Việc phát triển HTXNN là chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Do đó nhà nước rất chú trọng đến HTXNN. HTX được coi là một hình thức doanh nghiệp. Bởi vậy chính phủ tiến hành việc quản lý HTX thông qua một cơ quan nhà nước chỉ định.
Sau khi có Luật HTX, chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích phát triển HTX, Ban bí thư trung ương đảng đã có chỉ thị 68/CT-TW ngày 24/5/1996 về Phát triển kinh tế hợp tác trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế, Tỉnh uỷ An giang có chương trình hành động số 02/CTr- TU ngày 27/7/1996 thực hiện Chỉ thị 68 của Ban bí thư trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành chỉ thị 25/ 1998/CT-UB ngày 01/7/1998 về tập trung đẩy mạnh phát triển HTXNN gắn với công tác xoá đói giảm nghèo. Được sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp & PTNT, với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp trong tỉnh về phát triển kinh tế HTXNN đã đạt được những kết quả như sau:
Trước khi triển khai đề án phát triển HTX của UBND tỉnh, tính đến tháng 8 năm 2001 toàn tỉnh An giang đã thành lập được 91 HTX; (trong đó có 86 HTX nông nghiệp và 05 HTX thuỷ sản) với tổng số: 7.333 Xã viên (bình quân 81 xã viên/ HTX), quản lý 29.469 ha điện tích đất canh tác ( bình quân 343 ha/ HTX ), huy động vốn góp cổ phần được 8.560 triệu đồng, đạt 80,05% so với vốn điều lệ.
Sau khi triển khai đề án phát triển HTX của UBND tỉnh ngày 18/9/2001 các HTXN mới thành lập có chất lượng và tính bền vững cao hơn do công tác vận động tốt, tính chất tự nguyện cao của nông dân khi tham gia vào HTX được nâng lên, các HTX mới thành lập gần như 100% xã viên đều có đất, vốn điều lệ khi mới thành lập đạt tỷ lệ khá cao trên 81%.
Đến cuối tháng 6/2002 tổng số HTX trong toàn tỉnh: 108 HTX ( trong đó: 102 HTX NN, 05 HTX thuỷ sản, 01 HTX chăn nuôi) với 8.059 xã viên, 99.372 cổ phần ( mệnh giá cổ phần thấp nhất là 20.000 đồng và cao nhất là 500.000 đồng ), tổng vốn điều lệ huy động thực tế 10,2 tỷ đồng ( đạt 79,70% ) tổng diện tích sản xuất 31.514 ha.
Đến tháng 7 năm 2003 toàn tỉnh có 120 HTX ( trong đó có 112 HTX nông nghiệp và 07 HTX thuỷ sản, 01 HTX chăn nuôi ) với tổng số 9.003 Xã viên ( bình quân 75 xã viên/HTX ) quản lý 34.436 ha diện tích canh tác ( bình quân 307 ha/HTX ) huy động vốn cổ phần được 13.132 triêu đồng đạt 76,6 % so với vốn điều lệ.
Các HTXNN chỉ thực hiện chức năng chủ yếu của mình là làm dịch vụ cho sản xuất của các hộ gia đình, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nông dân sản xuất tốt nhất. Còn việc sản xuất nông nghiệp là do từng gia đình sản xuất trên đất đai của mình, HTXNN không trực tiếp can thiệp.
Đa số HTXNN chọn bơm tưới, tiêu làm dịch vụ đột phá và hoạt động khá hiệu quả, có lãi để tích luỹ và chia lãi cổ phần cho xã viên cao hơn lãi suất tiền gởi ngân hàng. Có một HTXNN mở ra được các dịch vụ khác như kéo lúa, suốt, làm đất, sấy lúa, cung ứng thức ăn gia súc…. Các HTX thuỷ sản làm dịch vụ cung ứng thức ăn, con giống và làm đầu mối quan hệ tiêu thụ sản phẩm với giá có lợi cho xã viên…. Nhìn chung, các dịch vụ sản xuất nông nghiệp do HTX thực hiện đều làm hạ được chi phí sản xuất cho nông dân so với tư nhân đảm nhận trước đây.
Mục đích của HTXNN là phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình xã viên chứ không phải kinh doanh kiếm lãi. Mục đích người góp vốn cổ phần vào HTXNN chủ yếu là để tăng sức mạnh, tổ chức được những dịch vụ tốt hơn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của từng hộ. Lợi ích chủ yếu để lôi kéo nông dân vào HTX chính là lợi ích được hưởng dịch vụ chứ không phải góp vốn cổ phần vào HTXNN để được chia nhiều lãi theo cổ phần.
Điều kiện thuận lợi của HTXNN An giang là sản xuất tập trung, nên phần lớn các dịch vụ HTX thực hiện đều sử dụng cơ giới hoá, nhưng chỉ mới thực hiện một vài khâu trong sản xuất như: cơ giới trong khâu làm đất, tưới tiêu bằng điện thay cho máy bơm dầu, đầu tư máy sạ lúa thay cho gieo sạ bằng thủ công và máy sấy lúa cho một số HTX làm thí điểm để nhân rộng ra trên địa bàn. Do đó, đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí
sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và qua thực tế cho thấy: chỉ có mô hình kinh tế HTX mới có đủ điều kiện thực hiện cơ giới hoá, điện khí hoá trong nông nghiệp. Được UBND tỉnh đã chủ trương hoá giá, phát mãi với giá ưu đãi nhiều trạm bơm điện và hệ thống đường nước cho HTX quản lý khai thác, tạo điều kiện cho HTX thực hiện điện khí hoá trong nông nghiệp và mở mang ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn,… nhờ đó mà mô hình kinh tế HTX sớm ra đời và phát triển đúng hướng.
Bên cạnh thuận lợi nêu trên, kinh tế HTXNN An giang cũng còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền vận động về kinh tế HTX chưa được thường xuyên và sâu rộng trong nhân dân, một số bộ phận không ít cán bộ Đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ và đúng đắn về HTX kiểu mới, còn ấn tượng sâu nặng về mô hình và hậu quả của HTX trong thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp trước đây. Phần lớn cán bộ giữ chức danh chủ chốt của HTX như chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng có trình độ văn hoá thấp và chưa qua đào tạo chuyên môn. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất làm hạn chế sự phát triển của HTX; vốn cổ phần ít và thiếu vốn sản xuất kinh doanh ở hầu hết các HTX, trong khi đó HTX đi vay vốn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp; sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nhà nước đối với HTX còn rất hạn chế, một số địa phương can thiệp quá sâu vào hoạt động của HTX, ngược lại cho rằng HTX là đơn vị tự chủ nên thiếu quan tâm hỗ trợ, buông lỏng quản lý.
Để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, đô thị hoá nông thôn, trong những năm trước mắt trọng tâm chỉ đạo của nhà nước và các đoàn thể quần chúng ở nông thôn, nhất là Hội nông dân phải tạo điều kiện cho tổ sản xuất nông nghiệp có thể chuyển thành HTX một cách hợp quy luật. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của HTX và các tổ chức kinh tế hợp tác, nhưng phải tạo thành hành lang pháp lý, ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và HTX của nông dân như miễn hoặc giảm thuế cho HTX đang hoạt động dịch vụ “đầu vào” và “đầu ra” của kinh tế hộ nông dân, là thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác, xử lý thoả đáng theo pháp luật các tranh chấp trong hoạt động giữa HTX và các tổ chức kinh tế hợp tác, xử lý các vấn đề phát sinh khi giải thể HTX theo luật pháp; hướng dẫn cách quản lý có hiệu quả, đào tạo miễn hoặc giảm phí cho đội ngũ cán bộ HTX và các tổ chức kinh tế hợp tác, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức khuyến nông. Cần coi việc giúp nông dân thành lập và quản lý tốt các tổ chức kinh tế hợp tác của họ là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức khuyến nông, nhất là của hệ thống khuyến nông địa phương.
Để thực hiện các giải pháp nêu trên nhà nước cần có chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho Hợp tác xã phát triển, nâng cao đời sống cho Xã viên; cụ thể như: đào tạo - tập huấn cán bộ hệ thống HTX của địa phương, cải cách thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ nông - thuỷ sản, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách về giá vật tư trong sản xuất nông nghiệp, giá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,…, triển khai và áp dụng kịp thời các thành tựu mới về khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp đến từng địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống HTX nông nghiệp phát triển một cách dễ dàng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.