KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1 ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG CỦA NGT
4.1.5. Đặc điểm triệu chứng lâm sàng
Đau bụng là triệu chứng hay gặp trong NGT. Chúng tôi ghi nhận tỷ lệ đau bụng là 92,9%. Đau của NGT được giải thích là do sự chèn ép của NGT với các tạng lân cận, hệ thống lưới thần kinh xung quanh NGT và do tăng áp lực trong lòng nang khi nang gia tăng kích thước, nang chảy máu hoặc nang nhiễm trùng. Đa số các tác giả cho rằng đau của NGT tương xứng với kích thước và tiến triển của nang. Tuy nhiên chúng tôi thấy có những trường hợp nang nhỏ cũng có triệu chứng đau, có lẽ liên quan đến quá trình viêm tụy. Đau bụng trong NGT ở nghiên cứu chúng tôi chủ yếu là đau âm ỉ, cũng có thể đau thành cơn nhưng các cơn đau không rầm rộ. Cơn đau nhiều hơn về thời gian và cường độ. Nghiên cứu chúng tôi có tỷ lệ đau bụng phù hợp với Trần Văn Phơi (87%). Theo các tác giả Phạm Hữu Tùng [55] và Phạm Văn Bình [52] tỷ lệ đau là 100%. Cùng với đau là phản ứng thành bụng. Chúng tôi cũng gặp 92,9% bệnh nhân có dấu hiệu phản ứng thành bụng trên lâm sàng.
Nôn và buồn nôn gặp ở 8 bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi chiếm 28,6%. Nôn thể hiện sự đè đẩy vào dạ dày tá tràng thực sự hay do sự kích thích của nang. Nôn là triệu chứng không đặc hiệu. Tỷ lệ của chúng tôi thấp hơn của tác giả Trần Văn Phơi, buồn nôn và nôn gặp trong 38% trường hợp. Sandy J.T [56] ghi nhận tỷ lệ buồn nôn là 74%.
Chúng tôi không gặp trường hợp nào vàng da khi thăm khám lâm sàng. Vàng da trong NGT có thể do mối liên quan giữa VTC do sỏi mật và từ đó đưa đến NGT được
nhiều tác giả chấp nhận. Ngoài ra vàng da còn có thể do NGT nằm ở đầu tụy chèn ép vào đường mật. Trần Văn Phơi [53] ghi nhận tỷ lệ vàng da là 5,6%.
Thăm khám thấy một khối u, một cảm giác đầy hay phản ứng thành bụng là triệu chứng thấy được ở đa số bệnh nhân khi thăm khám. U bụng thường xuất hiện sau đau bụng và một số bệnh nhân có thể tự sờ thấy u. U thường vị trí thượng vị hay dưới bờ sườn trái, cảm giác căng mềm, đôi khi ranh giới rõ. Khi sờ thấy u bụng có nghĩa là kích thước NGT dẫ khá lớn và nó cũng có thể gây đau. Đôi khi NGT nhỏ nằm sâu ở phần đuôi tụy đòi hỏi sự tinh tế mới phát hiện được. Chúng tôi ghi nhận 18 trường hợp có u bụng chiếm 64,3%. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Trần Văn Phơi [53] với tỷ lệ u bụng là 69%. Tác giả Văn Tần [46] ghi nhận có 86,4% trường hợp NGT có u bụng. Tuy nhiên kết quả chúng tôi lớn hơn các nghiên cứu của tác giả ngoài nước như O’Malley [1] ghi nhận 23% bệnh nhân có u bụng. Becker ghi nhận 55,7% bệnh nhân có u bụng. Có thể do sự phát hiện sớm của các tác giả phương Tây.