TRỢ GIÚP HỌC SINH THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG CĂNG THẲNG

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ căng thẳng của học sinh trung học phổ thông (Trang 29 - 30)

Trong quá trình hỗ trợ học sinh thoát khỏi tình trạng căng thẳng, chúng tôi sử dụng kỹ thuật trị liệu nhận thức – hành vi. Quá trình hỗ trợ đước tiến hành trong 5 buổi. Mỗi buổi chúng tôi đặt ra một mục tiêu cụ thể cần đạt được. Tại các buổi hỗ trợ này chúng tôi tuân thủ chặt chẽ theo các quy tắc của tham vấn cũng như của kỹ thuật trị liệu nhận thức hành vi.

Điểm mạnh của phương pháp trị liệu này là tăng cường nội lực của mỗi cá nhân. Trị liệu nhận thức hành vi được xây dựng dựa trên nguyên tắc niềm tin, những chuẩn mực cá nhân và cảm nhận về cái tôi hiệu quả có ảnh hưởng mạnh đến hành vi cá nhân.

Chúng tôi tiến hành trợ giúp em N. học sinh lớp 12 trường THPT Nhân Chính giảm căng thẳng. Các buổi được tiến hành với những mục tiêu cụ thể như sau:

Buổi 1:Mục tiêu của buổi này là tìm hiểu các tác nhân gây căng thẳng, mức độ căng thẳng của N., cách N. ứng phó với căng thẳng. Tìm hiểu về gia đình của N. Buổi làm việc này kéo dài 1 tiếng.

Buổi 2:Buổi làm việc này tập trung vào làm rõ ý nghĩa của tác nhân gây căng thẳng với N.

Buổi 3: Tập trung vào tác nhân gây căng thẳng đến từ sự tương tác với cha mẹ

Buổi 4:Tập trung vào tác nhân gây căng thẳng đến từ sự tương tác với bạn bè và củng cố niềm tin cho N. vào bản thân.

Buổi 5: Lượng giá và tiếp tục củng cố

Tác nhân gây căng thẳng cho N. đến từ học tập, em N. không nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình, thầy cô giáo và bạn bè. Thậm chí đây còn là những nguồn làm gia tăng mức độ căng thẳng cho N.

Tuy nhiên, sau 5 buổi làm việc, N. đã có những thay đổi tích cực như:

- Kết quả thi học kỳ I, điểm số đã được cải thiện mặc dù chưa được như mong muốn. - N. khá tự tin khi nói chuyện với chúng tôi không giống như buổi gặp đầu tiên

- Sắc thái trên khuôn mặt của N. tươi tắn và vui vẻ hơn so với buổi đầu đến gặp chúng tôi. Điểm số mặc dù chưa được cải thiện nhiều nhưng cách em nhìn nhận về điểm số không còn nặng nề. Cụ thể bài kiểm tra môn Toán chưa đạt được như mong muốn của mình nhưng N. đã tìm hiểu vì sao môn toán bị điểm kém thay vì ngồi suy diễn tiêu cực về điểm số.

- N. đã có thể tương tác với một bạn trong lớp mặc dù chưa nhiều.

- Buổi làm việc cuối cùng N. cho biết mẹ N. không tạo áp lức phải thi đỗ đại học trong năm nay. N. cảm thấy thoái mái vì điều này.

Việc đánh giá hiệu quả của các kỹ thuật trị liệu nhận thức cần có thời gian. Bởi trong trị liệu nhận thức có nhiều kỹ thuật bổ trợ cho nhau. Với những thay đổi bước đầu từ N. là điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để những thay đổi trên đây bền vững thiết nghĩ em N. cần được cung cấp thêm những kỹ năng liên quan đến kiểm soát cảm xúc tiêu cực, kỹ năng ứng phó tích cực.

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ căng thẳng của học sinh trung học phổ thông (Trang 29 - 30)