BCTC Ở CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN TẠI VIỆT NAM
2.2.1. Chuẩn bị kế hoạch kiểm toán
- Đánh giá khả năng chấp nhận kiểm toán
Thực tế các công ty kiểm toán ở Việt Nam thường gửi thư chào hàng đến các khách hàng truyền thống cũng như khách hàng tiềm năng của mình để giới thiệu với họ về công ty và các dịch vụ mà công ty cung cấp, trong đó làm nổi bật những quyền lợi mà khách hàng được hưởng từ những dịch vụ đó. Nếu khách hàng quyết định chấp nhận thư chào hàng, đại diện công ty kiểm toán sẽ tìm hiểu các thông tin về khách hàng để đưa ra đánh giá có chấp nhận kiểm toán hay không. Các thông tin cần thu thập thường bao gồm: loại hình doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, môi trường kinh doanh, cơ cấu tổ chức, đặc điểm nhân sự, mục đích kiểm toán, hình thức phát hành báo cáo kiểm toán… Từ các thông tin đó, KTV phải đánh giá xem việc chấp nhận hay tiếp tục một khách hàng có làm tăng rủi ro cho hoạt động của KTV hay làm hại đến uy tin và hình ảnh của công ty kiểm toán hay không?
Với khách hàng thường xuyên, khả năng chấp nhận kiểm toán thường được đánh giá ngay khi kết thúc hợp đồng kiểm toán trước.
Với khách hàng mới, công ty kiểm toán có thể thu thập thông tin từ các nguồn:
+ Từ phía khách hàng
+ Liên lạc với KTV tiền nhiệm
+ Nghiên cứu sách báo, tạp chí chuyên ngành, thẩm tra các bên thông tin về khách hàng như ngân hàng, cố vấn pháp lí, các bên có mối quan hệ tài chính với khách hàng… thậm chí có thể thuê các nhà điều tra chuyên nghiệp để điều tra về vấn đề cần thiết khác.
Sau khi thu thập thông tin, để đánh giá về rủi ro kiểm toán trong bước này, KTV có thể sử dụng “Bảng câu hỏi đánh giá rủi ro tổng quát”, trong đó có các câu hỏi và mức điểm tương ứng cho từng câu trả lời. Theo số điểm mà mỗi khách hàng đạt được, KTV sẽ xếp họ vào 3 loại:
o Loại 1: Khách hàng có mức rủi ro thông thường
o Loại 2: Khách hàng có mức rủi ro có thể kiểm soát được
o Loại 3: Khách hàng có mức rủi ro cao
Khách hàng được đánh giá là có mức rủi ro cao khi: + Hoạt động thua lỗ trong nhiều năm,
+ Quản lý tài chính không minh bạch,
+ Hệ thống kiểm soát nội bộ không có hoặc không hiệu quả, + Có sự thay đổi bất thường bộ máy quản lý hay kế toán trưởng, + Có nguy cơ vướng phải những vụ kiện tụng, tranh chấp nghiêm trọng.
Nếu chấp nhận kiểm toán với khách hàng xếp loại này, công ty kiểm toán phải đối mặt với nguy cơ tổn thất và mất uy tín rất lớn.
Với khách hàng loại 1 hoặc loại 2, công ty có thể chấp nhận kiểm toán.
Ngoài ra, KTV phải xem xét thỏa thuận phí kiểm toán với khách hàng, phần lớn các công ty kiểm toán đều muốn lập hóa đơn dựa theo tỷ lệ chuẩn ngày hoặc giờ làm việc của các cấp bậc KTV khác nhau trong sự kiểm toán và mức phí này sẽ thay đổi theo tiến trình của cuộc kiểm toán. Những khách hàng thường đòi hỏi đi kiểm toán được ấn định trước khi hợp đồng kiểm toán được thực hiện.
- Lựa chọn nhóm kiểm toán: Nhóm kiểm toán thường gồm 3-5 người. Trong đó có một phụ trách kiểm toán, hai KTV và một hay hai trợ lý kiểm toán. Việc lựa chọn nhóm kiểm toán thường dựa vào quy mô, tính chất cuộc kiểm toán, thời gian cuộc kiểm toán, số lượng và trình độ KTV và thường ưu tiên KTV hiểu biết về ngàng nghề, lĩnh vực kinh doanh của khách hàng. Giám đốc công ty kiểm toán thường phải trực tiếp chỉ đạo việc lựa chọn này để đảm bảo tính hợp lý. Với các hợp đồng lớn đội ngũ KTV thường ở các mức kinh nghiệm khác nhau và có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực thống kê, vi tính… còn đối với những hợp đồng nhỏ thì chỉ cần một hoặc hai thành viên trong nhóm kiểm toán.
Thực tế thì với các khách hàng cũ, công ty kiểm toán thường lựa chọn nhóm kiểm toán đã kiểm toán từ các năm trước nhằm tạo điều kiện để cuộc kiểm toán được tiến hành nhanh, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Với các khách hàng mới, công ty kiểm toán thường ưu tiên lựa chọn những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của khách hàng nhưng các cấp quản lý công ty và ban giám đốc phải thường xuyên giám sát thông qua trưởng nhóm kiểm toán để kiểm tra tiến độ và xử lý những sự kiện phức tạp.
Khi đã rủi ro là chấp nhận được và thỏa thuận được giá phí, công ty đi đến kí kết hợp đồng với khách hàng.
Ở nhiều nước, thư hẹn kiểm toán thường do KTV soạn thảo và gửi cho khách hàng, nếu khách hàng chấp thuận các điều khoản trong hợp đồng thì họ sẽ kí vào thư hợp đồng và gửi trả lại một bản sao đã kí cho công ty kiểm toán. Còn ở Việt Nam, công ty kiểm toán và khách hàng gặp gỡ trực tiếp, thỏa thuận các hợp đồng và kí một hợp đồng kiểm toán. Theo CMKT Việt Nam số 210 thì hợp đồng kiểm toán phải được lập và kí chính thức trước khi tiến hành công việc kiểm toán nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và của công ty kiểm toán. Trong một số trường hợp đặc biệt, “nếu khách hàng và công ty kiểm toán sử dụng văn bản cam kết phải đảm bảo các điều khoản về điều kiện cơ bản của hợp đồng kiểm toán”.
Tương tự thư hẹn kiểm toán, hợp đồng kiểm toán bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Mục đích và phạm vi kiểm toán
+ Trách nhiệm Ban giám đốc công ty khách hàng và KTV + Hình thức thông báo kết quả kiểm toán
+ Thời gian tiến hành cuộc kiểm toán
+ Căn cứ tính giá phí cuộc kiểm toán và hình thức thanh toán phí kiểm toán
+ Xác định rằng KTV không chịu trách nhiệm những sai sót do bản chất và hạn chế vốn có của hệ thống kế toán, kiểm soát nội bộ và kiểm toán.
Thực tế thì các công ty kiểm toán thường có sắn mẫu hợp đồng kiểm toán và nếu khách hàng chấp thuận thì hợp đồng sẽ được kí kết,
công ty kiểm toán trở thành chủ thể kiểm toán chính thức của công ty khách hàng.