0
Tải bản đầy đủ (.doc) (112 trang)

Phác đồ điều trị trong điện châm, thủy châm và tác dụng của các động tác xoa

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VẬN ĐỘNG CỦA TRẺ BẠI NÃO THỂ CO CỨNG BẰNG ĐIỆN CHÂM, THỦY CHÂM KẾT HỢP XOA BÓP BẤM HUYỆT (Trang 82 -88 )

- Tiến hành các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt sau khi điện châm và thủy châm như sau:

4.3.2. Phác đồ điều trị trong điện châm, thủy châm và tác dụng của các động tác xoa

động tác xoa bóp bấm huyệt

4.3.2.1. Phác đồ điều trị trong điện châm, thủy châm:

Các đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành điều trị theo phác đồ của Giáo sư Nguyễn Tài Thu [20].

Trong phác đồ điều trị bệnh, các kinh và huyệt đều được chọn theo lý luận của Y học cổ truyền. Y học phương Đông cho rằng “Bệnh tật phát sinh là do mất thăng bằng Âm dương”, do đó mục đích điều trị là lập lại cân bằng Âm dương. Bệnh tật phát sinh ra làm rối loạn hoạt động bình thường của hệ

kinh lạc tác dụng của châm cứu nói chung và điện châm nói riêng là phải lập được thăng bằng âm dương, điều chỉnh cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc. Để đạt được mục đích này, người thầy thuốc phải chọn được kinh huyệt thích hợp và vận dụng kỹ thuật “bổ - tả” thích hợp. Phác đồ huyệt của Giáo sư Nguyễn Tài Thu đưa ra dựa trên học thuyết Kinh lạc, học thuyết Âm dương, học thuyết Ngũ hành và học thuyết Tạng tượng.

Trẻ bị bại não theo quan niệm của Y học cổ truyền là do thận, tỳ và can hư. Chính vì vậy trong quá trình điều trị phải dùng phép “bổ” để tư âm dưỡng huyết, thư cân hoạt lạc. Trong phác đồ, chúng tôi châm bổ huyệt Huyết hải, Tam âm giao, Túc Tam lý và Dương lăng tuyền.

Châm bổ huyệt Huyết hải (tượng trưng cho bể của huyết) có tác dụng làm cho huyết được tăng cường và lưu thong tốt, đi nuôi dưỡng cơ thể, đến các chi giúp phục hồi các cơ bị liệt. Huyệt Tam âm giao giao hội của 3 đường kinh âm là Túc thái âm Tỳ, Túc quyết âm Can, Túc thiếu âm Thận là huyệt thứ 6 của kinh Tỳ, châm bổ có tác dụng bổ khí của ba kinh âm và toàn bộ cơ thể, làm cho chức năng của ba tạng Can, Thận Tỳ đều mạnh lên. Huyệt Túc tam lý là huyệt hợp của kinh Dương minh Vị là nơi dương khí tập trung nhiều, là nơi khí huyết của kinh Vị đổ vào cơ thể có tác dụng phù chính bồi nguyên bổ hư, phòng ngừa bệnh tật. Mặt khác Tỳ - Vị là biển của tinh hoa ngũ cốc, gốc của tinh khí hậu thiên, ngũ phủ lục tạng đều nhờ Tỳ Vị khí để dinh dưỡng. Tỳ- Vị có mạnh thì cơ nhục mới được nuôi dưỡng đầy đủ, giúp phục hồi vận động nhanh chóng. Huyệt Dương lăng tuyền là huyệt hợp của kinh Thiếu dương Đởm, là huyệt hội của cân trong bát hội huyệt. Châm bổ có tác dụng thư cân, giảm cân cơ co cứng và theo Y học hiện đại huyệt có tác động đến cơ mác dài và cơ duỗi chung các ngón.

Ngoài phương pháp “bổ”, trong điều trị liệt vận động cho trẻ bại não còn dùng thủ thuật “tả”. Phương pháp châm “tả” nhằm mục đích thanh

nhiệt, phục hồi chức năng sinh lý và vận động. Theo Giáo sư Nguyễn Tài Thu, trong điều trị liệt vận động ngoài việc vận dụng lý luận cơ bản còn dung nguyên tắc “Kinh lạc sở quá, chủ trị sở cập”, nghĩa là dùng huyệt trên đường kinh đi qua nơi bị bệnh để điều trị. Phương pháp chọn huyệt này còn gọi là “Tuần kinh thủ huyệt”.

Các huyệt trong phác đồ đa số nằm trên các đường kinh dương: kinh Dương minh, kinh Thái dương và kinh Thiếu dương. Sách Tố Vấn nêu rõ: “Kinh Dương minh là bể của năm tạng sáu phủ, chủ nhu nhuận tôn cân, làm lưu lợi các khớp”, do đó gân cơ không bị co rút, các khớp co duỗi dễ dàng.

Các huyệt châm tả thuộc kinh Dương minh trong phác đồ: Kiên ngung, Khúc trì, Hợp cốc, Giải khê. Y học hiện đại cho rằng: huyệt Kiên ngung tác dụng chính vào cơ Delta, huyệt Khúc trì tác động trên cơ quay và cơ duỗi dài các ngón, huyệt Hợp cốc và các huyệt Bát tà đều có tác dụng trên các cơ gian cốt bàn tay. Huyệt Giải khê thuộc kinh Dương minh Vị có ảnh hưởng đến gân cơ cẳng chân trước và cơ duỗi dài riêng ngón cái.

Ngoài các huyệt trên kinh Dương minh, trong điều trị liệt vận động cho trẻ bại não còn dùng đến các huyệt trên kinh Thái dương và Thiếu dương. Các huyệt trên kinh Thái dương chủ yếu trên kinh Bàng quang trong tư thế nằm sấp của trẻ, đó là các huyệt Trật biên, Thừa phù, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn. Các huyệt này ảnh hưởng đến nhóm cơ mặt sau mông và đùi của trẻ, nhóm cơ gấp, ảnh hưởng trực tiếp vận động chi dưới, huyệt Trật biên có tác dụng phục hồi cơ mông lớn và cả dây thần kinh hông to, huyệt Thừa phù trùng với điểm vận dây thần kinh hông to, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn trùng với điểm vận động của dây thần kinh chày. Đặc biệt, huyệt Ủy trung còn là huyệt tổng của vùng lưng, khi châm huyệt này làm cho cột sống lưng và các cơ vùng lưng mạnh lên rất nhiều, giúp bệnh nhân nhanh chóng ngồi lên được.

Ngoài ra, phải kể đến nhóm huyệt ngoài đường kinh đó là các huyệt Giáp tích với mục đích đạt được kích thích liên quan đến tiết đoạn tủy sống chi phối vận động chi trên và chi dưới. Các huyệt Hoa đà Giáp tích nằm dọc hai bên cột sống cách mạch Đốc 0,5 thốn, gồm 17 cặp huyệt xếp theo hai hàng thẳng từ ngang mỏm gai đốt sống lưng D1 đến ngang mỏm gai đốt sống thắt lưng L5. Chi trên được chi phối vận động, cảm giác bởi ngành bên và ngành cùng của đám rối thần kinh cánh tay, được cấu tạo bởi ngành trước từ C4 đến D1. Chi dưới được chi phối bởi đám rối thần kinh thắt lưng và đám rối cùng, được cấu tạo bởi ngành trước từ L3 đến S1. Do đó, khi châm các huyệt Giáp tích có tác dụng kích thích đám rối thần kinh cánh tay điều trị liệt vận động chi trên và kích thích đám rối thần kinh thắt lưng, đám rối cùng điều trị liệt chi dưới.

Trong phác đồ thủy châm, chúng tôi có thủy châm hai huyệt Khúc trì và Túc tam lý, hai huyệt này đều là huyệt hợp, đều thuộc kinh dương minh là kinh đa khí, đa huyết. Huyệt Khúc trì có tác động trên cơ quay và cơ duỗi dài các ngón, là các nhóm cơ tác dụng giúp cử động chi trên. Huyệt Túc tam lý trùng với điểm vận động cơ mác, có tác dụng làm cho khớp gối cử động dễ dàng, giúp bệnh nhi tập đứng, đi tốt hơn. Ngoài tác dụng tại chỗ, huyệt có tác dụng toàn thân, bồi bổ nguyên khí, nâng cao thể trạng, điều này giúp quá trình phục hồi vận động ở trẻ bại não diễn ra nhanh hơn. Thủy châm là phương pháp điều trị kết hợp giữa YHHĐ và YHCT. Trong phác đồ, chúng tôi có sử dụng Vitamin B1 và Vitamin B12 thủy châm cho trẻ, là hai Vitamin đều cần thiết cho việc chuyển hóa bình thường của tế bào thần kinh, và sự phối hợp này tăng cường mạnh hiệu quả điều trị hơn so với hiệu quả của từng vitamin trên khi dùng riêng rẽ. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy sự kết hợp của các vitamin B làm tăng các quá trình phục hồi tổn thương các sợi thần kinh, cuối cùng tăng cường sự hồi phục chức năng của cơ.

4.3.2.2. Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt trong phục hồi vận động cho trẻ bại não

* Cơ chế tác dụng của xoa bóp bấm huyệt (XBBH)

Y học hiện đại và Y học cổ truyền đều có xoa bóp với đặc điểm chung là người làm xoa bóp dùng sự khéo léo và sức mạnh chủ yếu của đôi bàn tay của mình tác động lên cơ thể người bệnh với một lực thích hợp.

Đặc điểm của XBBH là người thầy thuốc dùng bàn tay - ngón tay tác động lên huyệt, da, cơ, gân, khớp của người bệnh, nhằm mục đích phòng và chữa một số bệnh nhất định. Phương pháp này là phương pháp không dùng thuốc, đơn giản, không tốn kém.

Theo YHHĐ, xoa bóp được xếp vào một trong những phương pháp của vật lý trị liệu. Do đó, xoa bóp trước tiên là một kích thích vật lý, trực tiếp tác động tại chỗ, vào da, thần kinh, mạch máu. Tác dụng đó chính là:

- Tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ cho vùng da, cơ, khớp được xoa bóp.

- Tăng tính đàn hồi, tăng sức bền và tăng năng lực hoạt động của cơ; tăng nuôi dưỡng các cơ bị liệt.

- Điều hòa các rối loạn trương lực cơ: làm giảm trương lực cơ (khi cơ tăng trương lực), giảm đau ở những phần cơ co cứng, làm các cơ nhẽo (giảm trương lực) mạnh lên.

- Chi, khớp xoa bóp được tăng cường vận động, tránh được teo cơ, cứng khớp.

Khác với YHHĐ, xoa bóp cổ truyền còn tác động lên huyệt (cơ quan cảm thụ), gây ra những thay đổi về thể dịch, nội tiết, trong quá trình điều trị. Nên ngoài các tác dụng trên, nó còn có tác dụng như châm cứu, điện châm là điều hòa chức năng các hệ thống, tổ chức trong cơ thể, tăng cường miễn dịch và giảm đau. Vì vậy, XBBH cổ truyền còn được sử dụng để điều trị một số triệu chứng bệnh của hệ tuần hoàn (tăng huyết áp), hệ hô hấp (cắt cơn hen phế quản), hệ tiêu hóa … và nhiều triệu chứng trong các bệnh của hệ thần kinh:

- Liệt, rối loạn trương lực cơ do di chứng tai biến mạch máu não, trẻ bại não, bại liệt…

- Giảm đau đầu do thiểu năng tuần hoàn não, đau nửa đầu; chống teo cơ do viêm hoặc liệt các dây thần kinh ngoại biên: liệt dây thần kinh VII ngoại biên, dây thần kinh hông to...

* Tác dụng của các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt trong nghiên cứu

Trong nghiên cứu của chúng tôi dùng các thủ thuật xoa, xát, day, bóp, bấm, vê, vận động chia làm các nhóm tác động trên da, cơ, trên các khớp vận động và trên huyệt.

- Thủ thuật tác động trên da:

Xoa: là thủ thuật mềm mại, tác động lên da là chủ yếu, có tác dụng lưu

thông khí huyết, làm hết sưng đau, tăng cường dinh dưỡng đến vùng da.

Xát: có thể thực hiện thủ thuật trên toàn thân, có tác dụng lưu thông kinh

lạc, dẻo gân cốt, lý khí, tăng cường dinh dưỡng đến vùng da. - Thủ thuật tác động trên cơ:

Day: thủ thuật làm chủ yếu vùng cơ dày, có tác dụng khu phong thanh

nhiệt, thông khí huyết, làm giảm sưng hết đau.

Bóp: có tác dụng lưu thông kinh lạc, làm mềm cơ, tăng tính đàn hồi của

cơ tăng dinh dưỡng cho cơ.

- Thủ thuật trên khớp vùng vận động:

Vê: thường dùng các khớp nhỏ, đặc biệt ngón tay, ngón chân, các khớp

nhỏ. Thủ thuật có tác dụng thông khí huyết, làm nhu nhuận các khớp, giúp các khớp cử động dễ dàng hơn.

Vận động: Tùy theo từng khớp vận động các khớp khác nhau: vận động

sinh lý, vận động khớp vai, khuỷu, cổ tay, vận động khớp háng, khớp gối, cổ chân. Thủ thuật có tác dụng thông lý, mở khớp, làm tăng sức hoạt động của các chi.

- Thủ thuật tác động trên huyệt

Bấm: tác động chính là sức qua da vào cơ, xương, vào huyệt, có tác dụng

khai thông bế tắc. Thủ thuật này phối hợp với thủ thuật day thực hiện với các huyệt Giáp tích vùng cổ và vùng lưng (tương ứng tiết đoạn thần kinh của tay và chân) ngoài tác dụng trên thần kinh còn có tác dụng giúp kích thích tiêu hóa.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VẬN ĐỘNG CỦA TRẺ BẠI NÃO THỂ CO CỨNG BẰNG ĐIỆN CHÂM, THỦY CHÂM KẾT HỢP XOA BÓP BẤM HUYỆT (Trang 82 -88 )

×