Năm 1983 Nguyễn Quang Long BV chợ Rẫy nghiên cứu dùng dầu mù u diều trị vết thương và viêm xương trên lâm sàng cho hiệu quả rất tốt. Tất cả
các bệnh nhân được đắp gạc mù u đều không thấy khó chịu gì tại vết thương. Với các vết thương nhỏ và vừa mô hạt lên rất nhanh, đỏ đều, đẹp. Với vết thương rộng lộ gân xương thì đắp gạc mù u ướt, mô hạt cũng mọc nhanh phủ kín gân tránh hoại tử. Tác giả kết luận gạc tẩm mù u có thể dùng cho hầu hết các vết thương[12]. Năm 1993 Nguyễn Quang Long tiếp tục nghiên cứu: điều trị chống đau và chống viêm bằng dầu mù u trên lâm sàng. Trong nghiên cứu này dầu mù u được chế dưới dạng kem tên là Balsino tác dụng ngấm qua da tốt hơn dầu mù u lỏng gấp hai lần. Thuốc được bôi lên da cho các bệnh nhân đau cơ, viêm gân, viêm quanh khớp vai, viêm khớp dạng thấp, đau lưng cơ học, đau sau chấn thương (bong gân, tụ máu). Kết quả là (303/305) bệnh nhân cảm thấy dễ chịu tức thì ngay khi thoa kem và cuối cùng đều đạt yêu cầu điều trị về chống viêm và giảm đau. Thuốc không làm chậm quá trình liền sẹo mà kích thích mô hạt lên sẹo tốt. Tác giả cũng tính được liều có hiệu quả thực tế là 0,025- 0,05gr/kg (1-2 gr dầu mù u/ngày) rất xa liều độc DL50=2,5gr/kg(Bhalla và Saxena)[11]. Cũng trong công trình này Nguyễn Quang Long có đề cập đến nghiên cứu của Saxena 1980 về tính kháng viêm của calophylollid so sánh với liều thuốc chuẩn hydrocortison và kết luận rằng so với hydrocortison thì calophylollid an toàn hơn không gây loét dạ dày, biển đổi bệnh lý mô trên các cơ quan.
Một công trình nghiên cứu khác của Nguyễn Quang Long là dầu mù u dùng làm kháng sinh điều trị phẫu thuật viêm xương tủy không đặc hiệu: từ phương pháp phẫu thuật Papineau điều trị viêm xương tủy, tác giả đã cải tiến phương pháp trên bằng cách đắp thêm gạc tẩm dầu mù u để đắp che phủ vết mổ bảo vệ hốc mổ và xương ghép thay vì phủ băng gạc tulle gras. Tác giả đắp bấc gạc mù u nhằm 3 mục đích: giảm đau, kháng sinh đặt tại ổ viêm, kích thích mọc mô hạt tại chỗ. Kết quả cho thấy tỉ lệ bị viêm xương tái lại thấp hơn 18,1% so với phương pháp phẫu thuật đơn thuần là 25%, thậm chí còn
thấp hơn một số biện pháp dùng kháng sinh tại ổ viêm là Gentamycine- metacrylate 20%, Gentamycine-bột paris 28%. Từ đó đi đến nhận định bằng bấc gạc mù u ướt thực hiện được liệu pháp đặt kháng sinh tại ổ viêm xương có hiệu quả với giá thành cực kì thấp. GS viện sỹ Pháp Pyganiol đề nghị hợp tác Việt Pháp: hai phòng xét nghiệm tại Dijon và Pas-de-calais hoàn toàn xác định giá trị chính xác của công trình khẳng định tính kháng khuẩn của mù u Việt Nam; một luận án tiến sỹ y học đã bảo vệ thành công tại ĐH Lyon 1992. Phương pháp dùng dầu mù u làm kháng sinh đặt tại ổ viêm xương tủy trong phẫu thuật đã được Nguyễn Quang Long báo cáo tại hội nghị lần thứ 3 hội AOLF tại Quebec( Canada). Nguyễn Quang Long và cộng sự qua các công trình nghiên cứu về dầu mu u đã kết luận: Dầu mù u một thuốc kháng viêm chống đau đắp tại chỗ hiệu quả rõ rệt chỉ định rộng rãi cho các vùng viêm tấy; Dầu mù u thuốc đắp tuyệt hảo chữa các vết thương vết bỏng có đặc tính giảm đau, kích thích mô hạt tạo sẹo da mềm mại; dầu mu u có tính kháng sinh có tính kháng khuẩn với MIC= 0,4 ( đối với cả vi khuẩn Gram dương và gram âm).
Nguyễn Tiến Hải dùng dầu mù u điều trị thành công viêm lộ tuyến cổ tử cung[10].
Huỳnh Thị Ngọc Lan cũng góp phần nghiên cứu tính kháng khuẩn của dầu mù u. Năm 2002 Trần Thanh Thạo, Võ Thị Bạch Huệ , Nguyễn Khắc Quỳnh Cứ phân lập xác định cấu trúc của callophyoilid từ cây mù u mọc tại Việt Nam C26H24O5[13].
Các chế phẩm dầu mù u hiện đang có tại Việt Nam gồm: dạng dầu (dầu Calino, dầu Inoca), dạng kem (Balsino) chữa bỏng, ghẻ lở, u nhọt, viêm loét niêm mạc, vết thương phần mềm, dạng mỡ (Mecalin) chữa nấm da, dạng xà phòng (xà phòng dưỡng da VIFA, xà phòng Calino).
Chương 2
CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU