Chúng ta biết rằng, điểm mạnh của loại hình bao thanh toán đối với người bán là một hình thức tài trợ có thể cung ứng vốn nhanh với những thủ tục nhanh gọn, không quá khắt khe. Song, với những điều kiện như thế thì việc đơn vị bao thanh toán phải đối mặt với các đối tượng khách hàng cố tình lừa đảo nhằm trục lợi từ những khoản tiền ứng trước là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong thực tế, người mua và người bán hoàn toàn có khả năng thông đồng với nhau nhằm làm giả hợp đồng mua bán và lập nên các hóa đơn ảo. Cho nên, nếu đơn vị bao thanh toán không có những biện pháp kiểm tra chặt chẽ thì rủi ro xảy ra là điều hiển nhiên.
Ngoài ra, vấn đề cung cấp dịch vụ bao thanh toán cho công ty “ma” cũng là điều mà các đơn vị bao thanh toán lưu tâm. Vấn đề gặp phải khách hàng là những công ty có giấy phép kinh doanh hợp pháp, có con dấu rõ ràng, song lại không có bất cứ một hoạt động kinh doanh nào hoặc đã ngừng sản xuất kinh doanh nhưng lại cố tình sử dụng
những hóa đơn giả để trục lợi từ hợp đồng bao thanh toán là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Hơn nữa, việc phải đối diện với rủi ro khi bên bán chỉ sử dụng một giao dịch mua- bán nhưng lại đem hồ sơ đến xin tài trợ ở nhiều nơi cũng là điều mà các đơn vị bao thanh toán phải lưu ý. Khi đó, đơn vị bao thanh toán sẽ bị vướng mắc thủ tục pháp lý khi không phải là chủ sở hữu duy nhất khoản phải thu này.
Vì thế, khi thương thảo hợp đồng, đơn vị bao thanh toán phải tiến hành thẩm định một cách kỹ càng cũng như bắt buộc người bán chứng minh được rằng: người bán là chủ sở hữu hợp pháp, có quyền chuyển nhượng khoản nợ này và chưa chuyển nhượng khoản nợ này cho một tổ chức hay cá nhân nào khác.