CSTT của Thái Lan

Một phần của tài liệu các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước việt nam - thực trạng và giải pháp hoàn thiện (Trang 33 - 35)

Vào đầu những năm 1990, quá trình tự do hóa tài chính ở Thái Lan diễn ra mạnh mẽ, NHTW Thái Lan đã chuyển việc sử dụng các công cụ trực tiếp sang gián tiếp, tuy nhiên, khi thị trường tài chính mở cửa thì các NHTM trong nước được tiếp cận với nhiều nguồn vốn quốc tế nên ít phụ thuộc vào các khoản vay từ NHTW và lãi suất trong nước phụ thuộc vào lãi suất thế giới. Do vậy, chính sách lãi suất cũng tỏ ra kém tác dụng.

Thị trường tài chính Thái Lan có nét đặc thù là bị ảnh hưởng mạnh bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài nên NHTW Thái Lan sử dụng nghiệp vụ thị trường mở rất tích cực để điều tiết lượng vốn này. Hàng hóa giao dịch trên nghiệp vụ thị trường mở bao gồm các chứng khoán chính phủ, trái phiếu NHTW Thái Lan, chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước được Bộ Tài chính bảo lãnh phát hành. Trong những năm 1990, trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh do tình trạng bội chi ngân sách nên các loại tín phiếu ngắn hạn, tín phiếu NHTW và hợp đồng mua lại thường chiếm tỉ trọng lớn trong các giao dịch trên thị trường mở. So với các nước đang phát triển, thị trường mở của Thái Lan tương đối lớn. Tuy nhiên, sự hạn chế về hàng hóa cũng như cơ chế hoạt động thị trường chưa hoàn hảo nên đã làm hạn chế tác động của CSTT.

CSTT của Thái Lan đã tỏ ra kém hiệu quả trong việc can thiệp vào luồng vốn đi vào. Trong điều kiện kinh tế mở, chính sách tỷ giá hối đoái cố định đã gây rất nhiều khó khăn trong việc điều tiết, việc phối hợp giữa các công cụ cũng gặp nhiều trở ngại.

Khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Đông Nam Á năm 1997, bắt đầu từ Thái Lan là hậu quả của CSTT kém hiệu quả và những yếu kém trong việc quản lý hệ thống ngân hàng Thái Lan, thể hiện ở các mặt sau:

- Việc quản lý ngân hàng còn yếu kém, hệ thống giám sát ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả. Mặc dù hệ thống ngân hàng Thái Lan phát triển rất

nhanh từ những năm 80 nhưng việc quản lý và giám sát ngân hàng đặc biệt là từ NHTW Thái Lan tỏ ra rất lỏng lẻo. Các báo cáo tài chính của một số các ngân hàng và công ty tài chính thiếu chính xác, nhằm đối phó các cơ quan quản lý. Qua đó, các ngân hàng Thái Lan đã che dấu tình trạng thua lỗ từ sau 1992 đến khi khủng hoảng xảy ra.

- Cơ cấu tín dụng thiếu hợp lý: Không riêng gì ở Thái Lan mà các nước trong khu vực đều có cơ cấu đầu tư theo kiểu “bong bóng”, tức là phát triển kinh tế không dựa vào nội lực mà chủ yếu là từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ở Thái Lan, nguồn vốn này lại chủ yếu chảy vào thị trường tài chính và bất động sản, một thị trường có tính rủi ro rất cao, khi có những tác động từ bên ngoài, lập tức thị trường này biến động, các nhà đầu tư nước ngoài bán đổ bán tháo tài sản trong nước để rút vốn tháo chạy. Trong tình hình đó, nội lực không đủ để chấn chỉnh, dẫn đến tài chính quốc gia và hệ thống ngân hàng bị mất cân đối nghiêm trọng.

- Sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Vì là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng có quy mô đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn là rất cao. Trong tình hình đó, các ngân hàng Thái Lan đã mạo hiểm sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với tỷ lệ lớn. Điều này đã làm tăng rủi ro tín dụng, các khoản nợ quá hạn của hệ thống ngân hàng trong thời kỳ 1992 – 1995 chiếm đến 30% so với dư nợ cho vay.

Sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ, Thái Lan đưa ra những biện pháp kiên quyết để nhanh chóng khắc phục hậu quả:

- Tiến hành sắp xếp, đánh giá, phân loại các NHTM, đóng cửa 52 chi nhánh ngân hàng và công ty tài chính yếu kém.

- Trong từng NHTM được tồn tại phải tiến hành đánh giá, sắp xếp, phân loại khách hàng và cải tổ toàn diện ngân hàng để nâng cao hiệu quả tín dụng.

- Chính phủ vào cuộc để ổn định tình hình tài chính quốc gia: Chính phủ thành lập Cơ quan tái cơ cấu tài chính (Financil Restructuring Agency – FRA) để quản lý thanh khoản các ngân hàng và các công ty tài chính có vấn đề, đồng thời Công ty quản lý tài sản (Asset Management Company – AMC) được thành lập để quản lý và tiến hành thu những khoản nợ khó đòi.

Cùng với những biện pháp cải cách mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, đồng thời IMF đã cho Thái Lan vay 17,2 tỷ USD giúp Thái Lan nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng.

Một phần của tài liệu các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước việt nam - thực trạng và giải pháp hoàn thiện (Trang 33 - 35)