1. Khái quát tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Việt Nam 1.1. Tiềm năng
- Nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi đang diễn ra những hoạt động sôi động về kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt vị trí địa lý để phát triển ngành du lịch.
- Sự đa dạng của nguồn tài nguyên cả về thiên nhiên (bãi biển, hang động, đảo, nước khoáng, lớp phủ thực vật, giới động vật quý hiếm, nhiều cảnh quan tự nhiên độc đáo điển hình...) lẫn nhân văn (các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, những phong tục tập quán, các làng nghề và truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc...) là tiền đề quan trọng để phát triển được cả du lịch biển lẫn du lịch núi, du lịch dài ngày và du lịch
ngắn ngày với nhiều loại hình khác nhau như: tham quan, nghỉ dưỡng, thể thao, nghiên cứu khoa học, hội chợ, hội nghị, festival...
- Tài nguyên du lịch Việt Nam được phân bố khá tập trung. Điều đó góp phần hình thành các lãnh thổ du lịch điển hình trong toàn quốc. Mỗi lãnh thổ du lịch có một sắc thái riêng, tạo nên các tuyến du lịch xuyên quốc gia, không có sự lặp lại giữa vùng này với vùng khác. Mặt khác, chúng lại gần các đô thị lớn, các cửa khẩu quốc tế quan trọng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thăm viếng và ăn ở của du khách. Nhiều lãnh thổ du lịch của nước ta, nếu được quy hoạch và đầu tư thích đáng sẽ trở thành những trung tâm du lịch lớn, có khả năng cạnh tranh với các nước khác trong vùng và trên thế giới. Chẳng hạn như: trung tâm du lịch Hà Nội và vùng phụ cận, Huế - Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long...
- Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, lao động có kỹ thuật, thông minh, bước đầu đã tiếp cận và làm quen với các hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế. Việc phát triển du lịch của Việt Nam trong tương lai sẽ tạo nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho ngành du lịch. Hơn nữa, giá lao động ở Việt Nam lại rẻ, cũng là một trong những yếu tố có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
1.2. Thực trạng phát triển du lịch
- Về số lượng khách và kết quả kinh doanh
+ Ngành du lịch nước ta đã có quá trình hoạt động từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, do nhiều nguyên nhân, ngành du lịch phát triển rất chậm. Theo số liệu thông kê của Tổng cục du lịch, năm 1970 nước ta chỉ đón được 1816 khách quốc tế, năm 1986: 54.353 khách, năm 1987: 73.363 khách, năm 1988: 110.390 khách và đến năm 1989 đạt 187.526 khách.
- Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở lại đây, nhờ chính sách đổi mới, đã diễn ra sự “bùng nổ” du lịch với tốc độ tăng trưởng rất nhanh về số lượng khách quốc tế. Nếu như năm 1990 nước ta mới đón 25 vạn khách quốc tế, thì 4 năm sau, vào cuối tháng 12 - 1994 người khách quốc tế thứ 1 triệu đã xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
+ Ở trong nước, nhu cầu du lịch của nhân dân, đặc biệt nhân dân ở các thành phố lớn, tăng lên rõ rệt. Chính vì vậy, số khách du lịch trong nước từ khoảng 1 triệu năm 1990 đã tăng lên nhanh chóng và đạt trên 10 triệu trong những năm gần đây
+ Do số khách du lịch (quốc tế, trong nước) ngày một đông hơn, nên doanh thu từ du lịch cũng tăng lên nhanh chóng. Từ 650 tỷ đồng năm 1990, con số này đã lên đến gần trăm nghìn tỷ đồng trong những năm gần đây.
- Về cơ sở vật chất - kỹ thuật và lao động trong ngành du lịch
+ Trong vài năm qua, hiện trạng về cơ sở lưu trú đã có những chuyển biến rõ nét theo hướng nâng cấp các cơ sở hiện có và xây dựng các cơ sở mới bằng các nguồn vốn trong nước hay của nước ngoài. Ở các trung tâm du lịch có ý nghĩa quốc gia hay vùng như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng...hệ thống khách sạn tương đối nhiều về số lượng và đảm bảo về chất lượng.
+ Các khu vui chơi giải trí đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài thời gian lưu trú của du khách và tăng thêm hiệu quả kinh doanh cũng được chú ý đúng mức, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh như: Đầm Sen, Suối Tiên...
+ Lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng được tăng lên nhanh chóng, nhằm đáp ứng yếu cầu về sự phát triển của ngành và đã đạt mức vài vạn người. Tuy nhiên, nguồn lao động trong ngành chưa được đào tạo một cách có hệ thống, do vậy chất lượng lao động còn nhiều hạn chế.
- Về cơ sở hạ tầng
Nhìn chung, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch ở nước ta, nhất là hệ thống giao thông vận tải, thông tin viễn thông, hệ thống cấp, thoát nước và cung cấp điện trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực. Nhưng vẫn còn trong tình trạng thấp kém, chưa đáp ứng được yếu cầu và đang là một trở ngại không nhỏ cho việc phát triển du lịch.
2. Sự phân hóa lãnh thổ du lịch Việt Nam 2.1. Quan niệm
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và bắt đầu có sự phân hóa ngày càng rõ nét. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức lãnh thổ du lịch là phân vùng du lịch. Từ việc cân đối giữa khả năng cung (các nguồn lực để phát triển du lịch) và cầu (nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, du lịch ngày càng tăng của dân cư) cần phải xác định các lãnh thổ du lịch (vùng du lịch thuộc các cấp), nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng sẵn có và mặt khác góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi thành viên trong xã hội.
2.2. Hệ thống phân vị
- Khi nghiên cứu về phân vùng du lịch, không thể không đề cập đến hệ thống phân vị, bởi vì không thể phân vùng nếu thiếu hệ thống phân vị. Tuy nhiên, hệ thống phân vị trong phân vùng nói chung và trong phân vùng du lịch nói riêng luôn là đề tài gây nhiều tranh luận.
- Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, có thể đưa ra một hệ thống phân vị 5 cấp phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Đó là (từ thấp đến cao): điểm du lịch, trung tâm du lịch, tiểu vùng du lịch, á vùng du lịch và vùng du lịch.
* Điểm du lịch
Đây là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị, có quy mô nhỏ. Nơi đây có thể tập trung một loại tài nguyên du lịch nào đó (tự nhiên, văn hóa - lịch sử hoặc kinh tế - xã hội) hay một loại công trình riêng biệt phục vụ du lịch hoặc kết hợp cả hai ở quy mô nhỏ. Vì thế, điểm du lịch có thể chia thành 2 loại: điểm tài nguyên và điểm chức năng. Thời gian lưu lại của du khách ngắn (1 - 2 ngày). Các điểm du lịch được nối lại với nhau bằng tuyến du lịch (có thể là tuyến nội vùng hoặc là tuyến ngoại vùng)
* Trung tâm du lịch
Đây là một cấp hết sức quan trọng. Khái quát chung, đó là sự kết hợp lãnh thổ của các điểm du lịch cùng loại hay khác loại. Trên lãnh thổ của trung tâm du lịch tập trung rất nhiều điểm du lịch, có khả năng và sức thu hút khách du lịch (nội địa và quốc tế) rất lớn. Ở đây nguồn tài nguyên du lịch tương đối tập trung và được khai thác một cách cao độ. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đối phong phú, đủ để đón, phục vụ
và lưu khách lại trong một thời gian dài. Đồng thời nó có khả năng tạo vùng du lịch cao, là hạt nhân của vùng du lịch (hay còn gọi là các “cực” để thu hút các lãnh thổ lân cận vào phạm vi tác động của vùng) và có quy mô nhất định về diện tích, bao gồm các điểm du lịch kết hợp với các điểm dân cư và môi trường xung quanh.
* Tiểu vùng du lịch
- Về quy mô diện tích, tiểu vùng du lịch bao trùm lãnh thổ vài tỉnh, trong đó chứa đựng nhiều điểm du lịch và trung tâm du lịch (nếu có)
- Tiểu vùng du lịch có nguồn tài nguyên khá phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại
* Á vùng du lịch
- Có sự tập hợp các điểm, trung tâm (nếu có) và các tiểu vùng du lịch thành một thể thống nhất với mức độ tổng hợp cao hơn, vai trò của cơ sở hạ tầng lớn hơn, các thông số hoạt động và lãnh thổ du lịch rộng hơn, có các mối liên hệ bên trong lãnh thổ cũng đa dạng hơn.
- Trong á vùng du lịch có nhiều loại tài nguyên du lịch và tính chất chuyên môn hóa đã bắt đầu thể hiện, song chưa rõ nét.
* Vùng du lịch
- Đây là cấp cao nhất, trong đó có sự kết hợp lãnh thổ của các á vùng (nếu có), tiểu vùng, trung tâm và điểm du lịch có những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng - Tính chất chuyên môn hóa thể hiện rõ bản sắc của vùng, làm cho vùng này khác hẳn với vùng kia
- Các mối liên hệ nội, ngoại vùng đa dạng, dựa trên nguồn tài nguyên, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật sẵn có của vùng.
- Vùng du lịch có diện tích rất lớn bao gồm nhiều tỉnh, trong đó có cả các hoạt động du lịch và cả các khu vực không hoạt động du lịch có liên quan đến kinh tế du lịch (như điểm dân cư, khu vực không có tài nguyên du lịch và cơ sở du lịch)
2.3. Hệ thống chỉ tiêu chính
2.3.1. Những căn cứ để xây dựng hệ thống chỉ tiêu
- Vùng du lịch được hình thành và phát triển bởi nhiều yếu tố (gọi là các yếu tố tạo vùng). Do đó, hệ thống chỉ tiêu phân vùng du lịch trước hết phải nhằm vào các yếu tố tạo vùng chủ yếu như: nguồn tài nguyên (tự nhiên, văn hóa - lịch sử, kinh tế - xã hội), dòng khách du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật...
Về phương diện lý thuyết, vùng du lịch là một hệ thống lớn bao gồm nhiều hệ thống nhỏ ứng với hệ thống lãnh thổ du lịch. Hệ thống này được hình thành bởi:
+ Phân hệ khách du lịch + Phân hệ tài nguyên
+ Phân hệ công trình kỹ thuật
Như vậy, các chỉ tiêu phân vùng du lịch phải đề cập đến nguồn tài nguyên, khách du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Đặc trưng của mỗi vùng du lịch được thể hiện qua chuyên môn hóa, mà chuyên môn hóa du lịch lại được bắt nguồn từ 2 yếu tố:
+ Nhu cầu du lịch và số lượng khách;
+ Khả năng thực tế của vùng về tài nguyên, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật.
- Mỗi vùng du lịch phải có một cực đủ mạnh để thu hút các khu vực xung quanh vào lãnh thổ của vùng. Cho nên, khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu cần phải chú ý đúng mức đến vấn đề này.
2.3.2. Hệ thống chỉ tiêu
Từ những quan điểm nêu trên, có thể đưa ra hệ thống chỉ tiêu bao gồm 3 loại chỉ tiêu chính sau đây:
* Số lượng, chất lượng tài nguyên và sự kết hợp của các dạng tài nguyên theo
lãnh thổ
Như ta đã biết du lịch là một trong những ngành có sự định hướng tài nguyên rõ rệt. Tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ, hình thành chuyên môn hóa của vùng du lịch và hiệu quả kinh doanh của hoạt động du lịch.
Dưới góc độ tạo vùng, tài nguyên du lịch như là một yếu tố tạo vùng thể hiện ở một số khía cạnh:
- Khối lượng tài nguyên là cơ sở cần thiết để xác định quy mô hoạt động của vùng; - Thời gian có thể khai thác qyuết định tính mùa, tính nhịp điệu của dòng khách du lịch;
- Sức hấp dẫn của vùng du lịch phụ thuộc chặt chẽ vào tài nguyên du lịch.
Do đó, tài nguyên du lịch có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển, đến cấu trúc chuyên môn hóa của vùng.
Khi đánh giá khả năng khai thác tài nguyên du lịch phục vụ mục đích du lịch, trước hết cần xem xét:
- Số lượng tài nguyên vốn có (phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và khả năng thu hút tài nguyên vào mục đích du lịch);
- Chất lượng tài nguyên: Chất lượng tài nguyên càng cao, thì sự hấp dẫn du khách càng lớn;
- Mức độ kết hợp các loại tài nguyên trên lãnh thổ có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo vùng, mức độ kết hợp tài nguyên càng phong phú, sức hút khách du lịch càng mạnh, tác dụng tạo vùng của nó càng cao.
* Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch
- Tài nguyên du lịch là cơ sở để tạo nên vùng du lịch, còn cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật tạo điều kiện biến những tiềm năng của tài nguyên thành hiện thực.
- Giữa 2 chỉ tiêu này có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Nếu như không có cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch, thì tài nguyên mãi mãi ở dạng tiềm năng và ngược lại, nếu thiếu tài nguyên sẽ không bao giờ có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho du lịch. Vì thế các nhà nghiên cứu đã phân ra 3 nhóm yếu tố:
+ Nhóm tạo nên sức hấp dẫn du lịch (tài nguyên du lịch);
+ Nhóm thỏa mãn nhu cầu đi lại, tham quan của du khách (chủ yếu là GTVT); + Nhóm đảm bảo việc lưu lại của du khách (cơ sở vật chất - kỹ thuật).
Rõ ràng, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch đóng vai trò rất lớn đối với sự hình thành và phát triển của vùng du lịch. Vì vậy, khi xem xét chỉ tiêu này cần phải đánh giá cả về mặt số lượng và chất lượng không những trong hiện tại mà còn trong tương lai, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về du lịch.
* Trung tâm du lịch
- Mỗi vùng du lịch phải có ít nhất một trung tâm tạo vùng. Trung tâm này có tác dụng thu hút, lôi kéo quanh mình các lãnh thổ lân cận để tạo thành một vùng du lịch. Sức hút ấy tùy thuộc vào quy mô và sức mạnh của trung tâm. Trung tâm tạo vùng càng lớn, sức hút của nó càng mạnh.
- Có thể phân biệt thành hai loại trung tâm tạo vùng:
+ Trung tâm tạo vùng quy mô toàn quốc (tạo nên các vùng du lịch) + Trung tâm tạo vùng quy mô địa phương (tạo nên các á vùng, tiểu vùng)
- Trung tâm tạo vùng có quan hệ mật thiết với các chỉ tiêu khác và được thể hiện rõ nét trong quá trình xác định ranh giới các vùng du lịch.
2.4. Sự phân hóa lãnh thổ du lịch
Dựa vào hệ thống chỉ tiêu nói trên, nước ta được chia ra thành 3 vùng du lịch: Vùng du lịch Bắc Bộ, vùng du lịch Bắc Trung Bộ và vùng du lịch Nam Trung Bộ - Nam Bô. Mỗi vùng lại bao gồm các lãnh thổ thuộc các cấp phân vị thấp hơn. Cụ thể như sau:
2.4.1.Vùng du lịch Bắc Bộ
- Tiểu vùng du lịch trung tâm (TTDL Hà Nội + các điểm du lịch) - Tiểu vùng du lịch duyên hải Đông Bắc (các điểm du lịch) - Tiểu vùng du lịch miền núi Đông Bắc (các điểm du lịch) - Tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc (các điểm du lịch) - Tiểu vùng du lịch Nam Bắc Bộ (các điểm du lịch)
Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng.
2.4.2.Vùng du lịch Bắc Trung Bộ
- Tiểu vùng du lịch phía Bắc (các điểm du lịch)