Pháp luật một số quốc gia về xác định tài sản vợ chồng khily hôn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Trang 32 - 36)

Có thể thấy điểm chung của các hệ thống pháp luật trên thế giới đều coi gia đình là một thiết chế xã hội vững chắc, bền vững, làm nền tảng cho một xã hội ổn định. Vì thế nhà làm luật cần quan tâm điều chỉnh chặt chẽ các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực gia đình. Trong đó, pháp luật các nước dành nhiều quy định giải quyết vấn đề tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Nhiều nhà làm luật các nước tư sản cho rằng, hôn nhân thực chất là một loại hợp đồng dân sự, hôn nhân chỉ khác với các loại hợp đồng dân sự thông thường khác ở tính chất “long trọng” trong thiết lập và chấm dứt. Bên cạnh đó, nhà làm luật ở một số nước thường đề cao quyền tự do cá nhân, quyền tự định đoạt đối với tài sản của vợ, chồng. Tự do lập hôn ước đã trở thành tư tưởng chủ đạo khi quy định chế độ tài sản của vợ chồng..

Nhà làm luật các nước châu Âu như Đức, châu Á như Thái Lan, Nhật Bản đề cao quyền tự do cá nhân, quyền tự định đoạt đối với tài sản của vợ chồng… Chế độ tài sản vợ chồng trước hết phải do chính bản thân vợ chồng lựa chọn, thỏa thuận, pháp luật chỉ quy định một chế độ tài sản cho họ khi vợ chồng không có hoặc không thỏa thuận được một chế độ tài sản cho mình.

Việc lựa chọn chế độ tài sản vợ chồng là một trong những nguyên tắc rất quan trọng trong việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn.

Chúng ta có thể thấy rõ quan niệm này trong BLDS và Thương mại Thái Lan, BLDS Nhật Bản và BLDS Đức.

1.4.1. Luật của Thái Lan

Quyền sở hữu của vợ chồng ở Thái Lan được điều chỉnh bằng hai phương thức: theo hôn ước mà vợ chồng lập ra trước khi cưới và theo quy định của pháp luật khi vợ chồng không có hôn ước hoặc hôn ước đó không được công nhận.

Theo quy định của pháp luật Thái Lan kể từ thời điểm kết hôn vợ chồng sẽ phát sinh quan hệ tài sản chung với những tài sản có nguồn gốc sau:

- Tài sản vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân.

- Tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua một di chúc hoặc tặng cho được làm bằng văn bản nếu trong các văn bản này tuyên bố rõ tài sản đó là tài sản chung.

- Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng.

Ngoài ra trong trường hợp tài sản có nguồn gốc hợp pháp khác nhưng không chứng minh được nó là của riêng một bên vợ, chồng thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo Điều 1492, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định khi vợ chồng ly hôn, xác định phần tài sản chung để chia thì phần tài sản chia cho mỗi bên vợ chồng trở thành tài sản riêng của họ. Bất cứ tài sản nào mà vợ chồng có được sau khi chia sẽ là tài sản riêng của người đó và không được coi là tài sản chung. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung trở thành tài sản riêng chia đều cho mỗi bên. Hoa lợi thu được từ tài sản riêng của người nào thuộc sở hữu của người đó.

1.4.2. Luật của Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia mang nặng nhiều biểu hiện phong kiến. Bộ luật Dân sự ở Nhật Bản được coi là một trong những sản phẩm của cuộc cải cách Minh Trị năm 1868. Hôn ước hay phần lớn những quy định trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản thường do được học tập từ dân luật Đức hoặc Pháp.

Điều 756 BLDS Nhật Bản quy định: “Nếu vợ hoặc chồng trước khi đăng ký kết hôn không ký một hợp đồng nào nhằm quy định khác đi tài sản của mình, thì quan hệ tài sản của họ được điều chỉnh bởi các quy định của tiểu mục II (tiểu mục qui định chế độ tài sản pháp định).

Theo quy định tại Điều 762 BLDS Nhật Bản: “Tài sản thuộc về vợ hoặc chồng từ thời điểm trước đám cưới và tài sản có được trong thời gian tồn tại của hôn nhân nhân danh người đó tạo thành là tài sản riêng của người đó. Bất kỳ tài sản nào mà không thể xác định được là của vợ hoặc chồng, thì được coi là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng”.

Khi ly hôn, vợ hoặc chồng có quyền được yêu cầu phân chia tài sản. Nếu các bên không thỏa thuận được việc phân chia tài sản phù hợp với các quy định của pháp luật thì có quyền yêu cầu Toà án HN&GĐ thực hiện các biện pháp nhằm đạt được sự thỏa thuận. Lúc này, Tòa án HN&GĐ sẽ quyết định số lượng cũng như cách thức phân chia với sự cân nhắc số tài sản mà các bên đã cùng tạo dựng được (Điều 768). Đối với các vấn đề chi tiêu hàng ngày nếu chồng hoặc vợ thực hiện các giao kết pháp lý với người thứ ba, thì cả vợ và chồng đều phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các nghĩa vụ phát sinh đó, trừ trường hợp có thông báo trước về việc chồng hoặc vợ sẽ không phải chịu trách nhiệm trước người thứ ba (Điều 761).

1.4.3. Luật của Đức

Ở Đức, pháp luật quy định về tài sản trong hôn nhân do luật định và hợp đồng hôn nhân (hôn khế). Nguyên tắc tự do quy định qua hợp đồng cũng được áp dụng cho tài sản hôn nhân nên vợ chồng có thể tự thoả thuận các quan hệ về tài sản của họ trong hợp đồng hôn nhân hay thoả thuận áp dụng những quy định luật định nào.

Nếu không có hợp đồng hôn nhân thì quan hệ tài sản trong hôn nhân sẽ tuân theo các quy định của chế độ tài sản cộng đồng gia tăng (Điều 1361 BLDS). Ở chế độ này, tài sản của vợ hay chồng, kể cả tài sản có được sau khi kết hôn, vẫn là tài sản riêng của người ấy, mỗi người tự quản lý và chịu trách nhiệm về tài sản của mình, và chỉ cần ý kiến đồng thuận của người kia khi muốn chuyển nhượng toàn bộ tài sản của mình hay một đồ vật thuộc về đồ

đạc trong nhà. Tài sản gia tăng của vợ chồng chỉ được chia khi chế độ tài sản của họ chấm dứt. Khi chế độ tài sản vợ chồng bị chấm dứt vì người vợ hay chồng chết thì sự chia tài sản gia tăng được thực hiện qua việc phần thừa kế của người sống được tăng thêm 1/4. Nếu chế độ cộng đồng gia tăng bị chấm dứt qua ly hôn thì người nào có phần tài sản gia tăng cao hơn, sẽ phải chia đôi phần gia tăng nhiều hơn cho người kia, để cho phần gia tăng tài sản của hai vợ chồng trong thời gian hôn nhân bằng nhau. Tài sản gia tăng là sự chênh lệch về giá trị (tức là phần gia tăng) của tài sản tính từ ngày kết hôn đến ngày đơn xin ly hôn đến Toà án gia đình. Những tài sản mà người vợ hay người chồng nhận được từ cha mẹ hay họ hàng của mỗi người như của hồi môn, thừa kế, quà tặng riêng… trong thời gian hôn nhân không bị coi là phần gia tăng của tài sản khi ly hôn.

Nếu thông qua hợp đồng hôn nhân, vợ chồng có thể thỏa thuận không theo chế độ tài sản cộng đồng gia tăng mà chọn chế độ tài sản sở hữu tài sản tách riêng hoặc chế độ tài sản sở hữu tài sản chung.

Ở chế độ tài sản sở hữu tài sản tách riêng (Điều 1414 BLDS) tài sản của vợ chồng, kể cả tài sản mà vợ chồng có được sau khi kết hôn qua lao động, là tài sản riêng của người ấy. Mỗi người tự quản lý và chịu trách nhiệm về tài sản của mình, có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt độc lập không cần ý kiến của người kia.

Ở chế độ tài sản sở hữu tài sản chung, tất cả tài sản của hai vợ chồng có từ trước ngày kết hôn và tài sản vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân qua lao động, thừa kế... trở thành tài sản chung của hai vợ chồng mà không cần một nghi thức pháp lý nào. Cả hai vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt như nhau đối với tài sản chung. Chế độ tài sản sở hữu chung chấm dứt qua ly hôn, lúc này tài sản sẽ được chia đôi giữa vợ và chồng sau khi thanh toán hết những nghĩa vụ chi trả [4].

Chương 2: XÁC ĐỊNH TÀI SẢN VỢ CHỒNG KHI LY HÔN THEO PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH HIỆN HÀNH VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

Điểm mới rất quan trọng của Luật HN&GĐ năm 2014 là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, theo đó, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận [44, Điều 28]. Do đó, việc xác định tài sản của vợ chồng khi ly hôn cần dựa vào sự lựa chọn của vợ chồng trong việc áp dụng chế độ tài sản.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Trang 32 - 36)