Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh sau chuyển đổ

Một phần của tài liệu chế độ pháp lý về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty tnhh một thành viên và thực tiễn áp dụng tại công ty tnhh mtv bca thăng long (Trang 32 - 37)

chuyển đổi

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 104/2010/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh được xác định như sau:

“1. Căn cứ vào quy mô và đặc thù hoạt động, chủ sở hữu doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quyết định áp dụng cơ cấu tổ chức quản lý theo mô hình Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên hoặc theo mô hình Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên.

Đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoạt động trong các ngành, lĩnh vực đặc biệt, cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc). Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đảm bảo các điều kiện:

a) Người được đề nghị kiêm nhiệm phải có sức khỏe và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đối với cả hai 2 chức danh này;

b) Phải quy định cụ thể và tách bạch trong thực thi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và của Tổng giám đốc (Giám đốc);

c) Người được đề nghị kiêm nhiệm phải chịu trách nhiệm đối với chức năng, nhiệm vụ và vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty.

3. Quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành và theo quy định tại Điều lệ công ty.

4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các chức danh quản lý quan trọng khác, các chức danh liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc đảm bảo bí mật quốc gia trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh quản lý của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh căn cứ vào quy định của pháp luật.”

Theo khoản 2 Điều 5 Điều lệ của công ty, Công ty TNHH MTV BCA Thăng Long áp dụng mô hình tổ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty và Kiểm soát viên. Đây là mô hình đang được áp dụng phổ biến tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Cụ thể, theo số liệu từ Báo cáo sơ kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên trên cơ sở tổng hợp từ 13 bộ, ngành; 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 14 tổng công ty và tập đoàn kinh tế (tính đến tháng 10-2009), có 68,84% doanh nghiệp áp dụng mô hình Chủ tịch Công ty; trong đó Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc (Giám đốc) chiếm tới 54,29%. Tỷ trọng doanh nghiệp địa phương áp dụng mô hình Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) cao hơn nhiều (72,5%) so với doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành (10%) và doanh nghiệp thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế (17,5%). Mô hình tổ chức này không “xấu” và không phải nó không có những ưu điểm nhưng việc áp dụng mô hình này không phải lúc nào cũng xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp mà nó lại cho thấy một tư duy có phần “ngại thay đổi” trong quản lý, điều hành. Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 104/2010/NĐ-CP nêu trên, trong trường hợp Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) thì “Phải quy định cụ thể và tách bạch trong thực thi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và của Tổng giám đốc (Giám đốc)”. Tuy nhiên, trong Điều lệ của mình, công ty TNHH MTV BCA Thăng Long vẫn quy định chung

quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch công ty và Giám đốc công ty chung với nhau, chưa có sự tách bạch rõ ràng. Cụ thể, khoản 2 Điều 5 Điều lệ của công ty quy định:

“2. Cơ cấu tổ chức của công ty

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BCA – Thăng Long áp dụng mô hình tổ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty và Kiểm soát viên.

2.1. Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty

- Thực hiện theo quy định tại Luật doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, quy định của Chủ sở hữu hoặc Chủ sở hữu được ủy quyền và quy định tại Điều lệ công ty;

- Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và phương án đầu từ nâng cấp công ty khi được Chủ sở hữu hoặc Chủ sở hữu ủy quyền phê duyệt;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ sở hữu và Chủ sở hữu được ủy quyền;

- Ban hành quy chế quản lý nội bộ công ty, quy chế quản lý cán bộ, công nhân viên; kiến nghị với Chủ sở hữu về phương án cơ cấu tổ chức của công ty;

- Trình báo cáo quyết toán tài chính hàng năm; kiến nghị phương án xử lý lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong sản xuất kinh doanh với Chủ sở hữu hoặc Chủ sở hữu được ủy quyền;

- Ký kết các hợp đồng kinh tế nhân danh công ty, hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và quy định của Chủ sở hữu;

- Thực hiện các quyền khác được quy định tại Điều lệ công ty theo phân cấp của Chủ sở hữu và Chủ sở hữu được ủy quyền.

b) Nghĩa vụ của Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty

- Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của Chủ sở hữu và Chủ sở hữu được ủy quyền trong việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao;

- Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và Chủ sở hữu công ty;

- Trung thành với lợi ích của công ty và Chủ sở hữu công ty. Không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, của Chủ sở hữu và Chủ sở hữu được ủy quyền.”

So với cơ cấu tổ chức của công ty Thăng Long trước khi chuyển đổi (chỉ bao gồm Giám đốc và các Phó giám đốc, không có Hội đồng quản trị), thì chức danh Kiểm soát viên trong mô hình công ty TNHH một thành viên là tổ chức (trong trường hợp này tổ chức ở đây chính là Nhà nước) có thể xem là thay đổi đáng kể nhất. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật (kể cả Luật doanh nghiệp, Nghị định 104/2010/NĐ-CP và các văn bản dưới luật khác) đối với Kiểm soát viên tại công ty TNHH một thành viên là tổ chức lại chưa thực sự được quan tâm, mặc dù Kiểm soát viên có ý nghĩa rất lớn trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức, vì khi chủ sở hữu là tổ chức, một thực thể pháp lý vô hình không thể trực tiếp quản lý hay điều hành công ty thì phải có một người thay mặt chủ sở hữu kiểm soát các hoạt động của công ty cũng như giám sát những người quản lý, điều hành nhằm đảm bảo tài sản của chủ sở hữu không bị thất thoát. Điều này thực sự tạo nên lỗ hổng lớn trong quản trị công ty TNHH một thành viên là tổ chức:

Thứ nhất,theo quy định của Luật Doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 71), chủ sở hữu có thể bổ nhiệm một đến ba kiểm soát viên. Tuy nhiên, Luật lại không nói rõ trường hợp bổ nhiệm hai hoặc ba kiểm soát viên thì các kiểm soát viên này làm việc độc lập hay phải lập thành một tổ chức như kiểu "Ban kiểm soát" trong công ty cổ phần? Vì luật không quy định phải thành lập Ban Kiểm soát nên có thể hiểu mỗi kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức có địa vị pháp lý độc lập, tức là từng kiểm soát viên có các quyền và nghĩa vụ độc lập với nhau, trực tiếp báo cáo và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về việc kiểm soát của mình. Địa vị pháp lý này của kiểm soát viên khác với địa vị pháp lý của các thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần.Thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần thực hiện việc kiểm soát thông qua tổ chức của họ là Ban kiểm soát.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật doanh nghiệp 2005, kiểm soát viên có các nhiệm vụ sau đây:

“a) Kiểm tra tính hợp pháp, trung thực, cẩn trọng của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, trong quản lý điều hành công việc kinh doanh của công ty;

b) Thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo đánh giá công tác quản lý và các báo cáo khác trước khi trình chủ sở hữu công ty hoặc cơ quan nhà nước có liên quan; trình chủ sở hữu công ty báo cáo thẩm định;

c) Kiến nghị chủ sở hữu công ty các giải pháp sửa đổi, bổ sung, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành công việc kinh doanh của công ty;

d) Các nhiệm vụ khác quy định tại Điều lệ công ty hoặc theo yêu cầu, quyết định của chủ sở hữu công ty.”

Đây là 4 nhóm nhiệm vụ quan trọng của Kiểm soát viên nhằm giúp chủ sở hữu nắm được tình hình về việc thực hiện quyền của chủ sở hữu, việc quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh tại công ty. Vậy nếu để Kiểm soát viên kiêm nhiệm cả chức vụ quản lý điều hành công ty (Tổng giám đốc hoặc giám đốc) thì không khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.Tuy nhiên, cả Luật doanh nghiệp và Nghị định 104/2010/NĐ-CP đều không cấm việc kiêm nhiệm này.Do đó, tại công ty TNHH MTV BCA Thăng Long, chủ tịch công ty kiêm Giám đốc và cũng kiêm nhiệm luôn chức danh Kiểm soát viên. Điều này khác biệt với thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần không được giữ các chức vụ quản lý công ty.

Thứ ba, thành viên Ban kiểm soát của công ty cổ phần phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và từ 21 tuổi trở lên trong khi đó, theo điểm a khoản 4 Điều 71 Luật doanh nghiệp 2005, kiểm soát viên không bắt buộc phải ít nhất 21 tuổi mà chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (tức đủ 18 tuổi trở lên).

Thứ tư, một quyền quan trọng khác của kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức là tham gia biểu quyết thông qua các giao dịch tư lợi (thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần không có quyền này). Theo quy định của Điều 75 Luật Doanh nghiệp, khi có một giao dịch tư lợi (được giao kết giữa công ty với chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên/ Chủ tịch công ty, Giám đốc, Kiểm soát viên) thì phải được thành viên Hội đồng thành viên/ Chủ tịch công ty, Giám đốc/ Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết. Và khi biểu quyết một giao dịch như vậy, người có liên quan không bị loại trừ quyền biểu quyết.Quy định trên về kiểm soát viên tạo ra một lỗ hổng rất lớn trong việc kiểm soát các giao dịch tư lợi trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức, tạo nguy cơ gây ra thất thoát tài sản của chủ sở hữu. Ví dụ: Chủ sở hữu cử 3 người đại diện làm thành viên Hội đồng thành viên, trong đó có một người vừa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty vừa làm Giám đốc vừa làm kiểm soát viên (một cơ cấu tổ chức như vậy không vi phạm vào điều cấm nào của Luật Doanh nghiệp về công ty TNHH một thành viên là tổ chức). Sau đó, công ty do cá nhân kiêm ba chức danh trên làm đại diện đã ký một hợp đồng với vợ của anh ta. Theo Điều 75 Luật Doanh nghiệp thì hợp đồng này phải được thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết. Rắc rối xảy ra lúc này là:

(i)cá nhân kiêm ba chức danh mặc dù có lợi ích trong hợp đồng nhưng lại không bị Luật Doanh nghiệp loại trừ quyền biểu quyết nên chắc chắn anh ta sẽ thông qua giao dịch có lợi cho vợ mình; (ii)cá nhân kiêm ba chức danh sẽ có một phiếu biểu quyết hay 3 phiếu biểu quyết, tức là phiếu biểu quyết tính theo chức danh hay theo cá nhân?

Tóm lại, sau khi được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, cơ cấu tổ chức của công ty Thăng Long dường như không có nhiều thay đổi, từ bộ máy quản lý, điều hành đến các phòng, ban, thậm chí đã 2 năm sau chuyển đổi nhưng đến nay công ty vẫn chưa xây dựng bản Quy chế mới về tổ chức hoạt động của bộ máy điều hành quản lý sản xuất, tài chính, tài sản của công ty mà vẫn sử dụng các quy định cũ từ trước khi được chuyển đổi. Đây là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu để thay đổi của cả Chính phủ đến Bộ chủ quản và công ty TNHH MTV BCA Thăng Long.

Một phần của tài liệu chế độ pháp lý về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty tnhh một thành viên và thực tiễn áp dụng tại công ty tnhh mtv bca thăng long (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(48 trang)
w