Hướng dẫn lực lượng tuần tra canh gác và nhân dân các địa phương có đê biết cách tổ chức thực hiện công tác tuần tra canh gác tại các điếm canh đê.
1. Công tác chuẩn bị:
Tại mỗi điếm canh đê: Được thành lập lực lượng tuần tra canh gác của điếm với số lượng 18 người/điếm, đảm bảo đủ sức khỏe, được tập huấn kỹ thuật; đồng thời phải chuẩn bị cơ số, chủng loại vật tư, dụng cụ, phương tiện theo quy định nhằm phục vụ cho xử lý giờ đầu các sự cố xảy ra trong mùa bão, lũ như: cuốc, xẻng, quang gánh, rơm rạ, đá dăm, cát vàng, bao tải, biển báo sự cố...
2. Tuần tra canh gác đê:
- Chếđộ tuần tra:
+ Khi có lũ báo động cấp I: Cứ 2 giờ đi tuần tra một lần, mỗi lần 2 người.
Lượt đi: 2 người kiểm tra mái đê và chân đê phía đồng. Lượt về: 2 người kiểm tra mái đê phía sông.
+ Khi có lũ báo động cấp II: Cứ 1 giờ đi tuần tra một lần, mỗi lần 3 người. Phạm vi và cách đi như trên nhưng đặc biệt chú ý mái và chân đê phía đồng, những nơi xung yếu cần được tăng cường thêm người, chú ý các hư hỏng như vòi nước, mạch sủi, đê nứt có dạng hình cung.
+ Khi có lũ báo động cấp III trở lên: Tổ chức kiểm tra thường xuyên và chia kíp đê luân phiên nhau đi kiểm tra. Mỗi kíp tối thiểu 4 người.
Lượt đi: 2 người kiểm tra chân đê và 1 người kiểm tra mái đê phía đồng. Lượt về: 1 người kiểm tra mặt đê và 2 người kiểm tra mái đê phía sông. - Người tuần tra phải:
+ Phát hiện những vị trí phát sinh thẩm lậu, mạch sủi, mạch đùn, vòi phun ở mái đê , chân đê, ao hồ gần chân đê phía đồng.
+ Phát hiện những vị trí khe nứt, sạt trượt ở mái đê phía đồng.
+ Chú ý những nơi chân đê hoặc những nơi cây cối, nhà cửa che khuất. Nếu thấy có hiện tượng không bình thường thì phải xem xét có kế hoạch theo
dõi chặt chẽ.
- Khi phát hiện hư hỏng, người tuần tra phải tiến hành các công việc: + Xác định vị trí, đặc điểm , kích thước các hư hỏng.
+ Xác định mực nước sông so với mặt đê tại trí hư hỏng.
+ Đánh dấu vị trí hư hỏng bằng các biển báo sự cố, nghiêm cấm các loại phương tiện qua lại, bố trí người theo dõi diễn biến hư hỏng.
+ Khẩn trương báo cáo tình hình hư hỏng cho đội trưởng và Ban chỉ huy PCLB trực tiếp.
3. Tuần tra canh gác cống:
- Phân công người theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình của cống qua đê, ngăn chặn kịp thời các hành vi vận hành cống không đúng quy trình trong mùa lũ.
- Nội dung kiểm tra:
+ Kiểm tra kỹ phần tiếp giáp giữa thân cống, cánh cống với đê. + Theo dõi mạch đùn sủi phía hạ lưu cống.
- Khi phát hiện hư hỏng của cống người tuần tra phải tiến hành các công việc như đối với đê.
4. Tuần tra canh gác kè:
- Kiểm tra kè khi chưa bị ngập: Mái kè, quan sát dòng chảy. - Kiểm tra khi nước phủ bãi kè bị ngập.
- Theo dõi chặt chẽ các hàng tiêu đã cắm, khi phát hiện tiêu đã bị đổ thải kiểm tra và báo cáo ngay với đội trưởng và Ban chỉ huy PCLB cấp trực tiếp.
- Kiểm tra sau khi nước rút.