Đối với việc nghiên cứu, học tập của sinh viên Mỹ thuật

Một phần của tài liệu Tính dân tộc trong một số tác phẩm điêu khắc giai đoạn 1986 đến 2016 (nghiên cứu trường hợp triển lãm MTTQ) (Trang 65 - 67)

Chương 1 : Cơ sở lý luận

3.2.2.Đối với việc nghiên cứu, học tập của sinh viên Mỹ thuật

Nhiệm vụ của giáo dục di sản vốn cổ dân tộc là giúp cho sinh viên làm chủ giá trị thẩm mĩ, hình thành ở họ một quan hệ đặc biệt đối với những sản phẩm văn hóa của cha ông, trong đó sinh viên tạo ra cho mình năng lực cảm thụ, rung động, đánh giá thẩm mĩ, hình thành thói quen nghiên cứu cái đẹp và sáng tạo cái đẹp để làm phong phú cho quá trình đào tạo, từ đó tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới. Bởi chính sinh viên mỹ thuật sẽ là chủ nhân tương lai, là chủ thể thẩm mỹ vừa có chức năng giữ gìn, vừa có ý thức bảo vệ và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua việc sinh viên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc hiện đại có tính dân tộc chưa thực sự chú tâm, đôi lúc vẫn thể hiện sự hời hợt, hình thức, cá biệt vẫn có sinh viên không chịu nghiên cứu tìm hiểu dẫn đến hiểu biết mù mờ, bịa đặt, thêm thắt sai hình tượng.

Sinh viên mỹ thuật có thể nghiên cứu được bố cục của một số tác phẩm điêu khắc được giải thưởng Triển lãm toàn quốc để tìm ra sự cân xứng, chặt chẽ, chắc khỏe ăn nhập với đường nét thanh thoát. Thông qua quá trình nghiên cứu, sinh viên sẽ có ý thức trong việc sắp xếp các mảng hình có to, có nhỏ, có dài có ngắn có những biến tấu làm khuôn hình vui mắt hấp dẫn, khi nét to thô, khi nét thanh mảnh thay đổi đột ngột sẽ làm cho bài tập hấp dẫn hơn rất nhiều.

Thông qua việc nghiên cứu phân tích tính dân tộc trong nghệ thuật điêu khắc sẽ giúp sinh viên rút ra những bài học bổ ích nhằm có thể áp dụng được vào bài tập ứng dụng chuyên ngành như: phương pháp nghiên cứu về khối hình (khối nổi, khối chìm có hướng phát triển phình ra hoặc lõm vào tạo sự thay đổi, biến ảo của bề mặt, diện tích, không gian, đậm nhạt) hay nghiên cứu về nét, đường viền (nét chạy quanh hình chim, hoa lá,… định ra sự mềm mại, sinh động, biến ảo đầy sức sống) nghiên cứu về bố cục (sự sắp xếp khéo léo, tinh tế về hình thể, họa tiết, mảng, không gian…một cách hài hòa, thuận cảm) nghiên cứu thủ pháp cách điệu (tìm ra những sự chắt lọc hình thể đặc trưng nhất )…

Việc tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, khai thác tính dân tộc để chuyển thể sang phần sáng tạo là vấn đề khó đòi hỏi nhiều tâm sức và sự nghiên cứu nghiêm túc. Tuy nhiên nếu biết khai thác hiệu quả và làm tôn vinh những giá trị truyền thống đó thì sẽ nâng cao được nhận thức và cảm hóa được sinh viên nghệ thuật hiện nay.

Do vậy, sinh viên nghệ thuật muốn thể hiện tác phẩm đều phải tìm tòi, chọn lọc và cân nhắc nghiên cứu các hình tượng nghệ thuật điêu khắc trên đồ đồng để làm sao tác phẩm của mình vừa mang tính kế thừa, học hỏi tinh hoa cha ông vừa tạo ra sự độc đáo riêng biệt, vươn tới những giá trị đẹp đẽ nhất, điển hình nhất.

Ngoài những trang trí mang tính nghệ thuật, những tác phẩm điêu khắc cổ còn là những tác phẩm chứa đựng những giá trị về mặt dân tộc học, xã hội học, những tài liệu về hoa văn họa tiết trang phục, văn hóa thời xưa, nó là những tư liệu rất quý giá và cần thiết cho sinh viên nghiên cứu tìm hiểu, nắm hết sự đặc biệt trong kỹ thuật thể hiện cũng như bố cục, tạo hình của cha ông xưa.

Với những tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc có giá trị nghệ thuật cao thì càng cần ý thức học tập nghiên cứu của sinh viên, sinh viên cần hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tiến trình lịch sử của dân tộc được cha ông gửi gắm thông qua đó biết ứng dụng, chuyển thể khéo léo các tác phẩm điêu khắc đó vào trong các bài tập nghiên cứu như: trang trí hình vuông, trang trí hình tròn, trang trí đường diềm (môn trang trí) hoặc các bài bố cục tranh theo đề tài (môn bố cục), vận dụng vào việc nghiên cứu, ghi chép lấy tư liệu vốn cổ dân tộc (môn nghiên cứu vốn cổ), chép phù điêu (môn điêu khắc)…hoặc cũng có thể là những đề tài nghiên cứu trong tiểu luận, bài tập lý luận và lịch sử mỹ thuật (môn lịch sử mỹ thuật) hay tìm ra những vẻ đẹp, giá trị độc đáo (môn nghệ thuật học), được như vậy sự nhận thức của sinh viên về di sản sẽ trở nên toàn vẹn hơn.

Việc lưu giữ, phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc là trách nhiệm của những người làm văn hóa, truyền bá văn hóa, nghiên cứu văn hóa, trong đó có đối tượng quan trọng là sinh viên mỹ thuật, chính họ là người kế thừa, hiểu và dành thời gian gìn giữ kho tàng giá trị của cha ông trường tồn mãi mãi.

Một phần của tài liệu Tính dân tộc trong một số tác phẩm điêu khắc giai đoạn 1986 đến 2016 (nghiên cứu trường hợp triển lãm MTTQ) (Trang 65 - 67)