Xác định tài sản riêng của vợ, chồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Trang 56 - 62)

2.1. Xác định tài sản vợ chồng khily hôn trong trường hợp vợ chồng áp

2.2.2. Xác định tài sản riêng của vợ, chồng

Pháp luật thừa nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng. Vợ, chồng hoàn toàn có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu của mình khi ly hôn.

2.2.2.1. Căn cứ xác định tài sản riêng của vợ, chồng

Kế thừa giá trị của Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000, Điều 43 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của luật này”.

Như vậy, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định dựa vào các căn cứ sau: - Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có từ trước khi kết hôn:

Thông qua lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu nhập hợp pháp khác, mỗi người có thể tạo ra một khối tài sản hoặc có được tài sản thông qua các giao dịch dân sự trước khi kết hôn. Những tài sản này thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi bên và được pháp luật thừa nhận, bảo hộ. Những tài sản này không phải do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, không chịu sự tác động bởi tính chất cộng đồng của quan hệ hôn nhân và lợi ích chung của gia đình. Vì vậy, vợ chồng có thể xác lập quyền sở hữu của mình đối với những tài sản phát sinh trước khi kết hôn dựa trên các căn cứ được quy định từ Điều 233 đến Điều 247 BLDS 2005 về xác lập quyền sở hữu đối với thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp…

Quy định tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ chồng đã bảo vệ được quyền sở hữu cá nhân của vợ, chồng, là căn cứ pháp lý bảo đảm tài sản riêng của vợ chồng khi giải quyết tranh chấp trên thực tế; đồng thời phù hợp với quy định quyền sở hữu riêng của công dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.

- Tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân:

Những tài sản này không do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân mà được định đoạt bởi ý chí của chủ sở hữu. Việc pháp luật quy định những tài sản này thuộc khối tài sản riêng của vợ, chồng nhằm bảo đảm quyền tự định

đoạt của các chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về việc chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng được hưởng. Những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thường do những người thân thuộc, bạn bè của mỗi bên cho vợ, chồng được hưởng giá trị tài sản đó. Đó có thể là những tài sản do cha, mẹ cho riêng con trong ngày cưới, cha mẹ một bên khi chết để lại di chúc cho con mình là người vợ, chồng được hưởng … Những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ, chồng.

- Tài sản mà vợ, chồng được chia khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

Xuất phát từ thực tế cuộc sống, Luật HN&GĐ năm 2014 trên cơ sở kế thừa Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung. Theo đó, khoản 1 Điều 40 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng”. Như vậy, phần tài sản chung đã được chia riêng cho mỗi bên vợ, chồng là tài sản riêng của người đó. Những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản riêng được chia là tài sản riêng của vợ, chồng. “Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác” [5].

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ tài sản riêng của vợ, chồng còn có những tài sản mà vợ, chồng có được khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật bao gồm:

- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

2.2.2.2. Xác định nghĩa vụ riêng của vợ, chồng

Nghĩa vụ được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng được quy định như sau:

Khoản 3 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2014: “Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó”. Nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng phát sinh từ các khoản nợ mà vợ, chồng vay của người khác, sử dụng vào mục đích cá nhân mà không vì mục đích của gia đình hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng hay các loại nghĩa vụ khác theo luật định (nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con mà vợ, chồng phải thực hiện). Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi bên vợ, chồng được thanh toán từ tài sản riêng của người có nghĩa vụ. Quy định này còn quá chung chung, chưa có căn cứ cụ thể để xác định loại nghĩa vụ tài sản này. Ngoài quy định trên, Luật HN&GĐ năm 2014 đã bổ sung quy định cụ thể nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Theo đó, vợ, chồng phải bằng tài sản riêng của mình để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ sau đây:

Một là, nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

Hai là, nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng (trường hợp hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình và trường hợp sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình);

Ba là, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

Bốn là, nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.Về nguyên tắc, đối với các khoản nợ và nghĩa vụ phát sinh trên đây, vợ, chồng có nghĩa vụ phải thanh toán, bồi thường bằng tài sản riêng của mình; nếu tài sản riêng không có hoặc không đủ thì trích chia phần tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung của vợ chồng (sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân) để thực hiện nghĩa vụ. Những quy định này là cơ sở pháp lý cho việc xác định nghĩa vụ được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng.

Như vậy, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng (còn gọi là nợ riêng của vợ, chồng) phát sinh từ các khoản nợ mà vợ, chồng vay của người khác, sử dụng vào mục đích cá nhân, mà không vì lợi ích chung của gia đình; hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng hay các loại nghĩa vụ khác theo luật định (nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con mà vợ, chồng phải thực hiện). Vì thế, theo quy định của pháp luật, vợ, chồng phải bằng tài sản riêng của mình để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ sau đây:

- Nghĩa vụ trả các khoản nợ mà vợ, chồng đã vay của người khác từ trước khi kết hôn mà không vì nhu cầu đời sống chung của gia đình;

- Nghĩa vụ trả các khoản nợ mà vợ, chồng đã vay của người khác trong thời kỳ hôn nhân sử dụng vào mục đích riêng, không đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và lợi ích chung của gia đình;

- Nghĩa vụ trả các khoản nợ phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nợ phát sinh khi vợ, chồng đã tiến hành khai thác hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân mà vợ chồng không có thỏa thuận những hoa lợi, lợi tức đó vẫn thuộc tài sản riêng của mỗi người;

Quá trình quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bằng các khoản chi phí mà vợ, chồng vay của người khác, theo nguyên tắc thì vợ, chồng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ bằng tài sản riêng của mình.

- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi vợ, chồng là người quản lý di sản thừa kế mà đã có hành vi thực hiện các giao dịch nhằm tẩu tán, phá tán hoặc làm hư hỏng, mất mát di sản [5, Điều 12, khoản 3]. Trong trường hợp này, những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và có quyền yêu cầu chia di sản; Người vợ, chồng còn sống mà quản lý di sản đó có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho những người thừa kế khác theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, đối với các khoản nợ và nghĩa vụ phát sinh trên, vợ, chồng có nghĩa vụ phải thanh toán, bồi thường bằng tài sản riêng của mình, nếu tài sản riêng không có hoặc không đủ thì trích chia phần tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung của vợ chồng (sau khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn), để thực hiện nghĩa vụ. Cũng có thể nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng được thực hiện bằng tài sản chung của vợ chồng khi vợ chồng thỏa thuận.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Trang 56 - 62)