Là những loài thực vật có rễ hoặc thân rễ phát triển trong nước, phần thân và lá nổi trên mặt nước và có thể di chuyển nhờ nước. Toàn bộ quá trình dinh dưỡng và trao đổi chất diễn ra nhờ nước. Chúng bao gồm các loài: Bèo tây, Bèo tai chuột, Bèo tấm, Rau
muống, Ngổ trâu. Thông thường các loài trôi nổi tập trung thành từng mảng với các kích
thước khác nhau. Biên độ sinh thái của các loài khá rộng, phân bố từ những nơi nước sạch đến những vùng nước bị ô nhiễm tương đối nặng. Kích thước và sinh khối quần xã rất khác nhau tùy thuộc vào môi trường. Trên những vùng nước sạch chưa bị ô nhiễm thường tồn tại các quần hợp nhỏ Bèo tây, quần hợp Bèo cái. Trên những vùng bị ô nhiễm khá mạnh thường thấy quần xã thực vật trôi nổi với những ưu thế các loài Rau muống,
Bèo tây, Bèo cái, Bèo ong, Bèo tai chuột, Bèo tấm, Ngổ trâu. Chúng tạo thành những
mảng lớn phủ kín trên một diện tích lớn thủy vực. Những nơi nước nông gần bờ xuất hiện thêm các đại diện chịu ngập cố định như Rau dừa nước, Rau mương đứng, Cỏ gừng
nước, Sậy, Cỏ lồng vực nhỏ… Diện tích kích thước và sinh khối quần xã thay đổi theo
mùa nước, tuy nhiên trên những vùng nước ít chảy xiết chúng thường phát triển rất mạnh, tập trung thành những khu vực lớn trên bề mặt cũng như ngập trong nước trong các thủy vực nói trên. Nhiều loài trong số chúng có khả năng phân giải từng phần ô nhiễm nguồn nước sông. Sinh khối trung bình đạt khoảng 45 – 50 tấn/ha. Quần xã này phổ biến trên tất cả các tuyến sông khảo sát. Nhìn chung, các quần xã thực vật trôi nổi này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước trên các lưu vực sông nhất là đoạn từ cống Nhật Tựu đến ngã ba sông - nơi hòa nguồn nước với sông Đáy. Chúng có tác dụng làm lắng đọng các chất thải rắn trôi nổi trong nguồn nước chảy qua cống Nhật Tựu nhờ hệ rễ của các cá thể trong quần xã. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển của chúng lại làm hạn chế dòng chảy và mỗi khi có mưa xuống hay mỗi đợt thải nước qua cống, do các quần xã này gây cản trở dòng chảy đã làm cho nước thải ô nhiễm lan rộng vào các dải đất ven sông.