triển kết hợp hài hoà hiệu quả về mặt kinh tế và hiệu quả về mặt môi trường của sản xuất lúa gạo. Về tổng quát, chỉ số này càng gần 1 càng tốt, tuy nhiên trong thực tế nếu tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất ngày càng tăng lên chỉ số cần nhỏ hơn 1.
Chỉ tiêu kết hợp tăng lợi nhuận và GTGT sản xuất lúa gạo.(Clg)
Tính bằng chỉ số so sánh chênh lệch tốc độ tăng lợi nhuận/tấn gạo (Vln) và tốc độ tăng GTGT/tấn gạo (Vgt) của ngành sản xuất lúa gạo. Chỉ tiêu đánh giá tính bền vững về mặt hiệu quả kinh tế trên cơ sở tăng lợi nhuận/tấn gạo cần phải đi đôi với tăng GTGT/tấn gạo, nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng gạo. Chỉ tiêu này, cần được đánh giá đối với tất cả các khâu của sản xuất lúa gạo, vì hiệu quả ở một khâu không bền vững sẽ dẫn đến hiệu quả sản xuất của cả ngành thiếu tính bền vững.
Clg = Vln / Vgt
Chỉ tiêu kết hợp hài hoà giải quyết các vấn đề xã hội. (Ita)
Tính bằng chỉ số so sánh chênh lệch tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người hộ nông dân trồng lúa (Vtn) với tốc độ tăng mức tiêu dùng gạo làm LTTP bình quân đầu người (Vlt). Trong thực tế, khi giá gạo tăng lên thu nhập từ sản xuất lúa của nông dân tăng rõ rệt nhưng mức tiêu dùng gạo làm LTTP bình quân đầu người tăng chậm lại. Chỉ tiêu này, nhằm đánh giá tính bền vững về mặt xã hội của phát triển sản xuất lúa gạo thông qua xem xét mức độ kết hợp hài hoà trong giải quyết vấn đề giữa một bên là tăng thu nhập, giảm nghèo cho nông dân trồng lúa và một bên là bảo đảm ANLT, giảm tỷ lệ người thiếu lương thực.
Ita = Vtn / Vlt