Để đọc hiểu bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường một cách đạt hiệu quả cần phải vận dụng linh hoạt các kĩ năng đọc hiểu cơ bản. Chúng tôi đưa ra các kĩ năng đọc hiểu sau:
Kĩ năng đọc chính xác: “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” là bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ viết về thiên nhiên, con người và văn hóa Huế. Trước tiên, giáo viên phải yêu cầu học sinh đọc kĩ bài kí, đọc chính xác tên địa danh như Cồn Hến, Nguyệt Biều, Lương Quán, Hòn Chén, Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo, Bao Vinh, chùa Thiên Mụ...đây là những địa danh quan trọng gắn với
mảnh đất Huế, nắm tên địa danh có thể hình dung phần nào thủy trình của Hương giang. Cùng với việc đọc chính xác tên địa danh, cần đọc chính xác những đoạn miêu tả sông Hương với các đặc điểm nổi bật của nó như đoạn miêu tả màu nước của sông Hương, đoạn so sánh sông Hương với người thiếu nữ hay với những dòng sông nổi tiếng trên thế giới, Đặc biệt, là giá trị về lịch sử và văn hóa của dòng sông. Đọc chính xác, đọc kĩ đoạn trích còn giúp học sinh phát hiện ra được điểm nhìn trần thuật, ngôi trần thuật và giọng điệu trần thuật, giúp các em phát hiện nghệ thuật sử dụng từ ngữ, câu văn và các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ mà Hoàng Phủ đã dùng trong bút kí để từ đó vừa cung cấp được lượng kiến thức cần thiết vừa tăng khả năng tư duy và phát hiện vấn đề ở học sinh. Trong bút kí tác giả dùng ngôi thứ nhất xưng tôi, điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài khi miêu tả sông Hương và điểm nhìn bên trong khi bộc lộ nhũng cảm xúc, suy nghĩ về lịch sử, văn hóa của Hương Giang. Đây là kĩ năng đọc vô cùng quan trọng, không thể thiếu đối với các em trong việc tìm hiểu các tác phẩm văn học nói chung và kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường nói riêng.
Kĩ năng đọc phân tích: Phân tích là chia nhỏ đối tượng để cắt nghĩa và lí giải nó. Sau khi đọc chính xác, đọc kĩ văn bản tác phẩm, giáo viên và học sinh cần thực hiện kĩ năng đọc phân tích bút kí. Đọc phân tích giúp cho việc định hướng chính xác vấn đề nổi bật của tác phẩm, hiểu được bản chất và giải quyết những vấn đề mà nhà văn muốn nói. Đối với bút kí “Ai đã đặt tên cho
dòng sông ?” giáo viên cần yêu cầu học sinh phân tích hình tượng trung tâm
sông Hương từ các phương diện thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đồng thời tìm và phân tích những câu văn thể hiện tâm trạng, cái tôi của tác giả, phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ và liên kết câu trong văn bản. Trong quá trình đọc phân tích, học sinh có thể tự đặt những câu hỏi băn khoăn, thắc mắc về các vấn đề văn hóa, lịch sử, nghệ thuật mà kí giả trình bày trong bút kí
cũng như bày tỏ cảm nhận của mình với vẻ đẹp của dòng sông, ví như: Vì sao sông Hương lại trở nên quan trọng với con người và văn hóa Huế, văn hóa dân tộc như vậy? Hãy tìm và phân tích những câu văn thể hiện mối quan hệ
của sông Hương với lịch sử, văn hóa và thi ca Huế?...và khi lí giải được nó
tức các em đã hiểu được nội dung của tác phẩm. Hiểu được những trăn trở trong lòng nhà văn và hiểu được văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bên cạnh đó, việc yêu cầu học sinh tìm và phân tích những từ đắt, từ lạ cũng là một hoạt động cần thiết trong đọc phân tích. Đó là những từ ngữ như : cô gái
di gan phóng khoáng và man dại, người tình mong đợi, người gái đẹp ngủ
mơ mang, người tài nữ đánh đàn, tiếng vâng không nói ra của tình yêu... Từ
đó, học sinh thấy được sự đa dạng trong tính cách của sông Hương vừa gan dạ, bản lĩnh song cũng dịu dàng và thủy chung. Nhận ra sông Hương không chỉ là một dòng sông đẹp lung linh, kì diệu với cảnh sắc thiên nhiên mà còn là dòng sông văn hóa, dòng sông đời người. Vì vậy, kĩ năng đọc phân tích là một hoạt động đọc không thể thiếu trong quá trình đọc hiểu tác phẩm văn học của giáo viên và học sinh THPT. Nhờ kĩ năng đọc phân tích giáo viên dẫn dắt và gợi dẫn học sinh tìm hiểu toàn diện nội dung văn bản của bút kí Ai đã đặt
tên cho dòng sông?.
Kĩ năng đọc sáng tạo: Đây là kĩ năng đọc đòi hỏi học sinh phải có một lượng kiến thức về văn học và năng lực thẩm mĩ nhất định. Bởi lẽ, văn học là một loại hình nghệ thuật ngôn từ mang tính đa nghĩa và tính khái quát cao, cho nên, không chỉ đọc và phân tích để đơn thuần phát hiện ra nội dung của tác phẩm, mà sâu hơn còn phát hiện thêm những nội dung mới, làm giàu có về ý nghĩa xã hội và ý vị nhân sinh trong tác phẩm. Sau khi đã đọc chính xác và đọc phân tích bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” giáo viên định hướng học sinh đọc sáng tạo tác phẩm bằng cách đưa ra những câu hỏi gợi mở, câu hỏi nêu vấn đề để khơi gợi khả năng liên tưởng, tưởng tượng của học sinh.
Chẳng hạn, khi tìm hiểu về mối quan hệ giữa sông Hương với văn hóa, lịch sử và thi ca, giáo viên yêu cầu học sinh trình bày những hiểu biết của mình về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc cổ điển của Huế. Từ đó, soi vào tác phẩm để lí giải tại sao tác giả lại đưa tất cả những cái đó vào trong bài kí, dụng ý của nhà văn là gì, chỉ để cho độc giả thấy sự hiểu biết của mình hay còn mang ý nghĩa khác? Từ đó, học sinh thấy được sự tri ân trong tâm hồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với tập thể nhân dân, những con người vô danh góp phần làm giàu thêm văn hóa của quê hương, xứ sở. Ngoài ra, Với hình tượng sông Hương – một sự vật vô tri, vô giác nhưng qua ngòi bút của Hoàng Phủ lại trở nên sinh động và có hồn như chính con người và mảnh đất Huế sinh thành ra nó. Từ đó, sông Hương trở thành dòng sông yêu thương, dòng sông văn hóa, dòng sông đời người trong trái tim của mỗi người dân Huế khi xa quê hương. Cuối cùng giáo viên đặt vấn đề: Vậy theo các em tại sao tên của dòng sông là sông
Hương? Ai đã đặt tên cho dòng sông? trên cơ sở đã tìm hiểu tác phẩm và
tham khảo đoạn trữ tình ngoại đề các em có thể hiểu được nguyên nhân ra đời tên của dòng sông theo huyền thoại mà tác giả cung cấp: vì yêu quý con sông nên nhân dân hai bên bờ đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống sông để cho làn nước thơm tho mãi mãi. Huy động sự liên tưởng, sáng tạo kết hợp với nội dung kiến thức trong bài học sinh có thể phát hiện: Không phải tác giả hay một cá nhân nào đặt tên cho dòng sông mà chính lịch sử văn hóa và con người Huế với niềm tự hào, trân trọng đã đặt tên cho nó. Bên cạnh đó, học sinh có thể phát hiện ra một số vấn đề mà bài kí chưa đề cập tới từ đó tìm ra được những ý nghĩa mới lạ trong tác phẩm. Ví dụ như: Từ phong cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường các em liên hệ, so sánh với Nguyễn Tuân để tìm ra cá tính
sáng tạo và nét riêng của hai tác giả đều viết về kí Việt Nam hiện đại. Hoặc
Tại sao Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn sông Hương làm đề tài trong nhiều sáng tác của mình? Sông Hương có gì đặc biệt mà có thể hấp dẫn nhà văn
đến vậy? Viết về bất cứ dòng sông nào trên trái đất, người ta cũng cần có, cần thể hiện được một tình yêu tha thiết, lắng sâu và một sự am tường không hề sách vở về những vấn đề địa lí, lịch sử và văn hoá gắn liền với chúng. Bởi các dòng sông luôn là cái nôi của những vùng, những nền văn hoá đa dạng, lắm sắc màu và là đối tượng mà các cư dân sống trong vòng tay của chúng phải vô hạn biết ơn. Viết về con sông Hương cũng cần và lại càng cần như vậy. Hoàng Phủ là người con của Huế gắn bó và từng ngày chứng kiến sự trưởng thành của Huế và ông yêu tha thiết, yêu bằng cả trái tim dòng sông Hương quê mình. Viết về sông Hương không chỉ trở thành đam mê mà còn là trách nhiệm là lòng biết ơn của ông với quê hương. Đọc sáng tạo giúp học sinh không chỉ hiểu được nội dung bài kí mà còn nắm được ý nghía sâu xa của tác phẩm và không chỉ nâng cao được kĩ năng đọc hiểu tác phẩm kí mà còn tạo hứng thú để các em tìm hiểu thể loại văn học vốn được coi là khó và không mấy hấp dẫn học sinh phổ thông hiện nay.
Kĩ năng đọc tích lũy: Trong các kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học, đọc tích lũy là kĩ năng được tiến hành sau khi đã đọc chính xác, đọc phân tích và đọc sáng tạo. Đây là kĩ năng đọc hiểu quan trọng và phức tạp đối với học sinh, vì xét cho cùng mục đích cao nhất của việc dạy văn trong nhà trường là cung cấp cho các em những tri thức công cụ về môn học đồng thời bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, vốn sống để cho học sinh phát triển và hoàn thiện nhân cách. Do vậy, một thực tế đặt ra là: kết thúc mỗi tác phẩm học sinh nhận được những gì? Ngoài tri thức về bài học mà SGK và giáo viên cung cấp, các em còn hiểu thêm những điều gì về cuộc sống? Đó là vấn đề mà các nhà giáo dục và giáo viên dạy văn luôn trăn trở và không ngừng nỗ lực để tìm ra những phương pháp dạy học hữu hiệu cho học sinh. Đối với việc đọc hiểu tác phẩm kí ở chương trình THPT ngoài kí trung đại các em được tiếp xúc với hai tác phẩm kí hiện đại là: Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên
cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sau khi học xong tùy bút của Nguyễn Tuân, đến bút kí của Hoàng Phủ các em đã có kiến thức căn bản về thể kí, tuy hành văn, giọng điệu và ngôn ngữ khác nhau song về cơ bản các kí giả đều tôn trọng những quy luật chung của thể loại như sự thật về đối tượng phản ánh, yếu tố hư cấu và các thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm. Đọc tích lũy bút kí: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là hoạt động đọc mang tính chất tổng hợp và khái quát toàn bộ nội dung bài kí cùng với một vốn tri thức nhất định về văn hóa, thiên nhiên và con người Huế, học sinh khái quát về giá trị và ý nghĩa của tác phẩm. Đây là kĩ năng chưa phát huy hiệu quả tức thời, song lại rất cơ bản trong dạy học môn Văn ở THPT. Nó giúp học sinh không chỉ hiểu về tri thức văn học mà còn có khả năng hệ thống hóa những tri thức đó để nâng cao năng lực văn học và làm giàu có vốn sống của bản thân.
Vận dụng các kĩ năng đọc hiểu trên trong bài kí: Trong tiến trình dạy đọc hiểu bút kí: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” giáo viên cần vận dụng tổng hợp và đồng bộ các kĩ năng đọc hiểu trên để tạo ra hiệu quả tiếp nhận cho học sinh. Mặc dù, mỗi kĩ năng đọc có một đặc điểm và yêu cầu riêng song giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sau khi tiến hành đọc chính xác văn bản tác phẩm, cần đọc phân tích, đọc sáng tạo và đọc tích lũy để nắm trọn vẹn được nội dung và ý nghĩa thời đại của nó. Nếu xem nhẹ hoặc bỏ qua bất cứ một kĩ năng nào cũng có thể gây hạn chế cho việc đọc hiểu tác phẩm. Bút kí
“Ai đã đặt tên cho dòng sông ?” là một bút kí hay nhưng tương đối dài mà
thời lượng chương trình không nhiều cho nên, sau khi đọc kĩ văn bản tác phẩm để nắm được một cách khái quát tinh thần chung của nó, giáo viên cần lựa chọn những đoạn văn tiêu biểu để phân tích và định hướng học sinh phát huy khă năng tư duy và sáng tạo. Nếu vận dụng kết hợp hài hòa các kĩ năng đọc chính xác, đọc phân tích, đọc sáng tạo và đọc tích lũy sẽ nâng cao hiệu quả giờ dạy học đọc hiểu đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”