Ngay từ đầu năm 1999, từ Chính phủ cho đến các cấp bộ ngành được hướng vào tạo lập điều kiện cơ bản để thực hiện nhanh chóng việc cụ thể hoá chính sách tài chính- tiền tệ tích cực (theo nguyên tắc nới lỏng, linh hoạt, đồng bộ và hiệu lực). Những cơ chế, quy chế, thể lệ hợp thức hơn, mang đầy đủ hiệu lực pháp lý hơn được áp dụng. Từng bước chuyển nhanh, chuyển mạnh điều hành chính sách tài chính - tiền tệ bằng những biện pháp hành chính, mệnh lệnh còn khá phổ biến sang sử dụng có hiệu quả những biện pháp kinh tế, những công cụ chính sách thị trường là chủ yếu. Đề cao hiệu quả kinh tế, an toàn và chủ động phòng ngừa rủi ro, phát triển mạnh mẽ thị trường tiền tệ và tăng cường “độ sâu tài chính” của hệ thống tiền tệ quốc gia. Đi đôi với những biện pháp như vậy là mở rộng phân công, phân cấp, phân quyền của các tổ chức thanh tra, giám sát tài chính, chú trọng kiểm soát tài chính-ngân hàng, đảm bảo sự minh bạch trong chế độ thông tin, báo cáo tài chính, kế toán...
Để tiếp tục ổn định tiền tệ trong điều kiện lạm phát thấp, trước hết có sự tập trung cải thiện cơ bản NSNN, giảm thiểu mức thâm hụt, tiết kiệm triệt để tiêu dùng phi sản xuất để tăng tỷ phần tích luỹ, dành vốn đầu tư phát triển kinh tế ở tất cả các khu vực nhà nước, doanh nghiệp và dân cư. Triển khai việc cải cách thuế, áp dụng hai loại thuế mới (thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp) có hiệu lực từ ngày 1/1/1999 nhằm tạo sự bình đẳng về thuế giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài so với các doanh nghiệp trong nước và giữa các thành phần kinh tế với nhau, hỗ trợ thực hiện chính sách “kích cầu” và khuyến khích đầu tư của Nhà nước đồng thời bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước. Khẩn trương chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng. Thí điểm đưa vào hoạt động thị trường vốn (thị trường chứng khoán) trên cơ sở khuôn khổ pháp lý ban đầu (Nghị định Chính phủ) vào cuối năm 1999. Chủ động hoàn thiện tỷ giá hối đoái và lãi suất ngân hàng theo hướng từng bước thả nổi có điều tiết và tự do hoá có chọn lọc (trên cơ sở tách bạch giữa tín dụng kinh doanh và tín dụng chính sách). Có phương án bảo toàn giá trị tiền gửi gắn liền với kiện toàn hệ thống thanh toán qua ngân hàng. Hoàn thành dứt điểm xử lý nợ nần dây dưa khu vực tài chính công, giải toả tài sản thế chấp vay ngân hàng đóng băng, đẩy mạnh cơ cấu vốn, tài sản ngân hàng. Hạn chế hệ thống ưu đãi lãi suất trước đầu tư, chuyển sang phương thức tín dụng ngân hàng và chính sách ưu đãi sau đầu tư đối với một số lĩnh vực cần ưu tiên trên diện rộng. Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn ban đầu thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng và các hình thức bảo đảm đầu tư khác để tạo thuận lợi cho mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay và sử dụng vốn một cách an toàn, và hiệu quả, ...
Thường thì các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ hiếm khi được giải quyết triệt để, đặc biệt đối với nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi như Việt nam. Sự đan xen phức tạp của chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hơn trước có thể đưa đến những thay đổi về ngắn hạn, kèm theo những thoả hiệp, nhân nhượng tình thế trong điều hành chính sách. Tuy nhiên về trung, dài hạn, mục tiêu cuối cùng và mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ vẫn phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Đặc biệt là việc hoàn thiện chính sách tiền tệ sẽ lệ thuộc vào khả năng tiếp cận và vận dụng vào hệ thống các công cụ thực thi chính sách tiền tệ của NHNN, gắn liền với quá trình đẩy mạnh, đổi mới, hiện đại hoá công ngân hàng hiện nay.
Để thực thi chính sách tiền tệ có hiệu quả theo những định hướng đã nêu trên, trong thời gian tới căn cứ vào diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới và tình hình kinh tế đất nước, việc điều hành qua công cụ chính sách tiền tệ cần được hoàn thiện và linh hoạt hơn, ...