Xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thanh niên thành phố việt trì tỉnh phú thọ giai đoạn hiện nay (Trang 46 - 49)

7. Kết cấu của khoá luận

3.1.1 Xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã

hội

Đạo đức là một hình thái kinh tế xã hội, có nền tảng là tồn tại xã hội, tức là toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, các quan hệ lợi ích của con người.

Môi trường đạo đức là môi trường chứa đựng những giá trị đạo đức và các quan hệ đạo đức. Môi trường đạo đức bao gồm có môi trường gia đình, nhà trường và môi trường xã hội. Vì vậy, để có một môi trường đạo đức trong sáng, lành mạnh phải xây dựng đạo đức trong sáng, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Trước hết, gia đình là tết bào, là đơn vị cơ sở của xã hội đầu tiên trong đó con người sinh ra và lớn lên, là môi trường có tác dụng to lớn đến sự hình thành và phát triển của con người về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần, đặc biệt là mặt đạo đức. Gia đình luôn luôn là tổ ấm đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Từ khi lọt long cho tới cuối cuộc sống đời mình, mỗi cá nhân đều tìm thấy ở gia đình sự đùm bọc vật chất và tinh thần. Gia đình là cái nôi tâm lý tình cảm xã hội đặc thù mà mối quan hệ máu mủ ruột thịt và quan hệ tình cảm, trách nhiệm đã gắn bó các thành viên với nhau một cách thường xuyên, lâu dài; dù có sự xa cách chia ly, dù xã hội có những biến thiên lịch sử, những đảo lộn to lớn cũng khó có thể phá vỡ mối quan hệ này.

Khi nói về vai trò của gia đình, cụ Phan Bội Châu đã từng khẳng định: “ Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ”. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật hôn nhân và gia đình tháng 1 – 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình là tế bào của xã hội, do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Thực tế đã chỉ ra rằng, gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình càng giữ được “gia phong” thì kỷ cương xã hội càng nghiêm minh.

Hiện nay, do sức ép về lao động, việc làm khiến cho không ít các bậc cha, mẹ mải miết mưu sinh hoặc do lý do làm giàu mà thiếu quan tâm việc giáo dục đạo đức cho con cái, hoặc khoán trắng cho nhà trường và xã hội, nhiều khi con cái vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật mà cha mẹ không hề hay biết, hoặc không biết ngăn chặn; phòng ngừa. Để giáo dục đạo đức cho thanh niên, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng tỏa sáng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng tình cảm cao đẹp cho thế hệ con cháu.

Giáo dục đạo đức trong gia đình luôn nhấn mạnh việc xây dựng cho con người lối sống có tình, có nghĩa, có trước, có sau, tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong họ, ngoài làng, lòng kính trọng và biết ơn tổ tiên, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cả cộng đồng: nhà – làng – nước. Ông bà, cha mẹ, các bậc cao niên giáo dục con cháu với niềm hy vọng và tin tưởng thiêng liêng: “tre già măng mọc”, “con hơn cha là nhà có phúc”, “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Hơn nữa, tăng cường trách nhiệm của gia đình, của ông bà, cha mẹ trong việc giáo dục đạo đức theo những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc và định hướng lựa chọn những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH hôm nay là một trong những biện pháp quan trọng của công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngược lại, thực hiện tốt công tác này sẽ có tác dụng tích cực để củng cố và phát triển gia đình, góp phần vào sự phát triển tốt đẹp của dân tộc.

Gia đình luôn phải có sự kết hợp, thống nhất với nhà trường trong việc giáo dục con em của mình, bởi vì nhà trường là nơi họ nhận được những kiến thức cơ bản, chính thống, nơi chiếm đa số thời gian của giới thanh niên khi họ còn đi học. Nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn là nơi dạy người. Vì vậy, nhà trường cần phải giữ kỷ cương, nề nếp học đường, tạo môi trường lý tưởng cho học sinh, sinh viên hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục đạo đức trong nhà trường là làm cho học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị đạo đức nào là cần thiết, có ý nghĩa thiết thực đối với bản thân và xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho họ nhận thức được những giá trị truyền thống như lòng nhân ái, tinh thần yêu nước, đức tính cần cù, chịu khó, lạc quan, vị tha, trung thực… là những giá trị đích thực, cao đẹp của mỗi con người. Hơn nữa, phải làm cho họ nhận thức được sự cần thiết phải thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất để không chỉ biết tiếp thu mà còn biết phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong bối cảnh mới.

Giáo dục đạo đức trong nhà trường cho học sinh, sinh viên biết trân trọng, yêu quý, cố gắng lĩnh hội và thực hiện các giá trị đạo đức đích thực, đồng thời không chấp nhận những giá trị phản giá trị, tích cực đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống. Thông qua các môn học như: lịch sử, văn học, địa lý, giáo dục công dân… có thể lồng ghép vào đó những nội dung phong phú, sâu sắc về truyền thống dân tộc, về những giá trị truyền thống mà ngày nay thế hệ trẻ cần giữ gìn, phát huy. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ ý thức được trách nhiệm của mình đối với quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước – giữ gìn và phát huy những gì cha ông đã tạo dựng.

Nhà trường đầu tư, đổi mới nội dung giáo dục thể chất, đẩy mạnh xã hội hóa các phong trào thể dục, thể thao quần chúng, huy động và tạo điều kiện để thanh niên luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Ngoài hoạt động giảng dạy trên lớp, nhà trường cần tổ chức cho học sinh, sinh viên đi tham quan các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của đất nước, tìm hiểu truyền thống lịch sử và cách mạng qua các di tích đó. Điều đó cũng sẽ có ý nghĩa to lớn bởi vì, bản thân các di tích lịch sử - cách mạng là bằng chứng của lịch sử, nó chứng minh cho các hiện thực của các sự kiện lịch sử đã qua, các di tích lịch sử - cách mạng có tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của các em, từ đó rèn luyện cho các em kỹ năng quan sát tưởng tượng, phân tích, liên hệ, rút ra bài học lịch sử và thực tiễn… tức là phát huy tính tích cực chủ đọng trong hoạt động nhận thức của các em.

Trong các yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và hoàn thiện các phẩm chất đạo đức, lối sống của thanh niên thì môi trường xã hội giữ vai trò to lớn nhất. Bởi xã hội là môi trường rộng lớn nhất, trong đó các cá nhân có các mối quan hệ gián tiếp, học tập và làm việc, thể hiện khả năng của mình. Xã hội là nơi tập trung mọi mối quan hệ, mọi nguồn thông tin, mọi lối sống… rất đa dạng và phức tạp.

Thanh niên ngày nay đang sống trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Vì vậy, để xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh cho thế hệ trẻ, trước hết cần xã hội hóa hoạt động giáo dục đạo đức, coi việc giáo dục đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ thanh niên là nhiệm vụ của toàn xã hội, huy động toàn xã hội vào sự nghiêp giáo dục. Làm cho môi trường xã hội lành mạnh, giải quyết các vấn đề mà xã hội đang bức xúc như tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan). Bởi đó là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, lối sống của thanh niên.

Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh bằng cách đẩy mạnh các hoạt động giáo dục về vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc nâng cao chất lượng dân số, hôn nhân và xây dựng gia đình hạnh phúc, biết chăm lo và nâng cao sức khỏe cho bản thân. Chú trọng giáo dục tiền hôn nhân, kiến thức và kinh nghiệm sống cho thanh niên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chiến lược chương trình, mục tiêu quốc gia về dân số, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống HIV/AIDS cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên.

Trên cơ sở môi trường gia đình, nhà trường và xã hội lành mạnh mới có thể phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của thế hệ trẻ nói chung, của thanh niên nói riêng trước những biến đổi to lớn của xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho thanh niên thành phố việt trì tỉnh phú thọ giai đoạn hiện nay (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)