Đối với thương mại 1 Đối với xuất khẩu

Một phần của tài liệu TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2008 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2009 CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG (Trang 39 - 44)

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

2. Đối với thương mại 1 Đối với xuất khẩu

2.1. Đối với xuất khẩu

a. Các giải pháp trước mắt

- Theo dõi sát, có biện pháp đề phòng tích cực trước tình hình khủng hoảng tài chính của Mỹ và thế giới. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, phát hiện kịp thời và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật như chống bán phá giá, giám sát hàng dệt may…, do các nước đưa ra để hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm hiểu thông tin, có chiến lược vận động Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại và các cơ quan có liên quan của Hoa Kỳ nhằm hạn chế việc Dự luật nông nghiệp 2008 gây khó khăn cho xuất khẩu cá tra.

- Tăng cường hoạt động XTTM, mở rộng thị trường XK sang các khu vực ít bị tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế như Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ La Tinh..., theo hướng xúc tiến theo từng ngành hàng, từng hợp đồng XK lớn. Tăng cường tiếp xúc cấp cao để mở rộng thị trường, quan hệ buôn bán, vận động theo các kênh chính thức và không chính thức tạo chủ động trong việc ứng phó với chính sách bảo hộ mậu dịch, dỡ bỏ các rào cản thuế và phi thuế để tăng XK. Tập trung chương trình kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội triển khai thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu, hạn chế nhập siêu giai đoạn 2009-2010. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phê duyệt Đề án này trong tháng 12/2008.

- Hoàn thiện hệ thống chính sách xuất khẩu: trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức và triển khai hình thức Bảo hiểm xuất khẩu tại Việt Nam.

- Đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, bảo hiểm tỷ giá và phòng ngừa rủi ro về tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu.

- Phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu như: Rà soát lại các khoản phí, lệ phí và các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu; Cải cách thủ tục hành chính hải quan; Đáp ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại.

- Thúc đẩy sớm ký Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản, Hiệp định FTA giữa ASEAN với Ôxtrâylia – NewZenland - Ấn Độ để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

b. Các giải pháp trung và dài hạn

- Tăng cường công tác điều hành hoạt động xuất nhập khẩu để bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ nhập siêu thấp hơn năm 2008; chú trong các mặt hàng chiến lược, có tỷ trọng kim ngạch xuất lớn; Thực hiện nghiêm quy định về cấm xuất khẩu quặng thô, hạn chế xuất khẩu tinh quặng để thúc đẩy chế biến đến kim loại ở trong nước (thông qua việc nâng thuế suất thuế xuất khẩu, tăng thuế tài nguyên); quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu than, tiếp tục thực hiện đấu thầu giá than xuất khẩu.

- Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu một cách toàn diện trên tất cả các mặt: năng lực sản xuất, cơ cấu mặt hàng, giá cả, chất lượng, phương thức phân phối...Từng bước đưa doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường khả năng cung ứng nguyên - vật liệu, bán thành phẩm, phụ liệu đầu vào trong nước phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và thúc đẩy mối quan hệ hỗ trợ liên ngành giữa các ngành công nghiệp, trước hết tập trung cho 2 nhóm hàng dệt may và giày dép.

- Phối hợp các Bộ, ngành giải quyết kịp thời các vấn đề về cơ chế tài chính, tiền tệ, tỷ giá, thủ tục hải quan...để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và xuất khẩu (trong đó có vấn đề nâng hạn mức tín dụng cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng diện mặt hàng được hưởng hạn mức này, giành ưu tiên cho doanh nghiệp được vay mua hàng xuất khẩu...); xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm dịch phù hợp tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, đồng thời thúc đẩy, vận động tiêu chuẩn hoá và công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác thương mại nước ngoài, nhằm tránh thiệt hại cho hàng xuất khẩu của Việt Nam từ các hàng rào bảo hộ của các nước. đặc biệt đối với những bạn hàng lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản...

- Tăng cường và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để đạt hiệu quả cao; phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mức tăng nhập khẩu, từng bước giảm tỷ lệ nhập siêu.

- Thị trường xuất khẩu: Tiếp tục chủ động mở rộng thị trường; đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với các đối tác trong và ngoài khu vực; bên cạnh việc phấn đấu tăng mức xuất khẩu trên tất cả các thị trường truyền thống, tích cực tìm hiểu, tìm cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới, có tiềm năng nhằm hạn chế rủi ro biến động thị trường.

- Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như lĩnh vực sản xuất hàng dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí… Cần xã hội hoá công tác đào tạo, theo đó những doanh nghiệp lớn cũng được xem xét cấp kinh phí đào tạo công nhân cho mình và cung cấp cho những doanh nghiệp khác. Đồng thời, chú trọng khâu thiết kế, tạo dáng sản phẩm; Tổ chức nghiên cứu, đào tạo đội ngũ nhân viên thiết kế để đa dạng hoá và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước.

- Nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng. Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các Bộ, ngành quản lý và các Hiệp hội ngành hàng để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành. Các Hiệp hội cần phối hợp tổ chức mạng lưới thông tin dự báo tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hoá ở thị trường trong nước và nước ngoài cung cấp cho các hội viên và doanh nghiệp. Phối hợp với các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài trong việc thông tin về tình trạng pháp lý và khả năng thanh toán của đối tác, nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao kết hợp đồng xuất khẩu, nhất là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang chịu tác động ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng tài chính.

- Tiến hành xây dựng hệ thống hải quan theo chuẩn mực quốc tế. Xóa bỏ bảng giá tính thuế tối thiểu để thay bằng phương pháp xác định trị giá tính thuế theo đúng quy định của WTO, minh bạch hóa quy trình cấp phép nhập khẩu và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho hàng nhập khẩu, thực hiện bảo hộ có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có cả vấn đề bản quyền.

- Tích cực phát huy vai trò của thương nhân Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh việc đưa hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường, nhất là những khu vực có cộng đồng người Việt sinh sống.

- Thúc đẩy và tăng cường đàm phán mở cửa thị trường với những thị trường tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu như Nga, EU, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi.

2.2. Đối với nhập khẩu và hạn chế nhập siêu a. Các giải pháp cần làm ngay

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế nhập khẩu đã triển khai trong năm 2008 như: Kiểm soát việc tiếp cận ngoại tệ theo 3 nhóm hàng: nhóm cần nhập khẩu, nhóm cần kiểm soát và nhóm hạn chế nhập khẩu; Quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng. Mở rộng danh mục mặt hàng nhập khẩu phải nộp thuế ngay trước khi thông quan đối với một số mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu; Hạn chế nhập khẩu qua việc quy định thời hạn nộp thuế.

- Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật phù hợp WTO để hạn chế nhập khẩu; Xây dựng lộ trình bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với nhóm sản phẩm gia dụng để bắt đầu áp dụng từ tháng 01/2010; Rà soát, ban hành các quy định chặt chẽ về hóa chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến dùng trong bảo quản hàng thực phẩm…

- Chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong tiêu dùng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng Việt Nam và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

b. Các giải pháp trung và dài hạn

- Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu: Cân bằng cán cân thanh toán được coi là giải pháp chủ yếu, lâu dài để hạn chế nhập siêu

- Nghiên cứu và triển khai đồng bộ các chương trình nâng năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp để giảm nhập khẩu.

- Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ

+ Mục tiêu của phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam là thay thế nhập khẩu, đảm bảo nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước. Một số ngành ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới là: Cơ khí, Dệt may, Da giày, Điện tử.

+ Rà soát lại các cơ sở sản xuất các ngành phụ trợ tại các công ty nhà nước

+ Khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ với sự hỗ trợ đặc biệt về vốn và ưu đãi về thuế.

+ Kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào việc sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ.

- Nghiên cứu xây dựng các biện pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các ngành, sản phẩm công nghiệp nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường trong nước, phù hợp với các quy định của WTO và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết.

- Trao đổi với các đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu để phối hợp tìm giải pháp giảm nhập vào Việt Nam và tăng xuất từ Việt Nam.

- Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo xu hướng giá cả và thị trường thế giới. Định hướng nhập khẩu sát yêu cầu sản xuất cả về số lượng và thời điểm nhập khẩu.

2.3. Thương mại trong nước

- Rà soát và hoàn thiện Quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với điều kiện và tình hình mới, chú trọng các loại hình thương mại hiện đại ở các đô thị, tập trung ở các đô thị, hệ thống chợ đầu mối, chợ nông thôn ở các vùng nguyên liệu, hàng hóa tập trung và các địa bàn khó khăn, từng bước phát triển dịch vụ logistics; củng cố và tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ.

- Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ điều hành thị trường, nhất là công tác dự báo thị trường, dự báo yêu cầu sát thực hơn, sớm hơn và xa hơn để chủ động ứng phó có hiệu quả. Nghiên cứu đề xuất, xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành thị trường trong nước nói chung và đối với một số mặt hàng trọng yếu nói riêng.

- Tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra kiểm soát các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động can thiệp giải quyết các mâu thuẫn và tình huống phát sinh nhằm bảo đảm đủ nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định, cương quyết không để xảy ra tình trạng đứt nguồn, sốt giá; xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp pháp, buôn lậu và gian lận thương mại làm rối loạn thị trường, tác động xấu tới sản xuất và đời sống.

- Triển khai thực hiện trong thực tế Đề án đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối, trước hết là các hệ thống phân phối bán lẻ, bao gồm các hệ thống phân phối chuyên ngành, các hệ thống phân phối tổng hợp hàng tiêu dùng và các hệ thống bán lẻ nhỏ tại các địa phương. Đồng thời kiện toàn cơ chế, tổ chức bộ máy và nội dung quản lý nhà nước về nội thương theo hướng tập trung thống nhất giữa chính sách vĩ mô với điều tiết, điều hành tình huống thực tế qua các hệ thống phân phối.

- Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, trong đó tập trung vào các mặt hàng: lương thực, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng và thuốc chữa bệnh, để hoạt động sản xuất kinh doanh của các mặt hàng này bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước, chống gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá, gây mất ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

- Củng cố và tăng cường vài trò của mậu dịch biên giới góp phần thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế; phối hợp các Bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động của các cửa khẩu.

- Tăng cường các hoạt động kiểm soát độc quyền, kiểm soát cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời những biểu hiện chống độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

- Hoàn thiện cơ sở pháp lý và củng cố các tiền đề vật chất kỹ thuật để chủ động triển khai các cam kết gia nhập WTO về dịch vụ phân phối. Khẩn trương hoàn thành và phê duyệt các qui hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ cả nước và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Các Tập đoàn, TCT và doanh nghiêp nhà nước trong ngành có trách nhiệm chính trong việc bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng chủ yếu, nhất là những mặt hàng trong cân đối cung cầu của nhà nước, đồng thời tham gia tích cực vào việc bình ổn thị trường giá cả.

Một phần của tài liệu TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2008 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2009 CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w