Di tích đền Độc Cước – Thanh Hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vi phạm di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh - Thực trạng và giải pháp (Trang 41 - 51)

2.2 Một số vi phạm di tích điển hình

2.2.2 Di tích đền Độc Cước – Thanh Hóa

Đền Độc Cước là một di tích kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII, nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Sầm Sơn trên địa phận xã Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những di tích được Bộ Văn hóa xếp hạng đợt đầu tiên tại Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962. Di tích này điển hình cho hai hành vi vi phạm chính đó là tu bổ tôn tạo không đúng với những nội dung mà Cục Di sản văn hóa đã cho phép và xây dựng các công trình trong khu vực bảo vệ II, phá vỡ cảnh quan môi trường di tích.

Ảnh 2.2.5: Đền Độc Cước sau tu bổ

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Thứ nhất, là việc tu bổ, tôn tạo không đúng với những quy định đã nêu trong văn bản thỏa thuận (xem ảnh 2.2.5). Cục Di sản văn hóa nhận được tờ trình số 97-TT/UBND ngày 28/11/2006 đề nghị thỏa thuận thiết kế kỹ thuật thi công tu bổ, tôn tạo đền Độc Cước. Sau khi nghiên cứu, xem xét hồ sơ thiết

kế kỹ thuật, Cục Di sản văn hóa đã đồng ý cho Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn nhưng lưu ý một số vấn đề như: Không xây dựng lầu hóa vàng và lầu vọng cảnh; giữ nguyên hiện trạng môn lâu, không thay đổi kết cấu và họa tiết trang trí trên các cấu kiện khi tu bổ môn lâu; tu bổ tôn tạo Tiền đường theo hình thức, cấu trúc vì kèo hiện trạng, không tu bổ theo hình thức vì kèo của tòa Trung đường, riêng phần kẻ cổ ngỗng ở hiên cần nghiên cứu tu bổ cho phù hợp với hình thức kết cấu bên trong, phải đảm bảo được vững chắc, chống chịu được mưa bão; Hạng mục Trung đường: cần bảo tồn tuyệt đối các mảng trạm khắc thế kỷ 17, 18; đánh dấu các cấu kiện thay mới, cấu kiện tu bổ và cấu kiện bảo quản tái sử dụng trên các bản vẽ thiết kế tu bổ, tôn tạo, đồng thời bổ sung bản vẽ nối, vá, thay cốt, ốp mang (xem ảnh 2.2.6); Thống nhất phương án thay thế hệ thống vì kèo gỗ phần xây bằng gạch không phù hợp của gian cuối hậu cung; Trước khi hạ giải các cấu kiện kiến trúc cần đánh số và sau khi hạ giải cần đánh giá, phân loại tình trạng các cấu kiện kiến trúc để có phương án tu bổ, tôn tạo thích hợp nhằm bảo tốn tối đa yếu tố gốc của di tích; Vật liệu gỗ đưa vào tu bổ, tôn tạo phải được ngâm, tẩm chống mối mọt theo quy trình. Đề nghị Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu, chỉnh sửa thiết kế và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi giám sát quá trình thi công theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh 2.2.6: Một số cấu kiện sau khi hạ giải không được bảo quản tại di tích đền Độc Cước, Thanh Hóa

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Tuy nhiên, sau đó ngày 11/2/2007 Cục Di sản văn hóa đã cử cán bộ xuống kiểm tra trực tiếp tại hiện trường công tác tu bổ, tôn tạo đền Độc Cước và nhận thấy rằng công tác tu bổ, tôn tạo di tích đền Độc Cước chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật di sản văn hóa và Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh (được ban hành kèm theo Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa – Thông tin) và ý kiến chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa. Cụ thể là: Các cấu kiện đã tháo dỡ, hạ giải mới chỉ được xếp tạm chưa được đánh số và bảo quản theo quy định; việc tu bổ, tôn tạo Tiền đường thay mới quá nhiều, không bảo tồn được tối đa yếu tố gốc như: các chân tảng đã bị thay thế gần hết, chưa có biện pháp ngâm tẩm, chống mối mọt các vật liệu gỗ tái sử dụng và cấu kiện thay mới theo đúng quy trình; các cấu kiện của tòa Trung đường và Hậu cung đã được gia công khá

nhiều, có những cấu kiện sử dụng gỗ chưa đảm bảo chất lượng. Như vậy, việc tu bổ, tôn tạo di tích đền Độc Cước đã không làm đúng theo những quy định của pháp luật (xem ảnh 2.2.7).

Ảnh 2.2.7: Một số cấu kiện cũ và mới để lẫn nhau tại di tích đền Độc Cước, Thanh Hóa

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Căn cứ vào thực tế yêu cầu của việc tu bổ di tích này, Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa xây dựng nhà kho bảo quản các cấu kiện hạ giải và nhà xử lý cấu kiện, tránh làm hư hỏng và thất lạc các cấu kiện gốc; bổ sung cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm về tu bổ di tích tham gia vào quá trình giám sát và thi công tu bổ di tích đền Độc Cước; thành lập tổ công tác có sự tham gia của Lãnh đạo Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Thanh Hóa để đánh giá, lựa chọn và phân loại các cấu kiện kiến trúc của Tiền đường, Trung đường và Hậu cung đã hạ giải, từ đó đề xuất các biện pháp nối, vá, thay cốp ốp mang,

giữ gìn tối đa các chân tảng cũ; phải bảo quản và tuyệt đối giữ các mảng trạm khắc thế kỷ 17, 18 tại Trung đường và Hậu cung, hạn chế tối đa việc thay mới các cấu kiện kiến trúc, đặc biệt là các dấu tích chỉ định niên đại. Đề nghị Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nghiêm túc thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích đền Độc Cước nhằm bảo tồn được các yếu tố gốc và tính toàn vẹn của di tích.

Ảnh 2.2.8: Khách sạn Biển nhớ xây dựng trong khu vực bảo vệ II di tích đền Độc Cước

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Thứ hai, là việc xây dựng khách sạn Biển Nhớ trong khu vực bảo vệ II di tích đền Độc Cước (xem ảnh 2.2.8). Dự án Khu vui chơi giải trí đền Độc Cước thuộc Trung tâm phát triển Thương mại và đầu tư – liên minh hợp tác xã Việt Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cấp phép đầu tư và thuê đất với thời gian 50 năm. Công trình được xây dựng bởi Công ty Thương mại và du lịch Biển Nhớ từ năm 2002 dưới chân đền Độc Cước với tổng diện tích

5080m2. Ngay từ khi đưa vào thi công, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân và các nhà chuyên môn, bởi đây là di tích cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1962 với kiến trúc kiểu chuôi vồ vô cùng độc đáo (thế kỷ XVII). Trước khi có công trình này, du khách có thể ngắm nhìn hòn Cổ Giải (đầu rùa) và đền Độc Cước từ nhiều phía. Thế nhưng, từ khi khu du lịch văn hóa xây dựng, mọi cảnh quan bị che lấp hoàn toàn, theo quy định độ cao khống chế của công trình là 5,5m so với mặt đường Hồ Xuân Hương, Công ty Biển Nhớ vẫn phớt lờ những quy định trên, bỏ qua dư luận và vi phạm nghiêm trọng Luật di sản văn hóa. Khoản 2 Điều 32 Luật di sản văn hóa quy định “Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, đối với di tích cấp tỉnh phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” 24, tr 25.

Ảnh 2.2.9: Khách sạn Biển nhớ xây dựng cao vượt quá quy định

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Trong báo cáo kết luận Thanh tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thì quá trình xây dựng các hạng mục công trình vui chơi, giải trí từ năm 2002 đến nay, Trung tâm Thương mại và Đầu tư không hề có báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có sự thống nhất về vành đai bảo vệ di tích và sự ảnh hưởng của các công trình đối với di tích theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và những quy định của Luật di sản văn hóa, các hạng mục công trình xây dựng năm 2004 không có thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công trình xây dựng không có giấy phép. Tất cả các hạng mục nêu trên chỉ dựa trên bản vẽ tổng thể mặt bằng quy hoạch, mặt bằng hiện trạng, giới hạn khu đất và bản phối cảnh tổng thể khu di tích văn hóa – vui chơi giải trí đền Độc Cước (xem ảnh 2.2.9, 2.2.10).

Ảnh 2.2.10: Một số hình ảnh xây dựng khách sạn Biển Nhớ tại đền Độc Cước

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Ngày 08/3/2007 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 687/BVHTT-DSVH gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa với nội dung như sau “Bộ Văn hóa – Thông tin nhận được công văn số 78/SVHTT-QLVH ngày 30/1/2007, công văn số 92/SVHTT ngày 05/2/2007 và công văn số 121/SVHTTDL-DT ngày 12/2/2007 của Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Thanh Hóa báo cáo về việc xây dựng khách sạn Biển Nhớ vi phạm khu vực bảo vệ II di tích đền Độc Cước, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau: Khu vực thắng cảnh Sầm Sơn được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Trong những năm gần đây khu di tích thắng cảnh Độc Cước, núi Cổ Giải, Sầm Sơn được đầu tư khá nhiều dự án. Tuy nhiên, một số dự án được triển khai không tuân thủ quy định

của Luật di sản văn hóa, Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa dẫn đến vi phạm các quy định về tu bổ, tôn tạ di tích như: phê duyệt Dự án xây dựng khách sạn Biển Nhớ chưa có văn bản thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin; tu bổ tôn tạo đền Độc Cước khi Thiết kế kỹ thuật thi công chưa có văn bản thẩm định của Cục Di sản văn hóa... Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần rút kinh nghiệm trong quá trình xem xét, phê duyệt các Dự án đầu tư xung quanh các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Đối với Dự án xây dựng khách sạn Biển Nhớ, hiện nay chủ đầu tư đã triển khai xây dựng được khá nhiều hạng mục, nhưng chưa có văn bản thỏa thuận của Bộ Văn hóa – Thông tin. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư, sau khi nghiên cứu, xem xét và căn cứ kết quả kiểm tra thực tế tại hiện trường, Bộ Văn hóa – Thông tin đồng ý việc xây dựng Dự án xây dựng khách sạn Biển Nhớ, nhưng điều chỉnh một số vấn đề sau:

- Vị trí xây dựng khách sạn cách chân núi 85m về phía Tây Bắc đã vi phạm khu vực bảo vệ II của di tích 15m (biên bản khoanh vùng bảo vệ quy định khu vực bảo vệ II kéo dài từ chân núi Cổ Giải ra phía Bắc 100m). Theo thiết kế cơ sở, nhà B gồm 4 tầng cao 14.40m, cao hơn 1,90m so với đền Độc Cước. Do đó, đề nghị chủ đầu tư phải hạ độ cao gian đầu hồi của công trình này (hạ thấp và giật cấp vào trong tạo thành sân trời, trồng cây xanh để phù hợp cảnh quan)

- Nhà 4 tầng phía Tây nhà B (đã xây dựng xong phần thô) và nhà 7 tầng (đã hoàn thiện móng) cách xa đền Độc Cước nêngiữ nguyên và triển khai thi công theo đúng quy hoạch đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2003.

- Phần đất hàng rào phía trước của khách sạn thuộc khu vực bảo vệ II của di tích chỉ được trồng cây xanh tạo cảnh quan và sử dụng làm bãi đỗ xe nhằm mục đích phục vụ cho di tích trong các mùa lễ hội.

Ảnh 2.2.11: Một số hình ảnh vi phạm tại di tích đền Độc Cước

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Bộ Văn hóa – Thông tin đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn hướng dẫn Chủ đầu tư nghiêm túc chỉnh sửa vi phạm và giám sát quá trình thực hiện để công trình xây dựng hài hòa với môi trường cảnh quan của di tích” (xem ảnh 2.2.11)

Ảnh 2.2.12: Đứng từ đền Độc Cước nhìn xuống khách sạn Biển Nhớ

Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Qua vụ việc vi phạm pháp luật về tu bổ, tôn tạo và xây dựng khách sạn Biển Nhớ tại đền Độc Cước, tác giả nhận thấy rằng, việc ban hành pháp luật là quan trọng, nhưng để pháp luật có hiệu lực trên thực tế và được áp dụng một nghiêm túc càng khó hơn. Hành vi vi phạm di tích có thể được thực hiện từ nhiều phía, từ cá nhân, tổ chức, đến các nhà quản lý (xem ảnh 2.2.12).

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vi phạm di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh - Thực trạng và giải pháp (Trang 41 - 51)