1.1 TỔNG QUAN VỀ CẤU TRÚC TÀI CHÍNH
1.1.3.4 Cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp
Được hiểu là cơ hội tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai và thể hiện thông qua sự đầu tư của doanh nghiệp vào chi phí nghiên cứu phát triển cũng như đầu tư cho quảng cáo để mở rộng thị trường. Đây là khoản đầu tư cho tương lai thể hiện khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp và có ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô của vốn huy động. Theo Jean J.Chen (2004) cho rằng chi phí này khó điều tra tại các nước phát triển do đó có thể thay thế bằng tỷ lệ tốc độ tăng trưởng của tổng doanh thu trên tốc độ tăng trưởng tài sản. Khi doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cao thì nhu cầu sử dụng vốn trong doanh nghiệp càng lớn, và họ tận dụng tiềm năng tăng trưởng và đòn bẩy tài chính doanh nghiệp (tăng sử dụng nợ vay) nhằm gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như chủ doanh nghiệp – các cổ đông.
Lý thuyết trật tự phân hạng, các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao thường có nhu cầu vốn nhiều hơn, và trong khi nguồn lợi nhuận giữ lại không đủ, vốn vay nợ sẽ được sử dụng đến. Như vậy, tỷ lệ địn bẩy tài chính có mối tương quan thuận với cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp.
Trong khi đó, lý thuyết chi phí đại diện có một cái nhìn ngược lại. Myers (1977) cho rằng các doanh nghiệp tăng trưởng cao có nhiều lựa chọn hơn để đầu tư trong tương lai, hơn là những doanh nghiệp tăng trưởng thấp. Do vậy, các doanh nghiệp sử dụng nợ nhiều thật sự mong muốn bỏ qua các cơ hội đầu tư có hiệu quả kinh doanh vì những khoản đầu tư như vậy sẽ chuyển lợi ích từ cổ đông sang trái chủ. Kết quả là các doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng cao sẽ ít sử dụng nợ.