1. Khái niệm về hiệu quả Kinh tế
Không thể nói đến đầu tư dự án mà không nói tới hiệu quả đầu tư vì hiệu quả đầu tư là mục đích cuối cùng của đầu tư dự án. Hiệu quả đầu tư được thể hiện trong mối quan hệ giữa lợi ích thu được do đầu tư mang lại và chi phí bỏ ra để thực hiện đầu tư. Do mục đích đầu tư khác nhau nên tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư ở mỗi thời kỳ phát triển và mỗi giai đoạn của quá trình đầu tư cũng khác nhau. Có hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế (trồng cây thuốc phiện, phá rừng, nhà máy hoá chất xây dựng ở khu vực đông dân cư) nhưng lại không mang lại hiệu quả xã hội. Có hoạt động đầu tư tuy hiệu quả kinh tế thấp, hoặc không có hiệu quả kinh tế trước mắt những lại có hiệu quả về mặt xã hội lâu dài (trồng rừng, xử lý rác thải công nghiệp, xây dựng trường học, bệnh viện). Các doanh nghiệp thường đầu tư vào các dự án có hiệu quả kinh tế, còn các dự án có hiệu quả xã hội thì Nhà nước phải đầu tư.
Đối với vốn ngân sách Nhà nước, mục đích đầu tư không chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà là vì lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài. Do đó đối tượng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư là những dự án mang lại lợi ích trực tiếp hoặc mang lại lợi ích cho toàn xã hội, nhưng thông thường có sự kết hợp hài hoà giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
Mục tiêu của hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhà đầu tư và cho nền kinh tế quốc dân cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, trong hoạt động đầu tư, cần coi trọng việc hoàn thiện
Luận văn Thạc Sĩ Ngành: Kinh Tế TNTN & MT 16
các cơ chế quản lý và sử dụng nói chung và cơ chế quản lý tài chính nói riêng ở các khâu của quá trình đầu tư ở cả tầm vĩ mô và vi mô.
- Trên góc độ quản lý vĩ mô: để hoạt động đầu tư có hiệu quả cần có chiến lược đầu tư dài hạn đúng và ổn định. Trên cơ sở đó có quy hoạch hợp lý (quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng) phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước. Căn cứ vào quy hoạch được phê duyệt để xác định bước đi phù hợp với mục tiêu chiến lược để sắp xếp, bố trí kế hoạch đầu tư cho các dự án theo ngành và theo vùng đảm bảo cân đối, hợp lý với khả năng vốn cho phép. Chất lượng và hiệu quả các nội dung trên phụ thuộc nhiều vào việc xác định quyền hạn, trách nhiệm các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương trong việc tạo ra các quyết định liên quan đến chủ trương đầu tư, cơ chế quản lý và điều hành hoạt động đầu tư như: huy động vốn đầu tư; thẩm định và ra quyết định đầu tư; phê duyệt thiết kế và tổng dự toán, dự toán; phân cấp và kế hoạch; cơ chế giao thầu, giải ngân và quyết toán đảm bảo thống nhất.
- Trên góc độ quản lý vi mô: hiệu quả hoạt động đầu tư được quyết định bởi công tác quản lý cụ thể trong từng khâu quản lý và nghiệp vụ quản lý. Để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư ở cấp vi mô cần phân định rõ trách nhiệm (nhiệm vụ và nội dung công việc, giới hạn công việc, trách nhiệm và quyền hạn) từng khâu công tác. Trên cơ sở đó đề ra các biện pháp quản lý cụ thể cho từng khâu để thực hiện các mục tiêu cụ thể, mối quan hệ phối kết hợp giữa các cá nhân, tập thể, tổ chức trong quá trình điều hành và quản lý vốn đầu tư cũng như hoạt động đầu tư.
2. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án
Hiện nay, hệ thống chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh đang được các cấp, các ngành đặc biệt chú ý, trên bình diện quốc gia nó còn là những chỉ tiêu phản ánh lợi thế của mỗi quốc gia nhằm phản ánh khả năng
Luận văn Thạc Sĩ Ngành: Kinh Tế TNTN & MT 17
cạnh tranh về kinh tế cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong các nhân tố tác động tới tăng trưởng kinh tế (lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên, công nghệ,…) ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thì yếu tố vốn được coi là nhân tố quan trọng nhất.
Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế của đầu tư thường được biểu hiện qua các chỉ tiêu: NPV, IRR, B/C
Để đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính của một dự án đầu tư người ta thường sử dụng một số hệ thống các chỉ tiêu sau đây:
+ Chỉ tiêu thời gian thu hồi vốn đầu tư: là quãng thời gian cần thiết để các khoản thu từ dự án đầu tư (khấu hao và lợi nhuận sau thuế) đủ để bù đắp vốn đầu tư đã bỏ ra. Có thể gọi chỉ tiêu này là thời gian cần thiết để ngân sách tự chi trả cho chính bản thân nó.
+ Chỉ tiêu thời gian hoàn trả vốn vay: là quãng thời gian cần thiết để các khoản thu nhập từ dự án (lợi nhuận trước thuế và lãi vay, khấu hao tài sản cố định đủ để trả nợ vay gồm gốc và lãi).
+ Giá trị hiện tại ròng (NPV – Net Present Value): một trong những đặc trưng của vốn đầu tư là có giá trị về mặt thời gian. Vốn đầu tư phải bỏ ra hôm nay nhưng các khoản thu lại xảy ra trong tương lai. Do vậy, để đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế đầu tư, người ta thường đưa tất cả các khoản thu, chi gắn với một dự án về cùng một thời điểm để so sánh. Thời điểm thường được chọn là thời điểm hiện tại. Chênh lệch giữa giá trị hiện tại của các khoản thu với giá trị hiện tại của các khoản chi gọi là giá trị hiện tại ròng. Chỉ tiêu này đo lường trực tiếp giá trị tăng thêm do vốn đầu tư tạo ra có tính tới sự tác động về mặt thời gian của tiền vốn, do vậy cho phép người ra quyết định đầu tư nhìn nhận hiệu quả đầu tư chính xác hơn.
+ Tỷ suất doanh lợi nội bộ (IRR – Internal Rate of Return): tỷ suất doanh lợi nội bộ hay còn gọi là tỷ suất hoàn vốn nội bộ, là một lãi suất đóng vai trò như một tỷ lệ chiết khấu làm cân bằng giá trị hiện tại của các khoản thu với
Luận văn Thạc Sĩ Ngành: Kinh Tế TNTN & MT 18
giá trị hiện tại của các khoản chi. Chỉ tiêu cho phép ta so sánh giữa tỷ lệ sinh lời (đầu vào) với chi phí sử dụng vốn bình quân dự án (đầu ra), thấy được mối liên hệ giữa việc huy động vốn và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
+ Chỉ số sinh lời của vốn đầu tư: đây là một chỉ tiêu dựa vào giá trị thời gian của tiền tệ để tính toán. Nó phản ánh một đồng giá trị hiện tại của vốn đầu tư tạo ra mấy đồng giá trị hiện tại thu nhập thuần của dự án.
+ Phân tích độ nhạy của dự án: độ nhạy của dự án phản ánh sự biến động của các yếu tố (vốn đầu tư, sản lượng tiêu thụ, giá cả một sản phẩm, giá thành một sản phẩm,...) tới kết quả cuối cùng. Để xác định mức độ giao động của yếu tố nào đó, ta cho yếu tố đó biến động còn các yếu tố khác cố định. Phân tích độ nhạy của dự án cho biết giới hạn an toàn của dự án khi có sự biến động của các yếu tố đầu vào và đầu ra, giúp nhà quản lý có những điều chỉnh cần thiết trong quá trình thực hiện dự án.
+ Phân tích điểm hòa vốn: điểm hoà vốn là điểm tại đó doanh thu bằng chi phí. Xác định điểm hoà vốn cho biết cần sản xuất và tiêu thụ một sản lượng sản phẩm là bao nhiêu để không bị lỗ vốn. Phân tích điểm hoà vốn còn cho biết thời gian hoà vốn, công suất hoà vốn, doanh thu hoà vốn của dự án. Dựa vào điểm hoà vốn mà xác định được thời điểm hợp lý chấm dứt hoạt động của dự án, khối lượng lợi nhuận đạt được cả đời dự án và còn là cơ sở để phân tích độ nhạy của dự án.
Các phương pháp đánh giá hiệu quả trên đây thường được áp dụng đối vối dự án đầu tư có tính chất sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; còn đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thường được đánh giá bằng hiệu quả xã hội, hoặc hiệu quả kinh tế - xã hội (như dự án đó tạo bao nhiêu việc làm, nhờ có dự án đó có bao nhiêu người dân được hưởng lợi…) thì khó đánh giá khi áp dụng các phương pháp trên.
Luận văn Thạc Sĩ Ngành: Kinh Tế TNTN & MT 19