CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
4.1. Phân quyền trong hiến pháp Đôn gÁ
Dân chủ là quan trọng, như được nhận định bởi một triết gia, chủ yếu không phải bởi nó mang lại nhiều điều tốt đẹp, mà bởi nó giúp tránh được chế độ độc tài. Hiến pháp thiết kế được cơ chế phân chia quyền lực, chống
lại sự tập trung quyền lực, cũng chính là nhằm chống lại sự độc đoán, độc tài.
Phân chia quyền lực, một mặt, bảo đảm sự kiềm chế, đối trọng giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp, chống lại sự tùy tiện, lạm quyền của bất kỳ nhánh quyền lực nào, cũng như chống lại sự xâm phạm quyền tự do cá nhân. Mặt khác, nó bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp
và hiệu quả của các cơ quan. Như vậy có thể khẳng định rằng phân chia
quyền lực, tạo ra sự kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chính là bảo vệ dân chủ. Từ góc độ dân chủ, người ta thường lưu tâm đến vai trò của phân quyền trong việc bảo đảm cho cơ quan đại diện (lập pháp) có thể giám sát hành pháp, và cơ quan tư pháp có thể giám sát các nhánh quyền lực còn lại.
4.1.1. Một số đặc điểm của phân quyền tại các quốc gia Đông Á
Chương trước đã tìm hiểu về những diễn biến chính trị, sự phát triển của dân chủ dẫn đến sự ra đời của các bản hiến pháp tại các quốc gia Đông Á. Cũng chính những thành tố, tiến trình đó đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn mô hình hiến pháp, hình thức chính thể, tổ chức quyền lực nhà nước, cơ chế bảo hiến và các nội dung cụ thể khác của hiến pháp. Ở đây, tác giả phân tích hai đặc điểm nổi bật là: Thứ nhất, các đặc điểm của mô hình chính trị, mô hình hiến pháp được lựa chọn đã định hình việc lựa chọn mô hình phân quyền trong hiến pháp; Thứ hai, trong tiến trình mở rộng dân chủ, phương thức, mức độ phân quyền được điều chỉnh nhằm giảm thiểu sự chuyên quyền, đặc biệt là của nhánh hành pháp.
Trước hết, các đặc điểm của quan hệ quyền lực, văn hóa chính trị, mô hình hiến pháp được lựa chọn đã định hình việc lựa chọn cách thức phân quyền trong hiến pháp. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản nhắm đến hai mục tiêu căn bản: thứ nhất là giải giáp chế độ quân phiệt, ngăn chặn sự trỗi dậy của một đế quốc hiếu chiến trong tương lai,
và mục tiêu thứ hai xuất hiện muộn hơn là tạo dựng một đồng minh thân cận ngăn chặn sự bành trướng của phe cộng sản. Để làm được những điều này, Nhật Bản cần có sự ổn định. Duy trì sự ổn định trong xã hội Nhật không có ai quan trọng bằng Nhật hoàng, do đó, người Mỹ muốn hướng đến kiến tạo mô hình quân chủ đại nghị. Mặt khác, mô hình truyền thống về vai trò nghi lễ của Nhật hoàng, chứ không phải quyền lực hiến định thực tế, nếu tiếp tục duy trì cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tại Đài Loan, “Hiến pháp ngũ quyền” tồn tại cho đến nay, được đặt trên nền tảng của chủ nghĩa Tam dân và nguyên tắc phân chia năm quyền của Tôn Trung Sơn, tổ chức nhà nước theo mô hình bán tổng thống ngay từ đầu (Hiến pháp 1946). Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, Viện trưởng Viện Hành chính làm Thủ tướng. Bên cạnh đó là các quyền lập pháp, tư pháp, giám sát và khảo thí. Tại Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam và Bắc Triều Tiên, sau khi các đảng Cộng sản đã giành được chính quyền đã áp dụng mô hình nhà nước Xô-viết với nguyên tắc tập quyền và duy trì sự lãnh đạo duy nhất của một đảng. Cho đến gần đây, thế hệ lãnh đạo thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bầu ra tại Đại hội 18 – tháng 11 năm 2012, chưa cho thấy có dấu hiệu nào về cải cách các thể chế chính trị, dù khá mạnh mẽ trong chiến dịch chống tham nhũng. Trong khu vực, chỉ có Mông Cổ, sau khi chuyển đổi khỏi hệ thống xã hội chủ nghĩa, đã lựa chọn mô hình Tổng thống khi ban hành Hiến pháp 1992.
Thứ hai, trong tiến trình mở rộng dân chủ, phương thức, mức độ phân quyền được điều chỉnh nhằm giảm thiểu sự chuyên quyền, đặc biệt là của nhánh hành pháp. Tại Hàn Quốc, mô hình bán tổng thống (cộng hòa hỗn hợp) ngày nay chủ yếu được lựa chọn nhằm tránh hồi sinh các chế độ chuyên chế, độc đoán như đã xuất hiện trong các thập niên 1950 – 1980. Mô hình tổng thống tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một cá nhân trở nên nguy hiểm hơn khi cá nhân đó nắm quân đội trong tay (các tướng lĩnh như Park Chung -
Hee hay Chun Doo-Hoan). Hệ thống đại nghị, dù có vẻ gần với dân chủ hơn, nhưng dường như dễ tạo ra sự hỗn loạn, thiếu hiệu quả khi phải đối phó với các tình huống khẩn cấp (giai đoạn 1960 – 1961). Việc bầu cử tổng thống gián tiếp cũng đã làm cho các quyền chính trị của người dân bị tuột khỏi tay, khi quốc hội và các hội đồng bầu cử bị thao túng bởi đảng cầm quyền của các tướng lĩnh. Sự lựa chọn thích hợp, trong Hiến pháp 1987, là mô hình bán tổng thống bảo đảm tránh được độc tài, cũng như duy trì quyền của người dân bầu ra người đứng đầu cơ quan hành pháp.
Như vậy có thể thấy, các đặc điểm của mô hình chính trị, mô hình hiến pháp được lựa chọn đã định hình việc lựa chọn mô hình phân quyền trong hiến pháp Đông Á. Trong tiến trình mở rộng dân chủ đã thấy, tại hầu hết các quốc gia, các quy định về phân quyền đã được điều chỉnh, củng cố nhằm giảm thiểu sự chuyên chế từ các nhánh quyền lực.