Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng vi phạm sở hữu công nghiệp của người Việt Nam tại nước ngoài ngày một gia tăng, cụ thể như sau:
3.3.1 Từ phía người xâm phạm
Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thường mang lại lợi nhuận lớn. Bất cứ khi nào khi một sản phẩm mới nào vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh sẽ hưởng lợi từ việc tiết kiệm về chi phí sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, có quan hệ tốt hơn với các nhà phân phối chính hoặc tiếp cận với các nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn và do đó, có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với giá thành rẻ hơn, tạo áp lực nặng nề lên nhà sáng tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nguyên gốc. Đôi khi điều này sẽ đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường, đặc biệt khi họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển sản phẩm mới thì đối thủ cạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó và chẳng mất một xu nào cho thành quả sáng tạo và sáng chế của nhà sáng tạo gốc. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh:
- Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên rất có sức hút, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, đặc biệt là đối với những đối tượng sở hữu có giá trị, được nhiều người biết đến ở các thị trường nước ngoài.
- Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra rào cản thị trường đối với sản phẩm có chứa quyền sở hữu công nghiệp. Ví như việc Công ty
Putra Satbat đăng ký nhãn hiệu Vinataba ở các nước khác đã khiến cho sản phẩm mang nhãn hiệu Vinataba của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam không được phép nhập khẩu và bán trên lãnh thổ những nước đó, hoặc để được phép nhập khẩu vào các nước đó, Công ty Vinataba phải trả cho Công ty Putra Satbat một khoản thù lao nhất định. Điều này đã cản trở sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường của những nước đó.
- Thu lợi từ việc yêu cầu chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp phải mua lại với giá cao;
- Lợi dụng uy tín của sản phẩm mang sở hữu công nghiệp đối với bộ phận người tiêu dùng biết đến sản phẩm đó.
3.3.2 Từ phía chủ sở hữu quyền
Quyền sở hữu công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp của mình trên thị trường trong nước và càng trở nên quan trọng hơn khi tham gia vào thị trường quốc tế. Đây là biện pháp chống lại việc bị ăn cắp kết quả lao động sáng tạo, tránh bị làm giả hàng hóa, bảo vệ thị trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp là cơ sở để doanh nghiệp kinh doanh trên tài sản trí tuệ, phát triển lượng tài sản vô hình của doanh nghiệp. Để kinh doanh được đảm bảo, cần tuân thủ nguyên tắc là trước khi muốn đưa hàng hóa vào bất kỳ thị trường nào, việc đầu tiên doanh nghiệp phải làm là đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, do sở hữu công nghiệp là một vấn đề mới ở Việt Nam nên phần lớn các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình tại nước ngoài, chưa có ý thức cao trong việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp ở cả trong nước và ngoài nước.
Hiện nay, rất ít tổ chức, kể cả các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp lớn có bộ phận chuyên quản lý về sở hữu công nghiệp; hầu như chưa có tổ chức, doanh nghiệp nào có chiến lược về quản lý sở hữu công nghiệp và coi sở hữu công nghiệp là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Quyền sở hữu công nghiệp chưa thực sự trở thành đối tượng quản lý như tài sản thông thường.
Mặc dù gần đây, do nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của mình cũng như xảy ra nhiều vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiêp, các tổ chức, cá nhân của Việt Nam đã chú ý hơn đến việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình tại nước ngoài, tuy nhiên số lượng vẫn là không đáng kể.
Thống kê ở trên (Mục 1.4 Chương 1) cho thấy số lượng đơn quốc tế đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Việt Nam của Việt Nam là rất ít.
3.3.3 Từ phía Chính phủ
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những nỗ lực để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân của Việt Nam đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong nước; đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế toàn cầu, khu vực và song phương về sở hữu công nghiệp; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu công nghiệp và triển khai một số chương trình, dự án và hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể, cá nhân trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động trên diễn ra một cách tản mạn, chưa được thực hiện một cách bài bản, theo lộ trình và kế hoạch nhất định. Việt Nam vẫn chưa thành lập được hệ thống các cơ quan hỗ trợ việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người Việt Nam tại nước ngoài; chưa có hệ thống
cung cấp thông tin và hỗ trợ kịp thời cho chủ sở hữu quyền khi tiến hành đăng ký, hỗ trợ xử lý các tranh chấp phát sinh, v.v.
3.4 Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài
Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền về thu nhập, chi phí bảo hộ quyền, gây thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của các sản phẩm, làm giảm động lực của các nhà sáng tạo, gây ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học – công nghệ, cũng như sự thịnh vượng chung của xã hội. Để bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể quyền, các nước trên thế giới ngày càng xây dựng và áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của công dân mình tại nước ngoài. Các biện pháp chủ yếu như sau:
3.4.1 Xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài
Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó xác định việc bảo hộ tài sản sở hữu công nghiệp tại nước ngoài là một nội dung quan trọng của chiến lược. Cụ thể:
- Nhật Bản: Nhận thức được thiệt hại do các sản phẩm xâm phạm
quyền sở hữu sở hữu công nghiệp như hàng giả đối với nền kinh tế Nhật Bản là rất lớn, theo đó bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài được Chính phủ Nhật Bản coi là một trụ cột trong Đề cương Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia (năm 2003). Theo đó, Nhật Bản sẽ:
+ Khuyến khích mạnh mẽ chính quyền trung ương và địa phương của các quốc gia nơi có hành vi xâm phạm xảy ra ngăn chặn các hành vi xâm phạm bằng cách thực thi các quyền một cách tối đa theo quy định của Hiệp định Hiệp định TRIPS.
+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài; hỗ trợ chi phí chuẩn bị đơn đăng ký, phí luật sư, phí nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại nước ngoài hoặc phí nộp đơn quốc tế và phí duy trì quyền đối với sáng chế.
+ Tổ chức giám sát hệ thống sở hữu công nghiệp của các quốc gia thành viên WTO và sử dụng tối đa Cơ chế rà soát chính sách thương mại của WTO nếu hàng giả và hàng xâm phạm bản quyền được sản xuất và phân phối với số lượng lớn ở các thành viên;
+ Gây áp lực đối với các nước chưa là thành viên WTO để nâng cao mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua các cuộc đàm phán song phương.
+ Tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), và sẽ có các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ bí mật thương mại của các doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài.
+ Tích cực đàm phán các hiệp định thương mại và các thỏa thuận hợp tác quốc tề sở hữu công nghiệp để hỗ trợ tích cực việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài.
- Trung Quốc: Trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia năm 2008,
Trung Quốc cũng đặt ra các nhiệm vụ nhằm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài, cụ thể như sau:
+ Khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi ích đối với nhãn hiệu của mình, và tham gia cạnh tranh quốc tế;
+ Hoàn thiện chính sách sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại quốc tế; xây dựng cơ chế cảnh báo sớm và phản ứng nhanh đối với hành vi
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài; hỗ trợ giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại nước ngoài;
+ Nâng cao nhận thức và năng lực cho chủ thể quyền trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài; xây dựng các điểm hỗ trợ về sở hữu trí tuệ tại các cuộc triển lãm nổi tiếng tại nước ngoài để cung cấp dịch vụ tư vấn và hoà giải cho những đơn vị tham gia triển lãm của Trung Quốc.
Các nhiệm vụ chính sách này của Trung Quốc được triển khai cụ thể trong các Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia. Cụ thể, năm 2012, Trung Quốc đã giao Bộ Thương mại nước này xây dựng các nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình tại nước ngoài như: thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng năng lực để giải quyết các vụ kiện trong các vụ việc lớn và quan trọng; nâng cao nhận thức và năng lực bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài; xây dựng các điểm dịch vụ về sở hữu trí tuệ tại các cuộc triển lãm nổi tiếng tại nước ngoài để cung cấp dịch vụ tư vấn và hoà giải cho những đơn vị tham gia triển lãm của Trung Quốc; nâng cao năng lực đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm về sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực trong thương mại quốc tế; thúc đẩy việc gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý, .v.v. [39]
- Hoa Kỳ: Do số lượng tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ tại nước ngoài là rất lớn và số lượng quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài của Mỹ bị xâm phạm cũng nhiều, nên Mỹ là nước đi đầu trong việc hoàn thiện các chính sách và thể chế để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài. Hoa Kỳ cũng là nước xuất khẩu tài sản trí tuệ lớn nhất thế giới và nhận được
khoảng một nửa số tiền chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ của thế giới trong năm 2010. [45] Theo thống kê, nếu không tính ở Mỹ thì công dân Mỹ sở hữu từ 8% đến 9% số bằng độc quyền sáng chế ở các nước trên thế giới. Tuy vậy, công dân nước ngoài cũng sở hữu một số lượng lớn sáng chế ở Mỹ (khoảng 48% số bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực tại Mỹ).[61] Đó là lý do tại sao Mỹ luôn đi đầu và thúc đẩy các nước xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Mỹ ở trong và ngoài nước. Ngoài các biện pháp khác, Ðiều 301 đặc biệt (Special 301) trong Luật Thương mại năm 1974 yêu cầu Ðại diện Thương mại Mỹ (USTR) phải đưa ra Báo cáo hằng năm về tình hình bảo hộ sở hữu trí tuệ của các nước trên thế giới, theo đó Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp phù hợp để buộc các nước phải bảo hộ đầy đủ và hiệu quả quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm cả biện pháp kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay trừng phạt thương mại song phương.
3.4.2 Hoàn thiện chức năng bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài của các cơ quan Nhà nước nước ngoài của các cơ quan Nhà nước
Các nước trên thế giới cũng ngày càng hoàn thiện chức năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài cho các cơ quan nhà nước.
- Ở Hoa Kỳ: Là một nước có nhiều tài sản trí tuệ nhất trên thế giới, có
thể nói Hoa Kỳ đã xây dựng cho mình một hệ thống các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ tài sản trí tuệ của mình tại nước ngoài hoàn thiện nhất trên thế giới. Cụ thể như sau:
+ Bộ Thương mại: có nhiệm vụ chú trọng đặc biệt đến việc hỗ trợ các
doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ tại nước ngoài. Bộ Thương mại và USPTO đã phối hợp với các cơ quan khác thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm việc xây dựng
một trang web hướng dẫn chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp [59] do Bộ Thương mại quản lý. Trang web cho phép các doanh nghiệp gửi các câu hỏi liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài và sẽ được các chuyên gia sở hữu công nghiệp trả lời trong vòng 10 ngày. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm thấy trên trang web này các Tài liệu về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp của nhiều quốc gia khác nhau (gồm Brazil, Brunei, Trung Quốc, Ai Cập, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Paraguay, Peru, Nga, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam). Các chương trình đào tạo trực tuyến về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài cũng được đăng tải trên trang web này. Một đường dây nóng cũng được thiết lập để giải đáp các vấn đề về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp tại nước ngoài.
+ Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO): để thúc đẩy việc
bảo hộ và thực thi mạnh mẽ quyền sở hữu công nghiệp ở một số quốc gia/khu vực mà Mỹ đang gặp những thách thức lớn trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, năm 2006, USPTO đã thành lập vị trí Tùy viên Sở hữu trí tuệ. Các Tùy viên Sở hữu trí tuệ có nhiệm vụ hỗ trợ các Đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ về các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm việc đưa ra các chiến lược để ngăn chặn hàng giả và hàng xâm phạm bản quyền, hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc nâng cao sự bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Tùy viên Sở hữu trí tuệ cũng hỗ trợ các chính sách sở hữu công nghiệp của Mỹ, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo về sở hữu công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ trong các vấn đề sở hữu công nghiệp. Hiện tại, Mỹ có các Tùy viên Sở hữu trí tuệ ở Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Phái đoàn thường trực của Mỹ tại Geneva, Thụy Sỹ.
+ Cục Quản lý Thương mại quốc tế (ITA - thuộc Bộ Thương mại): có chức năng xây dựng các chiến lược để giúp các doanh nghiệp Mỹ vượt qua các rào cản về thị trường, trong đó bao gồm giám sát việc thực thi các hiệp định thương mại đa phương và song phương, bao gồm cả vấn đề sở hữu công nghiệp. Khi phát hiện ra các vấn đề sở hữu công nghiệp liên quan đến tiếp cận thị trường, Cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Thương mại, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ, USPTO, Bộ Tư pháp, v.v. để giải quyết vấn đề liên quan.
+ Các Thương vụ: Các Thương vụ của Mỹ trên khắp thế giới cũng có