1.4.1 .Lược sử tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông
3.4. Các kinh nghiệm khác trong quá trình chuẩn bị cho việc tố tụng tại thiết chế
3.4.1. Về nhân sự
Việc thuê luật sư nước ngoài của Philippines đã gây ra tranh cãi khi mà chất lượng các luật sư trong nước không hề thua kém, họ sẽ nỗ lực hơn khi bảo vệ cho chính quốc gia mình và hơn nữa, chi phí để thuê các luật sư trong nước cũng rẻ hơn. Phát ngôn viên của Tổng thống Aquino, Edwin Lacierda đã khẳng định tính đúng đắn
trong quyết định của Chính phủ: “Chúng tôi có kiến thức, nhưng trong trường hợp
xuất hiện trước Tòa trọng tài quốc tế, bạn phải có những người giỏi nhất và bạn có thể thuê để thực hiện điều đó. Sẽ rất khốc liệt nếu chúng ta không thuê các chuyên gia có kinh nghiệm xuất hiện trước Tòa trọng tài quốc tế” [15]. Các luật sư mà Chính phủ Philippines tham gia vào vụ kiện lịch sử này đã có nhiều kinh nghiệm tranh tụng và có uy tín trong giới luật sư quốc tế.
Philippines đã thiết lập đội ngũ nhân sự pháp lý rất tài năng, bao gồm Robert Smith, cựu chuyên gia địa lý của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; ông Bernard Oxman, người từng làm việc tại vị trí thẩm phán adhoc của Hoa Kỳ tại ITLOS.
Tư vấn pháp lý hàng đầu, Paul Reichler, đã có nhiều kinh nghiệm tranh tụng trước các thiết chế tài phán quốc tế, có văn phòng tại Washington D.C., Boston và
Paris. Reichler “là một trong những luật sư đáng kính trọng nhất trong ngành luật
các tranh chấp với các quốc gia khác. Các quốc gia có chủ quyền trước Tòa án Công lý quốc tế tại Hague và Tòa án Quốc tế về Luật biển tại Hamburg” [17].
Ông có nhiều kinh nghiệm đại diện và tư vấn cho các quốc gia có chủ quyền trong các tranh chấp biên giới trên đất liền và biển với các quốc gia láng giềng, bao gồm cả Nicaragua chống lại Colombia trong Toà án Công lý Quốc tế (2007-2012); Somali chống lại Kenya (ICJ, 2014); Bangladesh chống lại Myanmar trước Toà án Quốc tế về Luật biển (2009-2012); Ghana chống lại Cote d'Ivoire (ITLOS, 2014-hiện tại); Và tại Tòa trọng tài Phụ lục VII, bao gồm Mauritius chống lại Vương quốc Anh (2011-2015); Bangladesh chống lại Ấn Độ (2009-2014) và Guyana chống lại Suriname (2004-2007). Ông từng là người trung gian, do Tổng Thư ký của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) chỉ định, trong cuộc tranh chấp biên giới biển và giữa Guatemala và Belize (2000-2002).
Danh tiếng của ông được khẳng định rõ rệt khi giành chiến thắng cho Nicaragua kiện Hoa Kỳ đã vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để thực hiện các hành vi giúp đỡ các nhóm phiến loạn tấn công, xâm nhập lãnh thổ Nicaragua năm 1986. Có một điều trùng hợp đến kỳ lạ đó là sau hơn ba thập kỷ, Reichler lại giành chiến thắng cho một đất nước phải đối đầu với một thế lực siêu cường – Trung Quốc năm 2016, cũng giống như những gì ông làm cho Nicaragua khi phải đối đầu với Hoa Kỳ năm 1986.
Từ những điều trên, bài học kinh nghiệm và những gợi ý cho Việt Nam trong vấn để chuẩn bị nhân sự cho tranh tụng tại các thiết chế tài phán như sau:
- Nghiên cứu, tìm hiểu về các luật sư nước ngoài, đặc biệt là các luật sư có uy tín trong Cộng đồng pháp lý quốc tế, từng tham gia giải quyết các tranh chấp tương tự. Các luật sư mà Philippines đã thuê cũng là nguồn Việt Nam nên tham khảo. Bên cạnh đó, chú trọng tới việc liên kết với đội ngũ luật sư, chuyên gia trong nước để có kế hoạch phối hợp làm việc nhịp nhàng.
- Xây dựng Chương trình Quốc gia nhằm thu hút, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực luật quốc tế đặc biệt là luật biển. Đây chính là lực
lượng nòng cốt đóng vai trò tham mưu cho Nhà nước những giải pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, song song với chế độ đãi ngộ hợp lý, giữ chân người tài. Trong đó, nhấn mạnh tới vai trò của Hội luật quốc tế Việt Nam phải là đầu mối liên kết với các tổ chức như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nước, với Hội luật quốc tế ngoài nước để tổ chức các giao lưu, trao đổi học thuật, đóng góp thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề nổi cộm trong vấn đề đào tạo nhân lực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
- Đẩy mạnh việc gửi các thực tập sinh đi tu nghiệp tại các thiết chế tài phán, tổ chức quốc tế. ICJ là một trong số ít các thiết chế tài phán tổ chức Chương trình đào tạo Thực tập sinh đại học. Chương trình được bắt đầu từ năm 1999, mỗi Chương trình như vậy kéo dài 2 năm, cho phép những sinh viên luật có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc tại ICJ. Chương trình này nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của thực tập sinh về luật pháp quốc tế và quá trình tố tụng của Tòa án thông qua việc tích cực tham gia vào công việc của Tòa dưới sự giám sát của Thẩm phán. Tuy nhiên, thực tập sinh muốn tham gia chương trình này phải thông qua sự đề cử của các trường đại học, thỏa mãn các điều kiện được ghi trong Bảng mô tả và đáp ứng các yêu cầu bổ sung khác [20]. Cụ thể: Tòa đặc biệt lưu ý tới những ứng cử viên có kết quả xuất sắc nghiên cứu pháp lý trong qúa trình học tập, hoặc nhữn gngười nghiên cứu, xuất bản và làm việc trong lĩnh vực luật quốc tế. Ngôn ngữ chính thức cả Tòa là tiếng Anh và tiếng Pháp, người tham gia phải có kỹ năng nói, đọc, viết thành thạo ít nhất một trong hai thứ tiếng. Chi phí cho việc đào tạo, chi phí bảo hiểm và chi phí đi lại sẽ do trường đại học đề cử thực tập tiến hành chi trả bởi Tòa chỉ tạo điều kiện cấp thị thực nếu cần thiết và cung cấp các phương tiện làm việc khác mà không hỗ trợ tài chính.
Như vậy, vị trí thực tập sinh tại ICJ mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc làm quen với các thủ tục tố tụng trong môi trường tố tụng quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đòi hỏi không chỉ có sự nỗ lực của các sinh viên mà còn đòi hỏi trách nhiệm của các Trường đại học đặc biệt là các trường có ngành luật quốc tế, phải nâng cao chất lượng đào tạo, luôn sát xao các chương trình đào tạo quốc tế, đồng thời có quỹ hỗ trợ thực tập sinh đi tu nghiệp tại nước ngoài.
Ngoài ra, cũng cần phải chú ý rằng, trong cả hai Phiên điều trần về thẩm quyền và nội dung vụ kiện, Việt Nam được sự cho phép của Tòa trọng tài và sự đồng ý của Philippines đã gửi Phái đoàn tham dự với tư cách là quan sát viên. Phái đoàn Việt Nam bao gồm [62, tr.25]: 1. Ông Trịnh Đức Hải, Ủy ban Biên giới Quốc gia; 2. Đại sứ Nguyễn Duy Chiến; 3. Đại diện Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; 4. Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Nguyễn Đăng Thắng; 5. Luật sư ông Thomas Grant. Một điều dễ hiểu là với tư cách là quan sát viên, Phái đoàn Việt Nam cũng không có nhiều quyền lợi gì ngoài việc “lắng nghe”. Tuy nhiên, là một quốc gia có lợi ích liên quan chặt chẽ tới những nội dung của vụ kiện, Việt Nam cần có tâm thế hơn để việc lắng nghe trở nên có hiệu quả. Nên chăng lúc đó là việc bổ sung bằng một chuyên gia giàu kinh nghiệm về luật biển trong nước, hay công khai một báo cáo làm việc công khai sau những ngày Phái đoàn tham dự phiên tòa. Chính những người tham gia Phái đoàn phải là những đầu mối kết nối tốt nhất cho Việt Nam sau này, trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền thông qua các thiết chế tài phán quốc tế.